Nguyễn Ngọc Hạnh lửa thức
“Ngọn lửa thức cùng tôi thế đó…” là câu thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh trong bài thơ Điểm danh, một bài thơ hay viết về ký ức thời dạy học của mình ở trường phổ thông một huyện. Bài thơ không chỉ là ký ức, là hoài niệm mà sâu xa hơn, nó chính là ám tượng của một đời thơ.
Đâu chỉ các em cả người giữ lửa
Cũng sợ tàn rơi rát bỏng tay mình
Đi qua chưa hết cuộc đời
Nói sao cạn tỏ
Ngọn lửa thức cùng tôi thế đó
Đã bao lần tôi tự điểm danh tôi.
(Điểm danh)
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, trong bài viết Chế Lan Viên - Người làm vườn vĩnh cửu đã nhận định: “Thi ca là hợp chất tác thành từ phản ứng hóa học giữa tư tưởng và cảm xúc mà những cơn đau chính là nhiệt độ, là lửa đã tạo ra phản ứng thi ca”. Thơ là sự kết tinh của lửa. Từ lửa đến thơ là chặng đường gian khổ, là đớn đau vô chừng… Vâng, chính “ngọn lửa âm thầm cháy đỏ” ấy mà Nguyễn Ngọc Hạnh đã làm ra những câu thơ nồng đậm cho đời.
Ngọn lửa thức cùng nhà thơ là thứ lửa mạch đất làng quê thân thuộc.. “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn”. Xa làng mà lòng còn quấn quýt phía sông quê; bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm. Cứ nhớ hoài tiếng chim dồng dộc hót, nơi cổng làng trước phút xa quê... Cái làng quê miền thượng du sông núi ảo huyền bên sông Vu Gia, Đại Lộc ấy đã minh định vóc dáng, thi pháp thơ ca Nguyễn Ngọc Hạnh. Làng quê chiến tranh khốc liệt, khổ nghèo dai dẳng ấy đã sinh nở những hình tượng thơ sâu thẳm, tạo nên những câu thơ hay nhất, những bài thơ hay nhất đời thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đến hôm nay. Không phải là con của người nông dân thì không thể có những thi ảnh như từ đất mọc lên thế này: Đêm nay ai còn chưa ngủ / Nghe lúa rung nhịp đập tim người; hay Ai hiểu được dưới vành nón lá / Một mặt trời mọc giữa ruộng sâu. Có thể nói phát hiện ra hình tượng mặt trời mọc dưới vành nón lá giữa ruộng sâu, là phát hiện mới mẻ, sâu thẳm trong thi ca viết về nông dân và nông thôn. Đó là tượng đài về người nông dân được Nguyễn Ngọc Hạnh tạc bằng thơ.
Ngọn lửa làng quê ấy cũng đã soi cho Nguyễn Ngọc Hạnh viết những câu thơ ám ảnh:
Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết
Con sông quê bóng núi cứ chập chờn
Xưa tôi sống trong làng
Giờ làng sống trong tôi.
(Làng)
Những câu thơ đọc lên thấy dung dị mà đâu dễ viết ra: Chưa đi qua hết đò ngang/ Làm sao hiểu đời sông dọc (Hạnh phúc); hay Lặng lẽ với giếng sâu/ Xin nối sợi dây gàu cho lòng bớt cạn (Đôi khi); hay Vét cạn lòng giếng ấy/ Chỉ nghe tiếng gàu rơi… (Đợi mưa). Những cặp phạm trù tương phản: xưa tôi sống trong làng - giờ làng sống trong tôi; giếng sâu - lòng cạn; lòng giếng - tiếng gàu… gây ra độ chênh để hình tượng thơ thêm sâu. Những hình ảnh đó chỉ ở làng quê mới có. Nhưng, từ những hình ảnh quê mùa ấy, Nguyễn Ngọc Hạnh đã lẩy ra những tổng kết cuộc đời, những triết lý sâu xa, những ngẫm nghĩ thời cuộc làm người đọc giật mình.
