Vào hội ăn lúa mới

ĐĂNG NGUYÊN 25/10/2016 08:32

Khác với những năm trước, nay đồng bào Cơ Tu vào hội ăn mừng lúa mới trong phạm vi gia đình, vừa gọn nhẹ lại đỡ tốn kém.

Với đồng bào Cơ Tu, lễ hội ăn mừng lúa mới được tổ chức hàng năm sau thời gian thu hoạch lúa mùa trên nương rẫy. Ngày trước, sự kiện này được xem rất trọng đại ở các bản làng đồng bào Cơ Tu, là dịp để họ cúng thần, tạ ơn trời đất sau một năm lam lũ. Tùy theo điều kiện của từng gia đình, làng bản mà lễ hội được tổ chức theo mức độ khác nhau. Có những năm được mùa, dân làng no ấm, đồng bào cùng góp của cải, vật chất để “ăn” lúa mới bằng hình thức đâm trâu truyền thống. Cuộc vui cứ thế kéo dài đến suốt vài ngày sau đó. Họ cùng ăn, cùng uống và chung niềm vui trong hội làng. Tuy nhiên, việc tổ chức ăn mừng rình rang như thế thường kéo theo nhiều hệ lụy, gây tốn kém cho kinh tế của đồng bào, thậm chí nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Những năm gần đây, việc tổ chức ăn mừng lúa mới đã dần được làm gọn nhẹ hơn, thậm chí lễ chỉ diễn ra trong phạm vi từng gia đình. Dù vậy, nhiều nghi lễ cúng bái truyền thống vẫn được giữ nguyên vẹn, nhưng không quá rườm rà. Theo già làng Bh’riu Nga (ở thôn Aliêng, xã A Ting, Đông Giang), ngày nay đồng bào Cơ Tu ở địa phương đã “rút” bớt nhiều nghi lễ không cần thiết trong lễ ăn mừng lúa mới. Vì thế, ít nhiều đã đỡ phần kinh phí cho gia chủ mỗi khi tổ chức “ăn” lúa mùa. “Ngày xưa, tới mùa thu hoạch lúa trên nương rẫy, người Cơ Tu đều tổ chức lễ hội ăn mừng bằng cách đâm trâu chung của làng. Những năm mất mùa, họ chỉ giết heo, bò. Còn bây giờ, đa số chỉ giết gà để cúng, hiếm hoi lắm mới có nhà giết heo mừng lúa mới” - già Nga bộc bạch.

Không nằm ngoài mục đích loại bỏ dần các lễ nghi không còn phù hợp trong đời sống đồng bào vùng cao, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đông Giang đã nỗ lực triển khai công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến nhân dân ở các thôn bản. Qua đó, đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư miền núi”, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, giảm bớt chi phí nặng nề trong một số lễ hội ở vùng cao (trong đó, có lễ ăn mừng lúa mới) cũng được xem là bước tiến mới phù hợp với thực tiễn, giúp đồng bào miền núi Đông Giang có thêm cơ hội phát triển về kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống và hướng đến xây dựng gia đình, làng bản ấm no, hạnh phúc.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN