Chữ Tâm trên gỗ, trong lòng
Từ cổng nhà đến xưởng mộc, ở đâu cũng thấy ông giăng chữ “tâm” trang trọng và lịch duyệt. Phải vì ông đã trọn vẹn với chữ tâm từ ngày đầu làm nghề đến khi có tên tuổi với nghề, hay bởi ông muốn răn những đứa con đang nối nghiệp mình?
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp, người đàn ông có dáng vẻ đạo mạo của một ông giáo làng, hơn là người làm nghề mộc và kinh doanh. Và ông, không có khoảng cách với người đối diện, bởi những đường nét lành hiền của gương mặt và đôi mắt có ánh nhìn nhân từ. Người làm nghề, sống chết với nghề như ông, hẳn đã đủ đầy trải nghiệm, đã đi đến tận cùng của nỗi buồn và thử thách, để biết thiệt tâm mỉm cười và thiệt tâm đối đãi với người…
1. Kệ cho những mánh khóe thương trường, những ô tạp cuộc đời đôi khi chen lấn trong hành trình làm nghề của mình, Nguyễn Văn Tiếp vẫn cứ điềm nhiên với cái nghề 5 đời của cha ông. Điềm nhiên đến mức nghe ông kể câu chuyện nghề nghiệp những năm 1980, rồi đến lúc phải chật vật nuôi con, vẫn cứ như ông đang kể chuyện của một ai đó, chứ không phải của anh thợ mộc Nguyễn Văn Tiếp. “Thì mình cứ đón nhận tất cả những điều đến với đời mình, rồi nỗ lực đứng lên, nó sẽ thành ra suôn sẻ, ít nhất trong chính suy tư của mình”. Căn xưởng đầu tiên, cũng là ngôi nhà của ông, là nơi an ổn để cất cánh cho những mê say thành hình, cũng là nơi an toàn hơn hết để những đăm chiêu nghề nghiệp trút bỏ muộn phiền. Làm nghề là phương thức để Nguyễn Văn Tiếp diễn ngôn ý tứ của mình, tự sự chính mình và bày tỏ mình. Ông miệt mài, từ những vì kèo, trính, cột để đơn độc gom nhặt nên một căn nhà. Ông say sưa, từ đường nét hoa văn nhỏ nhất, để tạo thành sản phẩm mộc mỹ nghệ, đưa đến đời thường.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp.Ảnh: SONG ANH |
Mê nghề. Say nghề. Và là nghệ nhân thứ thiệt. Năm 14 tuổi, khi bạn đồng niên còn mải mê chơi đùa với đồng bãi, thì Nguyễn Văn Tiếp đã theo ông nội đi làm nghề. Cậu bé Nguyễn Văn Tiếp đã đọc được những suy tưởng ông gửi gắm trên mỗi thớ gỗ, trong từng đường chạm trổ. Có nét thanh, nét đậm. Có nét khắc, nét mộc. Nếu để tâm và thành tâm, thì mỗi hoa văn nên hình dáng và đến với người nhận sẽ chứa trong đó những khẩn nguyện tốt lành của người làm nghề. Nên dẫu chỉ làm nghề, ông Tiếp vẫn am tường chữ Nho và phong thủy. Nguyễn Văn Tiếp học ông nội mình từ việc đóng số lượng đinh chẵn lẻ đến ý nghĩa của mỗi hoa văn chạm khắc trong từng loại gỗ. Biến hung thành cát. Biến cái thô mộc nên những thanh mảnh… Từ một thớ gỗ thành vóc hình theo cái tâm của người làm. Cứ làm bằng nghĩa nhân, sẽ nhận được nhân nghĩa. Quan niệm vậy, nên ông chân mộc làm nghề, từ ngày nghề vượng đến khi nghề đứt đoạn lúc giao thời, phải vừa chạy chân này để nuôi nghề chân kia. Những năm 1980, 1990 nghề nào cũng như sắp đến ngày tàn, lắt lay tồn tại bằng những mảnh vụn ngày cũ neo lại. Nguyễn Văn Tiếp, lành hiền đến vậy, tưởng như chỉ biết có chuyện làm mộc, vẫn phải líu quíu nơi này nơi kia, kiếm sống bằng nhiều đường, và đêm về vẫn ngồi chạm trổ trên những thớ gỗ vụn, để chờ có ngày nghề sẽ lại hưng.
Trời đã không phụ lòng người có tâm. Hay do những nỗ lực tưởng đã vắt cạn sức người, cũng đến ngày được bồi đắp? Năm 2001, UBND tỉnh có chủ trương khôi phục nghề và làng nghề truyền thống. Xưởng mộc của Nguyễn Văn Tiếp được để ý. Từ tổ chức JICA và những hỗ trợ của chính quyền, xưởng mộc thì được hỗ trợ mọi thứ để vượt qua những khó khăn.
2. Nếu chỉ đơn thuần làm mộc, hẳn Nguyễn Văn Tiếp sẽ không được người làng Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn) trang trọng nhắc đến như một “kẻ sĩ” của làng. Tham vọng của người đàn ông này là sẽ biến mộc mỹ nghệ với những hoa văn đặc trưng xứ Quảng trở thành một cái nghề của làng. Một công việc mà người làng cùng làm, và cùng hưởng lợi. Có vẻ như đến thời điểm hiện tại, mong ước ấy của ông đã đi được một nửa chặng đường. Thanh niên trai tráng trong làng kéo nhau đến xưởng mộc Nguyễn Văn Tiếp để xin học nghề. Và ông không nhận của họ một đồng học phí nào. “Tôi dứt khoát không bán nghề để ăn. Cứ năm ba ngày có người đến xin học nghề. Tôi nhận hết, để cái nghề của mình thịnh từ trong suy nghĩ của mỗi người. Đã có hơn 100 em đang học, thành nghề và ra riêng” - ông Tiếp nói.