Thế mới biết làng quê đã thành máu thịt của Hạnh như thế nào. Đến nỗi một lần nhà thơ trở về qua con sông Vu Gia, cảm xúc tràn ngập: Không gọi đò, con gọi mẹ ơi. Câu thơ quán tưởng sâu nặng hình ảnh mẹ một đời. Đến nỗi khi nhớ cha, anh nghĩ về chữ hiếu như một nỗi đau: Chữ hiếu lững lờ trôi mong manh/ Con vừa chạm đã tan rồi không kịp/ Khi hiểu được thì đời con sắp hết...
Ngọn lửa thức với Nguyễn Ngọc Hạnh thường trực nhất là lửa tình. Tình yêu lứa đôi, tình vợ chồng, con cái. Anh làm thơ tình nhiều và đều đặn. Nguyễn Ngọc Hạnh có nhiều bài thơ tình hay như bài Nhan sắc được tuyển vào tuyển thơ tình Việt Nam thế kỷ XX. Nhan sắc, tức là cái đẹp nữ tính. “Người đàn bà coi như báu vật/ Họ thường tiêu xài nhan sắc của mình/ tùy theo mỗi số phận”. Chung là vậy. Nhưng, Hạnh thì quan niệm nhan sắc người mình yêu là chín lịm vào trong:
Nhan sắc em là giấc ngủ nồng của con
Là sự tảo tần đêm mưa chờ chồng
Là sớm hôm thân cò lặn lội
Một đời dầm dãi gió sương
Nhan sắc em chín lịm vào trong…
(Nhan sắc)
Nhưng trời không cho, đời không ban thì em tự làm nên nhan sắc riêng mình. Đó là quan niệm của nhà thơ về người phụ nữ đẹp, về người tình đẹp. Đó là cái đẹp tâm hồn, thể chất. Vì họ yêu nhau từ thời ở làng dâu, làng mía: Chiều lên làng mía mông mênh/ Tìm em, nhớ với quên dập dồn; Hay em như ngọn gió lành/ Gửi về đâu cũng hóa thành dòng sông. Hay: Dâu xanh tốt như tình ta xanh trái/ Hạnh phúc là khi trói chặt đời nhau... Tình yêu ấy bền chặt gần 40 năm rồi. Và, tình yêu ấy đã giúp vợ chồng Hạnh vượt qua những nỗi đau đứt ruột khi đứa con gái hiền lành xinh đẹp, giỏi giang âm nhạc qua đời lúc cháu vừa tròn 32 tuổi.
Ẩn ức điều gì trong đôi mắt con
Mà ray rứt nỗi niềm trần thế
Có điều gì như là dâu bể
Mà lòng cha quặn thắt đến bao giờ…
(Chiều cuối năm viếng mộ con)
Nhà thơ là nòi si tình, đa cảm, đa mang, nên Nguyễn Ngọc Hạnh có nhiều câu thơ tình day dứt. Một lần là muôn thuở/ Lời yêu tôi nảy mầm. Hay: Đâu dễ cậy mình đơn lẻ/ Mà ngày dài biển rộng đầy em. Người ta ví em với biển (biển một bên và em một bên - lời bài hát), còn với Nguyễn Ngọc Hạnh, là “biển rộng đầy em”. Bài thơ Giao thừa là một lời tự bạch tha thiết: Giao thừa tôi với đời em/ Lời yêu tách vỏ tiếng chim ra ràng. Nhưng rồi gần đó là xa đó: Phút này rồi cũng xa xôi/ Tôi giao thừa với lở bồi đời em. Biến giao thừa bổ từ, danh từ thành giao thừa động từ là một cách tu từ sáng tạo, làm cho câu thơ động đậy hơn, gợi hình hơn.
