Đàn bà Cơ Tu trên gỗ
Trong kho tàng nghệ thuật tạo hình dân gian Cơ Tu, con người (ma’nuýh) là đề tài xuyên suốt và là hình tượng chủ đạo. Ở bất cứ nhà làng nào cũng thấy sự hiện diện của tượng, phù điêu, tranh vẽ sống động về sinh hoạt của con người, trong đó nổi bật nhất vẫn là sự khắc họa hình ảnh của người phụ nữ.
Trong trang trí nhà làng, ta thấy xuất hiện khá nhiều tượng tròn, phù điêu mang chủ đề mẹ con. Các nghệ nhân điêu khắc gỗ thổi hồn vào tác phẩm những hình ảnh sống động, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, như mẹ cho con bú, mẹ địu con, bế con, trong đó thường đặc tả bầu vú mẹ... Nhìn vào đó người xem cảm nhận được tình mẫu tử. Các bức tượng thường tập trung miêu tả bộ ngực căng phồng đầy sức sống hay cái eo hông nhỏ thon đầy nữ tính. Đó là biểu tượng phồn thực, thể hiện sự sinh sôi nảy nở. Trên cây cột lễ và cột cái gươl ta luôn bắt gặp hình tượng chiếc cối gạo và nồi đất, nồi đồng tượng trưng cho hồn lúa (yang haroo), người mẹ, nguồn sống. Hoa văn chày (chapan), cối (tơpal) là mô típ khá phổ biến chẳng những trên trang phục Cơ Tu, nhất là trên váy nữ mà còn trong trang trí và điêu khắc nhà làng.
Tượng mẹ bế con với bộ ngực căng tròn. |
Hình tượng người phụ nữ cũng được khắc họa cô đọng trong những chủ đề, tác phẩm nói về cuộc sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào. Đó là vai trò của họ trong việc tham gia các lễ hội truyền thống, cùng hưởng thụ và sáng tạo nên các loại hình của nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát, múa, các trò chơi, trưng bày, trang trí làm đẹp cho người và cảnh quan, không gian lễ hội. Nói đến người phụ nữ Cơ Tu là nói đến điệu múa da dá - đó là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa với động tác cơ bản là đôi tay của người phụ nữ xòe lên trời cầu xin, đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh. Điệu múa đó là sự biểu hiện niềm tin và khát vọng vươn đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, vũ điệu người đàn bà nhảy hội luôn gây nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong nghệ thuật tạo hình với hàng loạt bức tranh, bức tượng, phù điêu, những dải hoa văn trang trí làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống.
Những hình ảnh rất đẹp mang tính nhân văn rõ nét mà người nghệ sĩ chân đất muốn lột tả là người phụ nữ trong cuộc sống đời thường, bóng dáng của họ trong mỗi gia đình. Người phụ nữ luôn chịu thương chịu khó, lo cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, siêng năng làm việc nhà, chăm sóc nương rẫy.
Tượng mẹ địu con. |
Các tác phẩm điêu khắc đẹp nhất, gây cảm xúc nhất vẫn là những tượng, phù điêu nói về người phụ nữ như giã thóc, sảy gạo, dệt vải, mang củi, gùi lúa, đi hái rau rừng, xúc cá dưới suối... Nét đẹp đời thường đã được đưa vào nghệ thuật một cách dung dị, chân thực thể hiện qua những bức tượng người phụ nữ vừa địu con vừa giã gạo. Đứa bé địu sau lưng và cái chày, cối gạo phía trước diễn tả chân thực nếp sống, đức tính tốt đẹp của người mẹ, thể hiện ước mơ về cuộc sống thanh bình. Người xem rất thú vị khi được ngắm nhóm tượng giã gạo chày ba, chày đôi, có cảm giác rằng, tuy công việc rất là nhộn nhịp, bận rộn, vất vả nhưng đứa con yêu bé bỏng vẫn ấm êm trong tấm địu sau lưng hay trước ngực mẹ. Và rất ấn tượng khi đứng trước điêu khắc phẩm miêu tả cô gái vừa cõng con trên tấm địu, vừa hai tay nâng khẩu súng trường, với chủ đề mà người tạc tượng muốn nói là người phụ nữ Cơ Tu đảm đang, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Bên cạnh nét đẹp tươi vui, ta còn thấy hình ảnh người phụ nữ đa sầu đa cảm như bức tượng ở nhà mồ, miêu tả người phụ nữ ngồi bó gối, suy tư, diễn tả nỗi buồn của người thân trong gia đình tiếc nhớ người quá cố. Đây cũng là mô típ trang trí khá phổ biến của các dân tộc có kiến trúc và điêu khắc nhà mồ như Ê đê, Ba Na, Gia Rai... ở Tây Nguyên.
Nghệ thuật tạo hình là một trong những loại hình di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Một yếu tố làm cho những tác phẩm này sống mãi và lan tỏa, làm lay động trái tim của những người yêu nghệ thuật và cả người sáng tạo ra nó, chính là sự tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống, nét đẹp của người phụ nữ, người bà, người mẹ, cô gái - những người làm nên sức sống muôn đời cho rừng núi, buôn làng.
TẤN VỊNH