Một khi đã nhận người vào học, thì ông nhiệt tâm cho đến ngày họ uyển chuyển tay đục tay bào. Trò của ông Tiếp, từng có rất nhiều người khốn khó, không công ăn việc làm, đến gõ cửa nhà ông. Ông nhận hết, lo từ chuyện đào tạo đến chuyện nuôi họ ngày ba bữa cơm. Cái chính ông cần ở thợ là ý chí, tâm nguyện theo đuổi nghề. Ông luôn cho họ thấy, đạo đức của nghề không ở đâu xa. Nó tồn tại trong chính cách anh làm nghề. Nghệ tinh thì thân vinh. Nếu cái tâm làm nghề không ra gì, thì ảnh hưởng đến cả người thầy, người cha.
Tôi nghĩ, hình như khi người đàn ông này chạm tay vào những thớ gỗ và tạo hình cho nó, thì mọi vụn vặt đời thường kia cũng sẽ như những dăm bào, mụn cưa. Cứ hình dung ông có một thế giới riêng với những câu chuyện đục đẽo. Thì thế giới ấy, có lẽ được nuôi dưỡng và chưng cất trong cái mê hoặc của hoa văn mộc truyền thống. Nó thuần khiết, trong sáng. Và chắc hẳn, nó tròn trịa những bao dung để mới có một Nguyễn Văn Tiếp chưa bao giờ hờn giận những thời đoạn khốn khó. Một Nguyễn Văn Tiếp dồn tâm huyết không chỉ cho nghề, mà còn trong việc truyền nghề, không giấu giếm một tuyệt kỹ nào, để nghề mộc mỹ nghệ được nối truyền. |
Nguyễn Văn Tiếp vẫn cứ đi với nghề bằng như vậy. Ông không ngại ngần câu chuyện trò này trò kia ra riêng làm nghề. Mà càng vui hơn, vì tâm huyết của mình đã được tiếp nối. Ông đối đãi với họ như với chính tuổi trẻ của mình. Có lẽ thế mà ông được người làng trọng. Họ trọng vì cái sức phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của Nguyễn Văn Tiếp. Họ càng kính nể ông vì chữ tín ông đặt để trong hành trình nghề nghiệp. “Nhiều khi trong quá trình làm nghề, kinh doanh, bị hụt vốn, giá nguyên liệu tăng bất ngờ, nhưng dù có lỗ vốn vẫn phải làm cho tới nơi, làm cho đẹp sản phẩm đã được đặt, để giữ uy tín với người đã tin mà tìm tới” - ông nói. Có thể, có ai đó, không thích, hoặc không cảm được tấm lòng của ông, hoặc hồ nghi về chữ tâm mà con người này theo đuổi. Người ta sẽ khâm phục hoặc chối bỏ. Nhưng niềm đam mê và sự kiên định với nghề nghiệp của ông là điều đáng nể trọng.
3. Bây giờ, xưởng mộc của Nguyễn Văn Tiếp không còn nhỏ bé và lọt thỏm trong căn nhà lộng gió giữa đồng làng Đông Khương nữa. Trong cụm làng nghề du lịch Đông Khương, xưởng của nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp là một điểm nhấn riêng biệt. Vừa mang hơi hướm của một bảo tàng nghề mộc, vừa sống động với những thanh âm làm nghề, vừa ấm áp vì sự đối đãi giữa người với người. Dự định trong tương lai gần của người đàn ông này, là sẽ phát triển làng nghề thông qua liên kết quảng bá du lịch. Khách đến không gian, vừa chiêm ngưỡng tham quan, vừa có thể tham gia làm nghề, nếu muốn. Và ông nói, sẽ không thể bán vé hay thu lợi nhuận từ du lịch. “Nhưng cái được lớn nhất để tôi quyết định tham gia làm du lịch cùng địa phương, là cái tên của mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp sẽ được biết tới nhiều hơn nữa, qua những người khách đến làng” - ông chia sẻ.
Giờ ông càng vui hơn, khi cái nghề ông đeo đuổi cả đời, còn có 3 người con nối nghiệp. Những đứa con, như đã đọc được hết tâm ý của cha mình dành trọn vẹn cho nghề của ông nội, ông cố. Ba người con trai, thì đã có đến 2 người học về mỹ thuật ứng dụng, 1 người học về kinh tế quản trị kinh doanh. Cả ba đã ra trường và đang làm ở xưởng mộc của cha. Người học kinh tế chịu trách nhiệm về quan hệ, giao dịch khách hàng và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Hai người còn lại đang là những thợ trẻ có tay nghề cao trong chính xưởng mộc mà sau này họ sẽ tiếp nối. Bây giờ, có lẽ ông đã tròn trịa hạnh phúc, khi đã qua ngưỡng 60 của cuộc đời. Nắng trên con đường chiều quê xứ, không chỉ độc hành một lão thợ đã mê say chân thành…
SONG ANH