Nghệ thuật đấu chiêng của người Co
Đấu chiêng là một nghệ thuật đặc sắc trong văn hóa cồng chiêng của đồng bào Co. Trước nguy cơ bị mai một, huyện vùng cao Bắc Trà My đang nỗ lực khôi phục loại hình nghệ thuật này nhằm khơi dậy, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của người Co tại địa phương.
Nhóm nghệ nhân dân tộc Co gạo cội Hồ Văn Biên (Trà Bồng, Quảng Ngãi) trình diễn đấu chiêng.Ảnh: N.V.B |
Ký ức đấu chiêng
Theo các vị cao niên người Co, trước kia, hầu như gia đình dân tộc Co nào cũng có người biết cồng chiêng. Âm thanh cồng chiêng hiện diện ở khắp nơi trong cộng đồng và sinh hoạt cồng chiêng lúc chỉ nhằm mục đích khá thực dụng như xua đuổi chim thú để bảo vệ mùa màng, có khi lại gắn với nghi lễ mang đậm sắc thái tâm linh. Tiếng cồng, tiếng chiêng đã gắn bó máu thịt với mỗi người Co từ khi họ sinh ra, đến khi trưởng thành và trở về với tổ tiên, rừng núi. Bởi vậy, cồng chiêng đã kết tinh thành giá trị văn hóa, có tính đặc trưng bản sắc đối với người Co.
Và đấu chiêng là một cách diễn tấu rất độc đáo của người Co mà các dân tộc khác không có. Đấu chiêng gồm 3 người: Một người dùng chiêng vợ, một người dùng chiêng chồng để đấu với nhau, còn người thứ 3 dùng trống ở giữa để vỗ giữ nhịp, có vai trò như “trọng tài” cho hai bên. Từ thời xa xưa, đấu chiêng được người Corxem là một nghệ thuật đặc sắc, dành cho thanh niên, trai tráng trong làng. Đấu chiêng thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai và tài tháo vát, nhanh trí của từng đấu thủ.
Tuy nhiên, ngày nay, đối với cộng đồng người Co ở vùng núi Bắc Trà My, đấu chiêng chỉ còn là ký ức của những lớp cao niên. “Hồi xưa, dân làng ăn Cazim (tết mùa) vui lắm. Cả làng mở hội cồng chiêng ăn mừng kéo dài thâu đêm. Trai làng thường bắt cặp thi thố đấu chiêng. Những trai làng cường tráng, khỏe mạnh nhất qua tài đấu chiêng được dân làng tin tưởng giao phó gánh vác các công việc hệ trọng của làng. Có thanh niên, nhờ tài đấu chiêng đã làm nhiều thiếu nữ phải lòng rồi có được người vợ xinh đẹp. Còn bây chừ, đấu chiêng đã không còn, trong sinh hoạt lễ hội, lớp trẻ mở tân nhạc nghe xập xình, ồn ào lắm, già nghe mà ngao ngán, bản thân già cũng có một phần lỗi” - già làng Trần Văn Hành (thôn 2A xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My) trăn trở.
Khôi phục và bảo tồn
Cuối năm 2015, huyện Bắc Trà My đặt mục tiêu trong năm 2016 phải khôi phục cho bằng được nghệ thuật đấu chiêng của dân tộc Cor tại địa phương. Trung tâm VHTT-TT huyện Bắc Trà My là đơn vị được giao làm đầu mối chủ công thực hiện mục tiêu này. Trong tháng 9.2016, 15 thanh niên người Co tại hai xã có cộng đồng người Co cư ngụ nhiều nhất ở Trà Nú và Trà Kót được tuyển chọn để tập huấn nghệ thuật đấu chiêng. Nhóm nghệ nhân người Co gạo cội về đấu chiêng ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) được mời về truyền dạy trong thời gian hơn nửa tháng. Theo anh Võ Văn Hùng, một thanh niên dân tộc Co tại xã Trà Kót, khi xem biểu diễn đấu chiêng, nhiều người dễ lầm tưởng loại hình này đơn giản, bởi chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa cũng như sức lực của từng đấu thủ phải bỏ ra khi thi đấu. “Cặp đôi đấu chiêng cùng đọ tiếng, tiếng chiêng dồn dập lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng khoan thai nhưng cũng có lúc lại hết sức mạnh mẽ theo trạng thái hưng phấn, quyết liệt của hai đấu thủ. Đấu chiêng đòi hỏi sự kiên trì, sức dẻo dai, bền bỉ và tốn rất nhiều sức lực. Nhờ được hướng dẫn tỉ mỉ nên mình cũng như những thanh niên khác đã nắm bắt và hiểu được nhiều điều. Đánh chiêng, đấu chiêng quả đúng là tinh túy, rất hay, rất ý nghĩa” - anh Hùng bộc bạch.
Theo nghệ nhân Hồ Văn Biên ở huyện Trà Bồng, ông cùng các cộng sự rất phấn khởi khi được mời giảng dạy đấu chiêng cho lớp trẻ người Co ở Bắc Trà My. Và họ đã tập trung chỉ vẽ tường tận từng động tác, cử chỉ, từ những nét căn bản nhất đến những điệu bộ, cách lột tả sắc thái, cách chuyển mình khi tranh đấu để các học viên lĩnh hội. Thời gian tập huấn không nhiều nhưng hầu như các học viên đều nhận thức được ý nghĩa, trách nhiệm trong khôi phục loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tất cả đều tập luyện chăm chỉ và nắm bắt được các kỹ năng của nghệ thuật đấu chiêng. “Đấu chiêng không chỉ là nghệ thuật mà nó còn là hoạt động thể thao. Tôi rất mãn nguyện vì đã truyền dạy được cho lớp trẻ để họ tự mình phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa của cha ông” - nghệ nhân Hồ Văn Biên chia sẻ.
Cần hỗ trợ bộ cồng chiêng
Theo ông Trương Quang Phổ, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện Bắc Trà My, sau lớp tập huấn, hai xã Trà Nú và Trà Kót tiếp tục tạo điều kiện cho các học viên duy trì tập luyện thường xuyên để các kỹ năng đấu chiêng được thành thục, nhuần nhuyễn và nhân rộng cho lớp trẻ toàn xã. Bắt đầu từ nay, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội cấp huyện cũng như tại hai xã này, nghệ thuật đấu chiêng được đưa vào biểu diễn phục vụ, phổ biến cho toàn dân. Còn theo ông Huỳnh Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND xã Trà Kót, trước mắt, trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc và nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11), xã sẽ đưa nghệ thuật đấu chiêng vào phần hội ở các khu dân cư nhằm tuyên truyền về loại hình nghệ thuật truyền thống này và cũng để tạo thêm sinh khí cho phần hội. Song, cái khó hiện nay là nhiều khu dân cư vẫn chưa có bộ cồng chiêng nên việc tập luyện đang gặp khó khăn. Ông Hoàng Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nú cho hay: “Xã Trà Nú hiện có 4 thôn nhưng chưa thôn nào có cồng chiêng. Để việc khôi phục và nhân rộng nghệ thuật đấu chiêng trên toàn xã, địa phương đang rất cần huyện và ngành văn hóa cấp trên quan tâm hỗ trợ trang bị cho mỗi thôn một bộ cồng chiêng để tập luyện và múa cồng chiêng, đấu chiêng khi tổ chức các lễ hội”.
NGUYỄN VĂN BÌNH