Ngũ Hành Sơn lục - thư tịch quý của xứ quảng
Trong đợt sưu tầm tư liệu văn bia Quảng Nam - Đà Nẵng vào tháng 7 năm 2010, tại chùa Viên Giác (Hội An), chúng tôi bắt gặp một bản sách Hán Nôm chép tay trên giấy dó: Ngũ Hành Sơn lục. Mấy ngày sau đó, chúng tôi lại được Thích Đồng Dưỡng (Duy Xuyên) tặng cho một bản photo của tác phẩm này.
Trang bìa chuyên khảo Les montagnes de marbre của Albert Sallet, nội dung được tham khảo từ tác phẩm Ngũ Hành Sơn lục. |
Bản Hán Nôm chép tay Ngũ Hành Sơn lục 五 行 山 錄 (Ghi chép Ngũ Hành Sơn) gồm 46 tờ, do Đại sư Từ Trí biên soạn và các đại quan triều Nguyễn duyệt chính, phụng nhuận vào năm Khải Định thứ nhất (1916). Đây là thư tịch quý hiếm, bởi không có trong thư viện lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Giá trị về tư liệu
Nội dung tác phẩm gồm các phần theo thứ tự: thay lời tựa (2 tờ); miêu tả danh thắng Ngũ Hành Sơn (9 tờ); sao lục rất nhiều thơ văn đề vịnh trên Ngũ Hành Sơn (10 tờ); phản ánh tình hình phát triển Phật giáo ở Quảng Nam lúc bấy giờ (11 tờ) thông qua các vị tăng cang, trụ trì, tăng chúng, thủ lễ, đệ tử…; ghi chép thể thức thờ Phật (3 tờ) và một số bài thơ khác đặt ở cuối quyển.
Tập Ngũ Hành Sơn lục có nhiều giá trị về mặt tư liệu. Trước hết, có thể nói, đây là thư tịch đầu tiên viết hoàn chỉnh và toàn diện về di tích Ngũ Hành Sơn. Chính Albert Sallet (1877 - 1948) đã dựa vào tài liệu này để viết chuyên khảo Les montagnes de marbre (Những ngọn núi đá cẩm thạch) đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH, số 1, năm 1924). Và sau này, Nguyễn Sinh Duy lại dịch tác phẩm của A.Sallet thành tác phẩm Ngũ Hành Sơn. Đơn cử một đoạn mở đầu: “Ngũ Hành Sơn Nam châu đệ nhất danh thắng, kim Quảng Nam tỉnh Hòa Vang huyện Hóa Khuê Đông địa phận. Điệp trĩ phong loan, thế như kình chưởng (…). Lê triều Thánh Tông Hồng Đức niên chinh Chiêm Thành, trí Quảng Nam đạo, bắc kỳ nhân lai cư yên (…). Gia Long niên gian hữu tấu sơn động xứ thạch sắc đa hồng cẩm sơ khả vi quốc gia bảo dụng. Nghĩa là: Ngũ Hành Sơn thuộc địa phận xã Hóa Khuê Đông huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam, là danh thắng đệ nhất ở Nam châu. Các cụm núi riêng biệt, giống như bàn tay ngửa lên (…). Thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đặt ra đạo Quảng Nam và đưa người ngoài bắc vào sinh sống ở đây (…). Dưới thời Gia Long, có tấu tâu lên, màu đá trong động núi phần lớn màu đỏ trông như bức gấm, có thể xem là báu vật của quốc gia”.
Trong điều kiện ít ỏi tư liệu về các ngôi chùa cổ trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng từ thế kỷ XVII về sau thì tập Ngũ Hành Sơn lục có nhắc đến 2 ngôi chùa từ sau thời Hồng Đức (thế kỷ XV) là chùa Thái Bình và chùa Vân Long. Đồng thời, thư tịch này còn ghi lại rất nhiều vị khai sơn trụ trì của các ngôi chùa ở Non Nước cũng như hành tung của các vị tăng cang đó, cũng là nói đến quá trình lịch sử của Phật giáo ở đất Quảng. Có thể kể đến các thiền sư hiệu Bảo Đài hòa thượng, Chân Dĩnh hòa thượng, Viên Trừng hòa thượng, Tuệ Quang hòa thượng, Mật Hành hòa thượng, Chí Thành hòa thượng, Từ Trí hòa thượng… Trong đó, chép về hòa thượng Mật Hành: “Người châu Hà Mật, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, họ Hồ, hiệu Mật Hành, sinh năm Nhâm Ngọ thời Minh Mạng thứ 3 (1822). Thiếu niên, xuất gia, vào tu chùa Phước Lâm (Hội An - NV), thủ lễ tôn sư Quán Thông hòa thượng giáo truyền kinh luật (…). Trụ trì chùa Linh Ứng vào năm Tự Đức thứ 15 (1862) (…). Viên tịch vào năm Kiến Phúc thứ nhất (1883)”. Thư tịch này còn bình luận về phẩm hạnh của các vị thiền sư, ví dụ: “Ba anh em ruột (Trần Văn Trừng, Trần Văn Ân, Trần Văn Nghi - NV) đức hạnh mô phạm, tinh thông kinh luật, tam thế trụ trì, quả là xưa nay hiếm thấy”.
