Lan man chuyện xin lỗi, cám ơn
Từ kinh nghiệm ngàn đời qua, nhân dân ta rất chủ quan cho rằng làm nên lũ lụt không phải chỉ một ngày mưa là đủ. Nhưng thực tế những năm gần đây chứng minh kinh nghiệm ấy đã lỗi thời. Mấy năm nay, có tình trạng lũ chồng lên lũ không phải vì thiên tai mà vì “nhân tai”. Ai ai cũng biết, báo chí phản ánh hà rầm, thậm chí còn đòi nhà đầu tư các nhà máy thủy điện đền bù thiệt hại và cúi đầu xin lỗi bà con. Quanh bàn cà phê, nhiều người khẳng định, đền bù thiệt hại ngó rứa chớ không khó, vì nhà đầu tư không đền bù, thì còn có chính quyền đứng ra lo(?); còn chuyện xin lỗi, thì sức mấy có chuyện xin lỗi, bởi mọi thứ đều “đúng quy trình”. Người chết, nhà ngập lút nóc, tài sản trôi theo dòng nước vì… tồn tại không đúng quy trình. Trách người ư? Thánh hiền nói rồi. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải trách mình trước rồi mới trách người. Lẽ ra, khi mùa lũ về thì nhân dân vùng thấp lụt phải biết dời nhà, dời người, dời tài sản lên núi hay ra thành phố sống tạm qua mùa lụt hãy về, chứ bám trụ với làng thì phải chịu thôi(!)
Ảnh minh họa. |
Buổi sáng chủ nhật hưỡn việc, anh em bàn ra tán vào, chẳng hiểu chúng ta là dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến, mà mở miệng nói lời xin lỗi, cám ơn răng khó rứa, không biết. Đọc sách giáo khoa của ta, tần số xuất hiện mấy chữ cám ơn, xin lỗi giống như hạt vàng giữa bãi cát. Trong khi đó, mở mấy cuốn sách dạy tiếng Anh căn bản của nước ngoài, thì thấy mấy từ cám ơn, xin lỗi cứ dày đặc. Ngẫm lại, thấy cũng đúng, vì họ nào có được nền văn hóa lâu đời như ta đâu, nên họ phải học, còn mình thì nó đã ngấm vào da thịt, vào máu huyết cả rồi cần gì phải học nữa(!?). Vả lại, trong cuộc sống đời thường muốn nói cám ơn, xin lỗi như lời đầu môi cũng không dễ. Nhớ lại một lần đến Mỹ, tôi thấy người ta mỗi lần bước xuống xe buýt đều nói lời cám ơn với người lái xe.
Tôi cũng phải học như thế, vì không muốn người khác nhìn mình với cặp mắt xa lạ. Về nước, bánh xe máy của tôi hơi bị mềm, bèn dắt ra chỗ sửa xe nhờ bơm cả hai bánh. Trả tiền xong, tôi nói: “Cám ơn”, liền bị người bơm xe chỉnh ngay: “Ơn nghĩa quái gì. Bơm xe cho ông, tôi lấy tiền chứ có bơm miễn phí đâu mà ơn với nghĩa. Vẽ chuyện!”. Da mặt tôi chỉ kém bức tường chút xíu, mà cũng phải… đỏ rần. Rứa là từ đó, hai tiếng cám ơn thụt vào đóc họng, có khạc cũng không chịu ra. Còn chuyện nói lời xin lỗi thì vô phương. Văn hóa của ta làm chi có chuyện nớ. Ông bà xin lỗi cháu; cha mẹ xin lỗi con; anh chị xin lỗi em; cấp trên xin lỗi cấp dưới… chỉ là chuyện trong mơ. Nếu bị ép buộc xin lỗi thì nói cho có nói chứ trong lòng thì ngược lại, thậm chí là những lời hăm he, nguyền rủa.
Hàng chục năm qua, hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” trở thành nan đề của xã hội. Văn hóa truyền thống của ta là “trên bảo dưới nghe”. Đi ngược lại văn hóa truyền thống là… đạo đức suy đồi!? Anh bạn của tôi cười vui, cho đây cũng là dạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống… Dân gian có câu: “Khôn dại tại hồ sơ, không phải ăn đồ dơ mà dại”, xuất phát từ thực tế cuộc sống là có đánh chết cũng không chịu nhận lỗi. Nếu bức bách quá thì nhận những thứ lỗi mà không phải lỗi. Xa xưa, thánh hiền cũng đã dạy “Bế môn tư quá”, đóng cửa suy ngẫm lỗi lầm. Nhưng thói thường không phải suy ngẫm lỗi lầm của mình mà suy ngẫm về lỗi lầm của đối phương. Nghĩ cách làm sao để tôi lỗi, anh lỗi, chúng ta đều lỗi chứ mình tôi lỗi đâu, vậy là cái lỗi ấy không chỉ riêng tôi và tự dưng nó biến mất. Khéo léo một chút, dễ trở thành người trung hậu được thế nhân ca ngợi.
Sách Cổ học tinh hoa có câu: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Nói theo ngôn ngữ bây chừ là “hạ cánh an toàn”. Một khi đã “hạ cánh an toàn”, thì soi vào lời dạy của Trang Tử: “Chỉ có bậc đạo đức mới tránh khỏi tai họa mà thôi”, sẽ rất lấy làm tự hào, vì mình là… bậc đạo đức như ai! Và một khi đã là “bậc đạo đức” thì làm quái chi có chuyện xin lỗi. Trong cuộc sống thường ngày, người lớn bao giờ cũng đúng bởi trứng làm sao khôn hơn vịt, áo sao mặc khỏi đầu. Do đó, mấy tiếng xin lỗi, cám ơn trở thành của hiếm trong cuộc sống là… bình thường(?). Đọc mấy cuốn sách dạy tiếng Anh căn bản của mấy nhà xuất bản nước ngoài mà thương cho họ. Bề dày văn hóa của họ chẳng có bao nhiêu nên suốt ngày phải treo ở đầu môi mấy tiếng “Excuse me!”, “Please!”, “Thanks!”, “Thank you!”…!
Người thường đi chỗ cao, nước hướng về chỗ trũng, ấy là đạo lý thường tình xưa nay. Do đó, bà con ở những vùng lũ lụt đừng nên lấy kinh nghiệm của cha ông: “Có nước đồng, nước sông mới dẫy”, hoặc thấy hiện tượng “Mưa từng chặp, gió từng hồi” thì lụt mới tới. Bây giờ khác lắm. Mưa tới là lụt tới và lụt chồng lên lụt, chạy không kịp. Nhưng cũng có kinh nghiệm của ông cha cũng cần phải học: “Khôn ở trại, dại ở nhà”. Bà con ở những vùng hạ lưu các con sông có nhà máy thủy điện thì chỉ cần che trại tạm bợ để che nắng, tránh mưa dông là đủ(!). Mùa mưa tới thì chạy đến chỗ cao mà ở. Lúc ấy sẽ không cần sự giúp đỡ của ai, không cần lời xin lỗi của ai, dù biết lời xin lỗi (nếu có) cũng chẳng phải thật lòng. Nếu rủi thời có chết vì lý do nào đó cũng không bị trách là chết không đúng quy trình (!).
Anh bạn già của tôi đứng dậy, nói với giọng không vui: “Học hành nhiều, bằng cấp chất đầy tủ, nhưng lắm người không biết hai chữ vô sỉ viết như thế nào”. Rứa là buổi sáng chủ nhật… tan hàng.
VU GIA