Thầy dạy văn của tôi thuở ấy
Lần đầu tiên chúng tôi được học thầy Nguyễn Quốc là vào năm học lớp đệ ngũ (lớp 8). Thầy dạy cả hai môn Việt văn và Pháp văn. Hồi đó trong thời khóa biểu, riêng hai môn này mỗi tuần có đến 9 tiết. Thầy còn là giáo sư cố vấn của lớp (GV chủ nhiệm). Vậy nên dường như ngày nào chúng tôi cũng gặp thầy.
Những kỷ niệm, những dấu ấn sâu đậm nhất về thầy cô mà sau này mỗi khi gặp nhau chúng tôi thường ôn lại hầu như phần lớn là thuộc về thầy, thuộc về tâm huyết, sự sáng tạo và phong cách dạy học của thầy. Cho đến lúc này, trong miền ký ức đã bắt đầu chập choạng của mình, bọn tôi vẫn còn nhớ rất nhiều điều học được từ thầy, những điều mà chỉ riêng thầy mới dạy chúng tôi như thế.
Bài thơ sơ đồ lớp
Thời đó trường Trung học Thăng Bình của chúng tôi chỉ có chưa đầy mươi lớp. Khối đệ ngũ chỉ có hai. Sau ngày đầu làm quen với nhau, thấy tình trạng học sinh đổi chỗ quá tùy tiện thầy bèn tặng mỗi lớp một bài thơ sơ đồ lớp. Trong mỗi câu thơ có chứa tên học sinh ngồi ở từng bàn. Đáng khâm phục là câu nào cũng mang một ý nghĩa tích cực nào đó.
Áo dài tan trường. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: Internet |
Lớp ngũ hai của tôi bắt đầu bằng câu: Ánh Hường Bảy sắc Sáng Vinh quang… Ánh là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh của Kính Vạn Hoa bây giờ. Phải chăng từ câu thơ này mà con đường sự nghiệp văn chương của anh mỗi ngày một rạng rỡ đến thế! Riêng tên tôi (Minh) thầy đổi thành Sáng cho hợp với niêm luật. Một bàn chỉ có hai cô là Tương và Kính thì được thầy vận dụng điển cố để viết thành câu: Khuê phòng Tương Kính như tân nhé! Còn ở lớp ngũ một, PGS-TS. Nguyễn Tấn Lê ở trường ĐHSP Đà Nẵng bây giờ “chiếm đầu bảng” với câu: Năm hết Sâm nào lại Hóa Lê. Nguyễn Công Khế (nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên) được đặt trong một câu thơ vừa có màu… cổ tích vừa rất có… vượng khí: Quả Khế Quyền Sơn ắt mải mê… “Ắt” là tên thay cho bạn Hóa, sau này có một dạo cũng làm cho báo Thanh Niên, ngày nay gặp nhau bọn tôi vẫn gọi “Ê! Hóa ắt!”
Chúng tôi hiểu hai bài thơ mỗi người mỗi cách. Nhưng dù gì đi nữa, những câu thơ đó đã giúp bạn bè trong cả hai lớp chúng tôi sau bao năm xa cách vẫn nhận ra nhau. “Mày là Tửu hả? Tau là Lâm đây! Chúng mình cùng ở trong câu: Rượu Rừng ai Khá say mê Mẫn phải không?”
Sổ T3
Đó là tên gọi tắt của cuốn Sổ Tay Tùy Thân. Ngay từ đầu năm học, thầy đã lệnh cho chúng tôi mỗi người phải đóng một cuốn sổ để ghi chép những kiến thức ngoài sách giáo khoa trong mọi lĩnh vực. Và để khởi động cho những cuốn sổ ấy, trước mỗi giờ học thầy đều cho chúng tôi ghi lại một vài trong bộ sổ tay đồ sộ của thầy. Với phân môn Giảng văn, phần lớn công việc thầy giao cho các tổ về nhà tự soạn rồi lên lớp trình bày. Thầy chỉ tập trung giải thích từ ngữ, điển tích và mở rộng sang những vấn đề liên quan để chúng tôi ghi vào sổ T3. Tuy chỉ cung cấp mỗi lần một ít nhưng tất cả đều được phân hoạch theo từng chủ đề. Với mục “Những lối thơ xưa”, thầy cho chúng tôi hiểu được thế nào là thơ Yết hậu, thơ Vĩ tam thanh, thơ Thuận nghịch độc… Với quan niệm đề cao văn chương, thầy nêu những câu danh ngôn có ý nghĩa tương đồng:
- Khẩu thuyết vô bằng, văn tự vĩnh tại (Hán Việt).