Và văn chương Hán Nôm xứ Quảng
Phần Phụng Phật thể thức cung cấp những thông tin về việc thực hành lễ trong ngày rằm, mồng một và ý nghĩa của hương đèn, tiếng chuông, tiếng trống cũng như nghi thức khởi đánh chuông và trống. Bên cạnh đó, còn có những thông tin về chúc thọ, cầu an, bạt độ, cầu siêu, cầu đảo, khánh hỷ, hoàn nguyện, phổ độ âm linh, thí thực, chẩn tế đàn…
Đặc biệt, Ngũ Hành Sơn lục còn có giá trị quan trọng trong nền văn học Hán Nôm đất Quảng. Ngoài những phần văn viết về di tích Ngũ Hành Sơn, lược sử các vị thiền sư và nghi thức thờ cúng Phật, thư tịch này còn lưu giữ gần 30 bài thơ với đủ thể loại (thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm; thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú; ca trù…) và sự đa dạng về tác giả (chủ yếu là các quan nhân dưới thời nhà Nguyễn, như: Đông các đại thần Trương Quang Đản, nguyên Bắc kỳ Kinh lược Phó sứ Bùi Văn Dị, Quảng Nam Án sát sứ Nguyễn Văn Mại, Quảng Nam Bố chính sứ Lê Hữu Đạo, Hiệp biện Đại học sĩ Lãnh Lại bộ Thượng thư Sung Cơ mật viện Đại thần Hà Đình Nguyễn Thuật, Phụ chính Đại thần Thái tử Thiếu bảo Đại học sĩ Lãnh Học bộ Thượng thư Quốc sử quán Tổng tài kiêm Quốc tử giám Quản tu Cao Xuân Dục, Tuần phiên bờ biển Quảng Nam Trần Văn Thống, Nguyễn Trọng Hợp... Bên cạnh đó cũng có tác giả là “Tăng sư” như Đào Tiến Mai hay tác giả nữ là Lê Thị Thuân (con dâu hoàng tộc nhà Nguyễn), Cẩm Tú Hồ Thị Tham. Đặc biệt có cả tác giả là người Hoa kiều Lý Triệu Tuấn ở vùng Quỳnh Phủ - Hải Nam – (Trung Quốc). Tất nhiên, nội dung cũng rất phong phú, đa màu đa vẻ, chủ yếu miêu thuật về danh thắng Ngũ Hành Sơn từ những phương diện địa danh, cảnh sắc, hoạt động tu hành; sự gửi gắm tâm tình ơn vua lộc thánh, nghĩa vụ quốc gia; và đặc biệt hơn là sự vươn đến nguyện vọng xa lánh cõi trần, tìm nơi thoát tục, về chốn bồng lai. Ở đây giới thiệu một bài ca trù của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, giữ chức Án sát sứ của tỉnh Quảng Nam, trong thư tịch Ngũ Hành Sơn lục: “Phong nguyệt tĩnh thành tân kết lữ/ Hành Sơn xuân sắc cận hà như/ Nhớ tuần tuyên lần lựa tám năm dư/ Khi thong thả giang sơn từng hữu ước/ Lối xe ngựa sau sau trước trước/ Cảnh Bồng Lai nước nước non non/ Thánh tích xưa đế tạo hãy còn/ Này Vọng Hải, Vọng Giang đài chẳng khác/ Này là hang Huyền Hạc/ Này là động Thiên Long/ Này là cửa Huyền Không/ Này là chùa Chân Tạng/ Lối Nguyệt Quật thiên căn lai vãng/ Từng trải qua ba mươi sáu động tiên cung/ Có khi chầu chực xe rồng/ Dầm dề thánh vũ đượm nồng từ vân/ Buồm hoạn hải gió lần thẳng cánh/ Khách Thiên Thai ngùi nhớ cảnh Thiên Thai/ Kỷtu tái đáo Bồng Lai”.
Ngũ Hành Sơn lục chứa nhiều giá trị tư liệu, đặc biệt là về vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng dường như nó “ngủ quên” suốt trăm năm nay (1916 - 2016). Hy vọng trong thời gian tới, thư tịch này được biên dịch và giới thiệu rộng rãi để mọi người có thêm góc nhìn về Non Nước, về vùng đất và con người xứ Quảng và về lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn.
NGUYỄN DỊ CỔ