Cúng ruộng cho chùa

NGUYỄN DỊ CỔ 05/11/2016 12:44

Trên nhiều văn bia vẫn còn ghi việc tiến cúng ruộng đất cho chùa để dưỡng tôn Phật pháp, cho thấy sự phong phú đa dạng và mang đậm sắc thái văn hóa làng xã trong việc sử dụng đất đai ở nông thôn xứ Quảng xưa.

Tấm bia ghi việc cúng ruộng đất cho chùa Phổ Khánh (Đại Lộc) có niên đại 1678.
Tấm bia ghi việc cúng ruộng đất cho chùa Phổ Khánh (Đại Lộc) có niên đại 1678.

Vấn đề đất đai luôn thường trực trong đời sống hằng ngày. Nó là tài sản, là tư liệu sản xuất; là sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân. Và bản thân nó đã được quan tâm, quản lý bằng những quy định cụ thể, chí ít cũng từ thế kỷ 11 cho đến nay. Đất đai được chia ra rõ ràng gồm ruộng và đất, tức điền và thổ. Mỗi loại lại chia ra nhiều dạng khác nhau. Đó là quan điền (sở hữu quốc gia, quan chức quản lý), công điền (sở hữu quốc gia, xã thôn quản lý), tư điền, tự điền (ruộng thờ cúng), đồn điền, tịch điền, thảo điền (ruộng cỏ, ruộng sâu, ruộng tốt), sơn điền (ruộng gò, ruộng cao, không tốt lắm), diêm điền (ruộng muối); quan thổ (sở hữu quốc gia, quan chức quản lý), công thổ (sở hữu quốc gia, xã thôn quản lý), tư thổ, thần từ Phật tự thổ (đất đền chùa), Tiên Nông đàn thổ (đất đền Thần Nông), quan xá thổ (đất làm công quán), dân cư thổ (gồm cả vườn cảnh), thổ trạch (nhà ở và trồng trọt thêm), thổ mộ (nghĩa trang)… và các loại đất khác được định danh theo cấu trúc “đất + (trồng) + x”: đất trồng đậu, đất dâu… Trong đó, ruộng đất thuộc sở hữu nhà chùa là một dạng đặc biệt của văn hóa làng xã dưới thời phong kiến. Ruộng đất ấy từ nhiều nguồn gốc khác nhau, bao gồm: tự khai phá, nhà nước cấp, làng xã cắt cho và người dân cúng tiến. Và các chùa trước đây thường dựng bia đá để ghi lại công đức của thí chủ đàn na, thiện nam tín nữ, trong đó có ghi rõ việc dâng cúng ruộng đất cho nhà chùa.

Đất Quảng có nhiều văn bia nói đến vấn đề này, phân bố đều khắp các địa phương. Tấm bia chùa Quảng An xã Minh Hương (Hội An) ghi việc một người tên là Tường ở xã Minh Hương cúng 100 quan cho xã mua 3 mẫu ruộng. Sau đó xã lại xuất tiền công mua (thêm) 8 mẫu nữa. Tất cả hoa lợi số ruộng trên đều dùng để chi tiêu vào việc thờ Phật. Sư trụ trì Dương Chứng Đạo và Đinh Thị Nguyện (pháp danh Ấn Phát) cúng 1 mẫu ruộng cho chùa, theo văn bia chùa Chúc Thánh (Hội An). Văn bia chùa Long Thủ (Đà Nẵng) ghi đầy đủ họ và tên những người đã phát tâm công đức cúng tiến tiền bạc để xây chùa, và cúng ruộng đất làm ruộng tam bảo. Tương tự, văn bia chùa Linh Sơn (thuộc đất Đại Lộc nay) đã ghi việc các vị quan viên châu Bảo Sơn quy định số tiền cho khách thập phương cúng tiến, sẽ giao cho nhà chùa lo biện lễ cúng Phật, dùng vào các dịp lễ tiết. Nếu tiến cúng được nhiều sẽ giao cho chức sắc địa phương giữ lại, hoặc dùng vào việc tu bổ chùa, tạo tượng Phật hoặc mua ruộng, đồng thời cũng có ghi họ tên của một số người cúng tiến tiền ruộng. Văn bia của ngôi chùa trùng tên ở Cẩm Lệ cũng đã lập bia ghi họ tên những người cúng ruộng cho chùa Linh Sơn: Trần Phước Tài, Bùi Thị Vạn cúng 1 mẫu ruộng; Vũ Công Thái, Phạm Thị Môn cúng 1 mẫu ruộng. Văn bia khác ghi họ tên một số người tiến cúng ruộng vào tam bảo chùa Long Thủy như Nguyễn Thị Viết cúng 3 sào, Trương Thị Bằng cúng 1 mẫu, Nguyễn Thị Do cúng 3 sào. Bia chùa Hưng Sùng xã Cẩm Lệ huyện Hòa Vang phủ Điện Bàn ghi, việc các bà Đào Thị Chúc, Bùi Thị Đức... cúng 100 quan để mua 2 mẫu ruộng cho chùa làm của tam bảo. Văn bia khác ghi họ tên các vị ở các thôn, phường thuộc xứ Quảng Nam đóng góp tiền, ruộng (để) trùng tu ngôi chùa Lưu Linh ở xã Đông Bàn (thuộc đất Điện Bàn nay), ước khoảng 20 người. Hội chủ Lê Cao Trí và vợ là bà Nguyễn Thị Nghiệp đã mua 5 mẫu và 4 sào ruộng cúng cho chùa Phổ Khánh làm ruộng tam bảo. Quan viên xã Ái Nghĩa và dân xã có 3 mẫu ruộng công và 3 sào đất vườn trong chùa đã cúng cho chùa làm ruộng tam bảo để tiện cúng dưỡng tôn Phật pháp.

