Chút thâm trầm nơi phố cổ
Giữa một rừng bảng hiệu đã được “đồng phục hóa”, sự tồn tại của những tấm bảng hiệu nhuốm màu thời gian, khiêm nhường và khác biệt đã lặng lẽ góp thêm chút thâm trầm, xưa cũ cho không gian phố cổ Hội An.
Tấm bảng hiệu trên dưới 80 năm tuổi của một nhà thuốc Bắc trên đường Nguyễn Thái Học.Ảnh: B.ANH |
Nhuốm màu thời gian
Cùng với hàng trăm tấm bảng hiệu được thiết kế mới, hiện đại, gần giống nhau về kích thước, hình dáng và màu sắc, trên các tuyến phố ở khu vực trung tâm phố cổ Hội An như Trần Phú, Lê Lợi, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học..., hiện có nhiều cửa hàng, ki-ốt vẫn còn giữ lại những tấm bảng hiệu cũ với tuổi đời hàng mấy chục năm. Trong khi những bảng hiệu mới hầu hết được làm bằng gỗ chạm nổi thì những tấm bảng hiệu cũ được làm bởi các chất liệu, kiểu dáng khác nhau, được tạo mẫu, kẻ vẽ hoàn toàn thủ công. Có những bảng hiệu được làm bằng xi măng đắp nổi trực tiếp lên tường nhà, như cửa hiệu Hòa Xuân, xưởng xà phòng Savonnerie, nhà in Nam Ngãi... Có những bảng hiệu được làm bằng sắt hàn, thép gò định hình, như hiệu ảnh danh tiếng của anh em ông Huỳnh Sỏ, Huỳnh Sau hay hiệu giày và vali Đồng Lợi. Có những bảng hiệu được kẻ, vẽ bằng sơn trên nền gỗ hoặc tôn phẳng, như hiệu buôn Huệ Dân, nhà thuốc An Thái, đại lý nhà thuốc Nhị thiên đường...
Theo một số người “trải đời cùng Hội An”, hầu hết những bảng hiệu cũ nói trên đều đã có tuổi bằng một đời người hoặc hơn; những cái “trẻ” hơn thì chí ít cũng đã trên 40 năm, vì chúng đều được dựng lên từ trước năm 1975 và giữ nguyên đến tận bây giờ. Như bảng hiệu của hãng rượu Sica của người Pháp hiện nằm trong một con hẻm ở đường Lê Lợi; hay bảng hiệu của hãng xà phòng Savonnerie - một thương hiệu nổi tiếng của nền kỹ thương Việt Nam đầu thế kỷ 20, hiện nằm trên đường Nguyễn Thái Học... Hoặc như tấm bảng bằng gỗ với dòng chữ “Bổn hiệu đại lý cao đơn hườn tán của nhà thuốc Nhị thiên đường ở Chợ Lớn”, được viết bằng chữ Hán và Việt, treo ở một nhà thuốc Bắc trên đường Nguyễn Thái Học, nghe đâu cũng đã trên dưới 80 năm. Còn tại ngôi nhà số 150 Trần Phú, ngay trước cửa là tấm bảng đã phai màu với dòng chữ “An Thái - Ông Thầy Tải - 100 Cường Để, Hội An”. Cùng với “kiểu chữ đặc trưng của một thời”, dòng địa chỉ bên dưới cũng góp phần xác định tuổi tác của nó, bởi trước năm 1975, đường Trần Phú của Hội An ngày nay có tên là Cường Để... Một trường hợp khác là bảng hiệu của hiệu giày và vali Đồng Lợi danh tiếng một thời. Theo cụ bà Nguyễn Thị Cả, 87 tuổi, khi bà về làm dâu nhà họ Bùi (chồng bà là cụ ông Bùi Quý Ngọc) năm 17 tuổi thì đã thấy nhà chồng có cửa hiệu Đồng Lợi rồi. Riêng cái chữ “Đồng Lợi” được tạo dáng chân phương bằng thép gò và được gắn lửng trước mảng tường mặt tiền nhà, thì được dựng lên cách đây chừng 60 năm...
Lưu giữ ký ức
Suốt mấy chục năm qua, hầu hết tấm bảng hiệu cũ ở Hội An như đã kể không hề hoặc rất ít được sửa chữa, thành ra dấu vết thời gian càng ngày càng hiện rõ. Và, sự sửa chữa, nếu có, thì chủ yếu là sơn phết lại trên nền nét tạo hình nguyên bản. Theo ông Huỳnh Nam Sinh, con trai của ông chủ hiệu ảnh Huỳnh Sỏ danh tiếng, trải qua mấy bận sửa nhà rồi thay đổi ngành nghề dịch vụ, ông vẫn giữ nguyên tên hiệu cũ cùng với chữ “Huỳnh Sỏ” được gò bằng thép, không có dấu. Ông Sinh tâm sự: “Nói riêng về nghề ảnh, cái chữ “Huỳnh Sỏ” kia không chỉ là kỷ niệm của riêng gia đình tôi mà còn của Hội An nữa. Thành ra, bỏ không đành, mà chính xác là tôi không dám bỏ...”. Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Ngại, truyền nhân đời thứ 3 của nhà thuốc An Thái, cho biết, ông vẫn giữ lại bảng hiệu cũ của gia đình vì đó là một phần di sản quý giá. “Theo lời cha tôi thì tấm gỗ dùng để viết tên hiệu thuốc là do chính tay ông nội tôi làm, cách đây khoảng 100 năm. Nó là di sản truyền đời của gia đình tôi” - ông Ngại nói.
Có một điều khá thú vị là, khi “cơn lốc” dịch vụ phục vụ du lịch tràn vào phố cổ, nhiều gia đình là người Hội An gốc đã chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc sang nhượng, cho người khác thuê mặt bằng để làm ăn, song những tấm bảng hiệu cũ vẫn được giữ lại. Như tấm bảng hiệu của tiệm sửa chữa radio Đồng Tuyến suốt từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay vẫn giữ nguyên, dù nó từng biến thành quán chè, tiệm tạp hóa, rồi dịch vụ bán hàng lưu niệm như hiện nay. Tương tự, dù đã trở thành tiệm vải hay điểm dịch vụ du lịch nhưng bảng hiệu các một số cửa hiệu như Đồng Lợi, Huệ Dân, Minh Đức đường, nhà in Nam Ngãi... vẫn còn nguyên. Một trong những chủ nhân mới, kinh doanh ngành nghề mới tại những cửa hiệu cũ này cho biết, họ không xóa bỏ hay che lấp những dấu tích cũ vì đấy chính là điểm nhấn thú vị cho nơi buôn bán của mình. Một chút cũ càng, xa vắng, thâm trầm xem ra rất hợp và cũng rất cần cho việc làm ăn giữa lòng phố cổ...
BẢO ANH