- Verba volant, escripta manant (La-tinh).
- Lời nói bay đi, chữ viết còn lại (Việt).
Và cũng trong nhân sinh quan này, chúng tôi được học :
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt
Sở vương đài tạ không sơn khâu... (Giang thượng ngâm - Lý Bạch).
Phải chăng vì thế mà trong hai lớp đệ ngũ chúng tôi thời ấy có nhiều bạn đã đi theo con đường sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Và có lẽ không có bạn nào trở thành một Sở vương. Riêng tôi, từ đó việc ghi chép vào sổ tay đã trở thành một thói quen và đã cứu tôi những bàn thua trông thấy trong nhiều hoạt động sau này.
Những bài tập cú pháp
Thầy Quốc rất nghiêm khắc khi chấm những bài làm văn của học trò. Thầy đọc rất kỹ từng bài. Những ý hay và những câu văn què cụt, lủng củng đều được thầy ghi vào sổ tay. Và mỗi giờ trả bài của thầy đều trở thành những cuộc “đại phẫu thuật”. Đặc biệt những lỗi về chính tả, cú pháp bị thầy phê rất nặng bằng những cách ví von hài hước. Các tác giả bị phê khi đó thường xấu hổ đỏ mặt nhưng chắc là phải nhớ đời.
Tuy nhiên, thầy không chỉ có phê. Để rèn luyện cú pháp cho học trò, thầy thường cho những đoạn văn không có dấu câu rồi bắt chúng tôi tự đặt vào. Tôi nhớ có một đoạn văn được thầy ra như sau: Sống chưa hẳn là vinh bại chưa hẳn là nhục ngực trần tay trơn người chiến sĩ ngã gục trên bãi chiến trường... Có một cô bạn không biết hiểu thế nào mà đặt dấu câu thành: Sống chưa hẳn là... Vinh bại chưa hẳn là... Nhục ngực, trần tay, trơn người. Chiến sĩ ngã gục trên bãi chiến trường... Khi trả bài, Thầy đã đọc diễn cảm đoạn văn trên cùng với những động tác diễn xuất rất khôi hài làm cả lớp phải cắm cổ trên bàn mà cười.
Những đề văn mở
Thầy Quốc có một cách ra đề văn thường không giống ai. Có một đề bài như sau: Bạn hãy kể lại câu chuyện về một người có tài xoay xở. Với đề này thì mỗi học sinh phải tự vận hành trí nhớ của mình mà kể. Nếu không có gì để nhớ thì phải… tự bịa ra một câu chuyện nào đó. Chẳng hạn Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện Án Anh đi sứ nước Sở. Tôi may mắn đọc được tập truyện Ba Giai - Tú Xuất nên coi như trúng tủ. Những đề văn như thế vừa phát huy tối đa năng lực tự có của mỗi học sinh, vừa hạn chế được tình trạng quay cóp lẫn nhau, đồng thời cũng buộc mỗi người phải tự giác tích lũy kiến thức, vốn sống và khả năng sáng tạo văn học cho mình.
Những chuyện kể về thầy Nguyễn Quốc của chúng tôi còn khá nhiều điều thú vị và đáng trân trọng. Thầy đã sống một cuộc đời thanh bạch, đầy nhiệt tâm cùng bục giảng và trang viết. Sau bao nhiêu năm, chúng tôi vẫn nhận ra ảnh hưởng sâu đậm của thầy trong nhân cách của mình. Thầy đã ra đi ở tuổi 85 trong một trạng thái viên mãn của con tằm đã nhả hết tơ vàng cho cuộc đời. Để thay lời tạ ơn thầy, tôi xin trích lại một đoạn của bài Ai văn trong ngày vĩnh biệt thầy:
... Mong ước của Thầy là học trò nên người Nhân Trí Dũng
Tâm huyết của Thầy là dạy cho chúng con biết Dĩ trực báo ân.
Thầy gửi lại cho đời không chỉ “Một nhành xanh”. (*)
Các thế hệ học trò của thầy sẽ như muôn vàn lá biếc...
PHAN VĂN MINH
(*) Một nhành xanh - Thơ Nguyễn Quốc. Nxb Đà Nẵng 1996.