Lửa thức dậy trong anh tình yêu quê hương, đất nước, yêu cha, yêu mẹ, yêu em… Và, ngọn lửa ấy vẫn cứ đang rừng rực trong tim, cháy hết mình với thơ, vì thơ. Hãy nghe tuyên ngôn YÊU của Nguyễn Ngọc Hạnh: Đâu chỉ yêu là dâng hiến/ yêu là cho, không nhận lại gì / Yêu là được bao điều đã mất/ Và sẽ còn mất nữa, để yêu. |
Ở Đại Lộc, Quảng Nam quê Hạnh có nhiều nhà thơ, nhà văn có tiếng như Trinh Đường, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Hải Triều, và nhiều cây bút thơ trẻ sau này như Nguyễn Giúp, Huỳnh Minh Tâm... Ít địa phương nào lại có nhiều tài năng văn chương như thế. Nhà thơ Trinh Đường (1917-2001) là nhà thơ nổi tiếng, được tặng Giải thưởng Nhà nước 2012, là người rất chăm chút đến phong trào thơ trẻ. Có lần ông đi khắp cả nước để chọn thơ cho 3 tập tuyển thơ dày cộp Những gương mặt thơ mới. Vô Huế, ông rủ tôi ra chợ Bến Ngự mua chiếc lư trầm. Tôi hỏi mua lư trầm làm gì. Ông bảo: “Trước lúc đọc tuyển thơ phải đốt trầm lên để cho cái thiêng cõi thơ nó thấm vào hồn!”. Tôi thấy mấy năm nay Nguyễn Ngọc Hạnh giống Trinh Đường ngày xưa, rất chăm chút chọn thơ của bạn viết bốn phương giới thiệu trên các báo Đà Nẵng cuối tuần, Công an Đà Nẵng, tổ chức chương trình Tiếng thơ cuối tuần rất truyền cảm phát trên Đài phát thanh truyền hình, rồi giới thiệu lại trên Facebook hàng tuần. Có rất nhiều nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng ở Sài Gòn, Đà Nẵng đã cộng tác với Nguyễn Ngọc Hạnh như NSƯT Hồng Vân, nghệ sĩ Ngọc Sang, Kim Loan, Thanh Hải… Và tất cả họ đều tự nguyện tham gia cuộc chơi thơ này, góp phần tạo thêm một nét văn hóa trong bức tranh chung thơ ca xứ Quảng. Hạnh còn đang xúc tiến làm tập tuyển thơ hay của hơn 100 tác giả do mình chọn giới thiệu. Những hoạt động xã hội về thơ như thế chẳng có ai phân công, phân nhiệm gì, mà là do sự thôi thúc của ngọn lửa thơ trong tâm. Tôi gọi đó là chất lửa thơ Nguyễn Ngọc Hạnh!
Cái chất say thơ ấy đã có lần làm khó anh. Đó là năm 1988, nhà thơ Phùng Quán được phép đi lại trong nước, sau 30 năm cấm cố. Anh vô Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng chơi. Nguyễn Ngọc Hạnh lúc đó là Hội viên Hội VHNT tỉnh, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Điện Bàn, là người yêu Phùng Quán, mê thơ Phùng Quán từ thời còn đi học. Anh đã tổ chức đêm thơ Tạ làng tại trường cấp 3 Nguyễn Duy Hiệu để Phùng Quán đọc thơ cho bà con nghe. Công chúng đến nghe thơ đông đến nỗi… không còn chỗ cho Phùng Quán cúi lạy khi đọc bài thơ Tạ làng. Thơ Phùng Quán, do Phùng Quán đọc lúc nào cũng cuốn hút tột đỉnh. Những bài thơ như Tạ làng, Trường ca cây cà, Lời mẹ dặn, Chống tham ô lãng phí… đọc lên nghe như những “tuyên ngôn thơ”. Hồi đó “đổi mới” mới khởi đầu, với nhà thơ Phùng Quán nhiều người còn nghi kỵ. Vì thế mà Nguyễn Ngọc Hạnh “vạ lây”. Sau đêm thơ Phùng Quán ấy, Nguyễn Ngọc Hạnh thôi việc và tìm đường ra Đà Nẵng, rồi trở thành nhà báo chuyên nghiệp sau này.
NGÔ MINH