Khai quật giếng Chăm cổ rồi bỏ hoang
|
(QNO) - Như Báo Quảng Nam đã đưa tin, đầu tháng 5.2016, Sở VH-TT&DL phối hợp với chính quyền và nhân dân thôn 6 (xã Hương An, Quế Sơn) tổ chức khai quật và phát lộ một giếng Chăm cổ tại cánh đồng Cửa Lăng - Cây Gáo. Tuy nhiên đến nay, giếng Chăm cổ này vẫn chưa được bảo vệ đúng cách và có dấu hiệu bị xâm phạm.
Giêng Chăm cổ tại cánh đồng Cửa Lăng - Cây Gáo lúc vừa phát lộ. Ảnh: PHAN VINH |
Theo trí nhớ của ông Phạm Nhữ Trợ (75 tuổi, tổ 8, thôn 6, xã Hương An), trước đây, trong khuôn viên nhà thờ tộc Phạm Nhữ có nhiều phế tích của người Chăm còn sót lại như bia đá, tượng bò thần, miếu và một cái giếng hình vuông. Lúc đó, khu vực này cây cối um tùm, rất linh thiêng nên chỉ có người lớn mới thường xuyên đi vào. Ông Trợ nhớ như in lần đầu tiên được lại gần giếng Chăm vào lúc ông 10 tuổi. Đó là đợt hạn hán khốc liệt vào năm 1952, khi tất cả các giếng trong làng đều cạn đáy thì duy nhất giếng Chăm này vẫn còn đầy nước. Vì vậy mà dân làng ai cũng dùng giếng này để đối phó qua cơn hạn. “Trẻ con hồi đó theo gánh nước của cha mẹ mới có dịp lại gần cái giếng linh thiêng này. Đặc biệt, mùa hạn, người dân ở làng khác cũng qua đây lấy nước, nhưng dù múc thế nào giếng cũng không bao giờ cạn. Đến hiện tại, vẫn không ai biết rõ được độ sâu của giếng” - ông Trợ chia sẻ.
Giếng Chăm nằm trong khoảnh đất rộng, xung quanh là cây cối và những mảnh ruộng nhỏ. Năm 1986, nhà nước cho san bằng khu đất này để hình thành một cánh đồng lớn chuyên canh lúa. Vì vậy mà nhiều cây cối bị chặt hạ, trong đó giếng Chăm cũng bị lấp đi. Đến năm 1996, GS. Trần Quốc Vượng bắt tay vào việc tìm kiếm và nghiên cứu những giá trị lịch sử của lăng mộ danh tướng Phạm Nhữ Tăng, nhà thờ tộc Phạm Nhữ và những phế tích của người Chăm còn sót lại tại đây để hoàn tất hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. “Lúc đó, GS. Trần Quốc Vượng có hỏi chúng tôi về cái giếng Chăm này để ông tổ chức khai quật và đưa vào các hạng mục trong hồ sơ công nhận di tích. Nhưng hồi đó cánh đồng đang trồng lúa và cũng không ai nhớ chính xác giếng Chăm nằm ở đâu để phát lộ nên đành chịu. Vì vậy mà trong hồ sơ di tích của quần thể phế tích Chăm Hương Quế không có giếng Chăm này” - ông Trợ nói.
Tuy nhiên, tháng 5 vừa rồi, ông Trợ đã tìm gặp ông Phạm Nhữ Bay (84 tuổi, thành viên trong tổ san lấp mặt bằng cải tạo đồng ruộng năm 1986) để hỏi về vị trí của giếng Chăm. Sau đó, ông cùng một số người trong tộc Phạm Nhữ tổ chức đào đất, tìm kiếm, đồng thời báo cáo chính quyền xã Hương An và mời Sở VH-TT&DL về chứng kiến.
Hiện tại vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đối với giếng Chăm. Ảnh: PHAN VINH |
Giếng Chăm cổ được phát lộ có hình vuông, mỗi cạnh khoảng 1m, được xây bằng chất liệu gạch giống như các công trình của người Chăm cổ trên địa bàn Quảng Nam. Thành giếng hiện tại đã bị biến dạng do chôn vùi dưới đất trong thời gian dài, hơn nữa phần đất đã lấp hết đáy giếng. Giếng Chăm cổ này nằm cách các phế tích Chăm Hương Quế khoảng 20m. Trong khi đó, các phế tích Chăm được khẳng định khoa học có từ thế kỷ XII. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, vẫn chưa xác định được niên đại của giếng bởi phải cần kết quả của việc khảo sát, nghiên cứu.
Trong khi chờ các nhà khoa học và cơ quan chức năng vào cuộc, hội đồng gia tộc Phạm Nhữ đã khoanh vùng bảo vệ giếng Chăm bằng những cọc tre và các tấm gỗ mỏng. Tuy nhiên, đến nay, giếng gần như bị bỏ hoang và chưa được quan tâm cụ thể. Ông Phạm Nhữ Hải (70 tuổi, thôn Hương Quế, xã Quế Phú, Quế Sơn) cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã rào chắn lại để bảo vệ giếng như vẫn không mấy hiệu quả. Giếng đọng nước nên nhiều trâu, bò được người dân chăn thả gần đấy thường xuyên đến uống nước rồi đi qua đi lại ngang miệng giếng”. Mặt khác, vụ mùa mới sắp bắt đầu, ông Hải còn lo lắng nếu người dân đưa máy móc đến cày bừa đồng ruộng cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giếng Chăm.
Ông Nguyễn Cảnh Năm - Chủ tịch UBND xã Hương An cho biết, trong thời gian qua, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân về ý thức gìn giữ các di tích trên địa bàn. Đặc biệt, đối với phế tích Chăm Hương Quế, Trường Tiểu học Hương An đã ký cam kết chung tay bảo vệ và tổ chức nhiều đợt sinh hoạt ngoại khóa, dọn dẹp vệ sinh tại đây. “Từ khi nắm được thông tin phát hiện một giếng cổ trên địa bàn thôn 6, chúng tôi đã báo cáo với Phòng VH-TT huyện Quế Sơn để xin ý kiến chỉ đạo về việc bảo vệ, gìn giữ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào” - ông Năm nói.
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 10 giếng Chăm tồn tại rải rác. Các giếng Chăm tại Hội An, Núi Thành... đã cho thấy những giá trị văn hóa lịch sử nhất định, là nguồn tư liệu sống cho công tác nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, giếng Chăm vừa được phát lộ ở Quế Sơn này cũng cần được gìn giữ và bảo vệ đúng cách.
PHAN VINH