Sự việc này diễn ra đồng thời với lịch sử phát triển Phật giáo ở xứ Quảng kể từ thế kỷ thứ 17 trở đi. Theo niên đại, các văn bia ra đời sớm ứng vào thời nhà Lê như niên hiệu Dương Hòa thứ 9 (1643), Khánh Đức thứ 6 (1654), Thịnh Đức thứ 5 (1657), Vĩnh Trị thứ 3 (1678), Chính Hòa thứ 23 (1702), Vĩnh Thịnh thứ 17 (1721), Bảo Thái thứ 3 (1722); Long Phi Canh Thân (1750). Tiếp theo đó là những văn bia ghi chép việc cúng đất cho chùa trong giai đoạn triều Nguyễn như niên đại Tự Đức thứ 30 (1877), Khải Định thứ 6 (1928). Điều này cho thấy việc cúng dường ruộng tam bảo được diễn ra liên tục. Đây là những minh chứng bằng đá “lâu - bền”, cũng là nguồn tư liệu về lịch sử của vùng đất.

Số lượng ruộng đất cúng cho chùa của tư nhân tương đối nhiều, diện tích mỗi thửa ruộng lên đến cả chục mẫu. Việc công đức đất ruộng này cũng ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo khả năng của mỗi cá nhân cũng như uy danh của mỗi ngôi chùa. Thân phận, địa vị tín chủ gồm nhiều hạng bậc. Phần lớn những văn bia ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói nhiều đến trường hợp người dân cúng ruộng đất cho chùa. Bên cạnh đó còn có vài trường hợp người có chức sắc như Hội chủ Lê Cao Trí, Cai thuộc Nguyễn Văn Châu, Cai hợp tướng thần lại Vạn Kim tử Trần Hữu Lễ. Ngay cả các vị sư như thiền sư Dương Chứng Đạo chùa Chúc Thánh, Nam Đại hòa thượng chùa Thái Bình cũng tham gia cúng ruộng tam bảo. Xã cũng xuất tiền công để mua ruộng đất cúng cho chùa trên địa bàn. Đa số tín chủ đóng góp ruộng đất cúng dường một cách vô tư, nhưng cũng có một số người cúng tiến ruộng đất cho chùa để được đổi lại gửi gắm việc giỗ hậu cho bản thân hoặc người thân của mình trong trường hợp không có người nối dõi tông đường, văn bia chùa Chúc Thánh có ghi rõ việc này. Thông thường, ruộng đất tam bảo gần với ngôi chùa đó, nhưng chùa Thái Bình xưa (thuộc Non Nước hiện nay) lại có ruộng đất tam bảo 15 mẫu 6 sào ở xã Mông Lãnh, 10 mẫu 2 sào ở xã Dưỡng Mông thuộc Quế Sơn hiện nay.

Việc cúng ruộng đất cho chùa giúp cho “luôn luôn thâu trữ để làm kho lẫm của thiền môn. Nhờ vậy mà tứ sự (ăn, mặc, ở, thuốc men) nơi thiền môn không lúc nào thiếu hụt sự cúng dường thường đầy đủ, khiến cho sự diễn giảng giáo pháp được lưu thông, kinh vàng thường mở đọc, trống pháp vang rền, đèn từ rực sáng, bồ đề cây tươi tốt đẹp xinh, mưa cam lộ rải khắp trời tây, hoa trời rơi tản mạn đủ màu, mây lành trải qua nam cực, lá bối thành chương” (Thích Hạnh Niệm dịch).

NGUYỄN DỊ CỔ

NGUYỄN DỊ CỔ