Thị dân và di sản văn hóa đô thị
Chắc chắn vấn đề đặt ra sẽ không xa lạ gì với người dân sống ở đô thị cổ Hội An - nơi mà các di sản văn hóa đô thị đã trở thành “di sản văn hóa thế giới” từ 17 năm nay.
Phố cổ Hội An.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thế nhưng một quy hoạch căn cơ để phát triển đô thị di sản như Hội An theo hướng du lịch sinh thái - văn hóa trong tương lai với tầm nhìn đến khoảng năm 2025-2035 đã phải trải khá nhiều cuộc bàn thảo trong những năm gần đây. Và chính quyền cùng các nhà khoa học soạn thảo quy hoạch cũng mới “cơ bản nhất trí về mặt tổng thể” chứ chưa hoạch định hoàn chỉnh về mặt chi tiết - nhất là lĩnh vực xây dựng, các công trình kiến trúc cụ thể trong tương lai cho từng vùng quy hoạch sẽ như thế nào trong điều kiện bảo tồn di sản gắn với biến đổi dân số, nhu cầu của phát triển các khu đô thị mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ tương ứng. Đồng thời vấn đề quy hoạch lại phát sinh một biến động khá tiêu cực cho quy hoạch hướng biển, là sự xâm thực bờ biển Cửa Đại do biến đổi khí hậu, do cả sự “thiếu cân nhắc” của địa phương khi cấp phép các khu resort, các khách sạn được xây bên mép bờ biển khiến bờ biển bị chia cắt, các công trình bê tông tăng sự va đập sóng biển gây sạt lở cục bộ và làm mất cảnh quan tự nhiên các làng nghề biển truyền thống…
Mỗi một ngày đô thị dù mới hay cũ cũng đều trải qua sự biến đổi - nhất là ở những “điểm nóng” về việc phát triển kinh tế du lịch. Nhìn cảnh huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhà nhà “đua nhau xây khách sạn, nhà nghỉ” khi có điện lưới quốc gia. Còn ở thị trấn Sapa (Lào Cai), trong khi các nhà quản lý đang chuẩn bị lập quy hoạch thì điều tương tự cũng xảy ra. Việc không kiểm soát nổi nhu cầu xây dựng tự phát đã biến đô thị du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng Tây Bắc thành “đại công trường” xây dựng. Người người chạy theo mối lợi trước mắt mà quên cái hại lâu dài về tài nguyên thiên nhiên - cũng là tài nguyên du lịch của vùng đất, và điều đáng nói là làm nghèo đi “vốn văn hóa” khi xâm hại, xóa sổ, làm biến dạng các di tích - di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Qua hoạt động du lịch đã cho thấy, các giá trị văn hóa sẽ làm gia tăng giá trị kinh tế của một sản phẩm du lịch; giá trị văn hóa cũng góp phần xây dựng nhân cách cư dân bản địa, hình thành nên một đội ngũ nhân lực có chất lượng cao hơn, thích ứng với sự phát triển.
Điều gì rồi xảy ra ở xã đảo Tân Hiệp (Hội An) nếu không sớm có những quy định tương thích với Luật Di sản, với Khu dự trữ sinh quyển thế giới và chủ trương xây dựng Hội An thành “đô thị sinh thái, du lịch, văn hóa”, khi điện lưới quốc gia vừa kết nối với Cù Lao Chàm. Việc này chắc chắn chính quyền đô thị đã trù liệu, hy vọng xã đảo sẽ tránh được tình trạng “mọi việc đã rồi” và “dây rút kinh nghiệm” của các cơ quan hữu quan lại cứ dài ra…
Một thực tế là dù mới hay cũ - các đô thị ở Quảng Nam đều có quá khứ “vang bóng” vì đã từng là những đô thị hành chính một thời. Thành phố Tam Kỳ từng là thị xã tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín trước 1975 và thị xã Điện Bàn hiện nay từng là nơi đặt lỵ sở từ những năm đầu thế kỷ 17 với Dinh Chàm/Chiêm thời các chúa Nguyễn (sau 1602) ở Thanh Chiêm và lỵ sở Thành tỉnh La Qua (Vĩnh Điện) từ nửa cuối thế kỷ 19 đến thời Pháp thuộc. Trải qua bao biến cải, “di sản đô thị” ở Tam Kỳ và Điện Bàn - nhất là Điện Bàn còn lại chẳng bao nhiêu, phần lớn là “vết tích” chứ chẳng được là “phế tích”. Còn nhớ, cho đến những năm 1979-1980 thế kỷ trước, thành tỉnh ở Vĩnh Điện vẫn còn các kiến trúc “thành cao hào sâu” - thực sự là di tích lịch sử văn hóa của đất Điện Bàn văn vật, nhưng đến nay chỉ còn một số gạch, ngói, hình ảnh trong bảo tàng. Tam Kỳ vẫn giữ được di tích khu hành chính cũ, các kiến trúc tín ngưỡng - giáo dục trên đường Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Trần Dư... Khi nghĩ đến việc xây dựng một đô thị “đáng sống”, ngoài việc đô thị ấy có môi trường sống có chất lượng, có kinh tế tăng trưởng, mức độ đáp ứng nhu cầu dân sinh cao, thì khía cạnh văn hóa tinh thần càng cần phải tương thích theo đà phát triển. Như vậy, chính quyền đô thị hãy chăm chút cho từng di sản trong đô thị. Không thể không lo âu khi sự phát triển trong xây dựng đã “nhốt” các di sản - vốn khiêm nhường về độ cao - trong bóng đổ của các công trình, mà các nhà kiến trúc gọi là “sự ô nhiễm thị giác”. Có lẽ, với Hội An, dù có phát triển các khu đô thị mới về hướng bắc hay đông nam, thiết nghĩ cần loại bỏ “tư duy chung cư” ra khỏi ý tưởng quy hoạch vì sẽ kéo theo bao hệ luỵ về dân sinh, chưa nói tầm cao các công trình sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị di sản. Lúc đó cảnh quan thiên nhiên các làng nghề nông nghiệp, làng cảnh quan - sinh thái, làng nghề truyền thống ở các xã Cẩm Hà, phường Cẩm Châu, xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Kim, phường Thanh Hà… chắc chắn cũng sẽ “vỡ” theo.
Theo dòng thời gian, sớm hay muộn, đô thị nào cũng mang một “di sản văn hóa” trong đời sống thị dân, di sản ấy có thể là “vật thể” hay “phi vật thể”.
PHÙNG TẤN ĐÔNG