Điêu khắc gỗ Cơ Tu: Kho báu của làng
Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Cơ Tu là một trong số ít dân tộc thiểu số ở dãy Trường Sơn – khu vực Tây Nguyên còn bảo lưu các giá trị nguyên gốc của văn hóa truyền thống. Đó là hát lý, múa dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà làng, nhà ở, nhà mồ và tiêu biểu là nghệ thuật điêu khắc gỗ.
Học sinh đang xem các tác phẩm điêu khắc gỗ. Ảnh: T.VỊNH |
Các giá trị đó đã tạo ra sức sống, sự phong phú, đa dạng và nét độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa tộc người của dân tộc Cơ Tu. Nghệ thuật tạo hình của dân tộc Cơ Tu thể hiện ở nhà làng truyền thống chủ yếu là tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ và hoa văn trang trí trên các bộ phận kiến trúc. Cùng với mức độ, quy mô của công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc chính là thước đo giá trị của ngôi nhà làng truyền thống. Gươl chính là tài sản, di sản của làng. Ở đó người ta có thể thấy sức mạnh của thanh niên trai tráng trong việc huy động công sức để tìm kiếm nguyên vật liệu, nền nếp, phong tục của làng trong việc duy trì sinh hoạt lễ hội truyền thống và đặc biệt là thấy rõ tài năng của các nghệ nhân trong việc sáng tạo những bức tranh, phù điêu và tượng gỗ mang đậm dấu ấn của làng và của cả vùng cư trú có liên quan về văn hóa và sinh thái.
Với nhà gươl, ở đâu có chi tiết kiến trúc là ở đó có tác phẩm mỹ thuật. Trên mái nhà, phía hai đầu hồi (đhrượp) thường có những bức tượng đơn giản như gà trống, chim tring hay tổ hợp gắn kết nhiều tượng với nhau như tượng người, tượng đầu trâu, tượng đôi chim tring đang giao phối. Chúng được bố trí đối xứng nhau gần như tuyệt đối. Đây là chi tiết kiến trúc, mỹ thuật làm cho ngôi nhà có vẻ đẹp hài hòa, cân đối. Trên 4 tấm lan can, vách ngăn ở nhà gươl, nhất là tấm đặt ở mặt tiền, là nơi lý tưởng để các họa sĩ Cơ Tu thả hồn bay bổng miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội, tạo nên những bức tranh đa dạng. Ở tấm ván này thường là những bức phù điêu liên hoàn với chủ đề phong phú, đa dạng miêu tả sinh hoạt lễ hội, sản xuất, săn bắt, cuộc sống gắn bó với núi rừng, sông suối với những sản vật từ thiên nhiên nuôi sống con người. Trên các cây cột con, xà ngang (gơ nang), xà dọc, trính cũng thường được chạm khắc nhiều bức phù điêu đẹp mắt như rồng, rắn, kỳ đà, tắc kè, ba ba, thỏ, cá.
Một số gươl ở xã Lăng (huyện Tây Giang), chẳng những có vô số tác phẩm điêu khắc trang trí nội thất mà tại các điểm tiếp giáp của xà ngang và xà dọc còn bố trí các tượng rời, chủ yếu là hình tượng chiếc ché có nắp, phía trên nắp ché có hình chim cú vọ, hình tượng thần nước đầu gà trống mình rắn. Nếu nhà gươl vùng cao Tây Giang xuất hiện nhiều mặt nạ gỗ với cách tạo hình đặc trưng, tạo ra những gương mặt kỳ dị, dữ tợn thì gươl ở huyện Nam Giang trưng diện những bức tượng quái vật mình người đầu chim, chim ma lai ăn thịt người dân gian gọi là “Đhăm mariêng” và “Ajêh”. Những bức tượng này làm cho ngôi nhà làng của đồng bào luôn bí ẩn, linh thiêng. Đặc biệt, cây cột cái (rơmong) luôn là tâm điểm của trang trí mỹ thuật, tạo cho người xem nhiều cảm xúc, hưng phấn. Không chỉ có chức năng chịu lực mà cột cái và xà ngang là nơi trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu và hoa văn. Dưới chân cột cái đồng bào thường khắc những hình người như già làng ngồi uống rượu, người đàn ông cõng con, người phụ nữ địu con hoặc hình tượng chiếc ché - một vật dụng có giá trị của đồng bào miền núi.
Ngoài những bức phù điêu, tranh vẽ gắn với công trình kiến trúc như đã nêu trên, người Cơ Tu còn sáng tạo những bức tượng tròn với nhiều chủ đề khác nhau như già làng uống rượu, cô gái múa, chàng trai nhảy hội, đánh chiêng, thổi kèn, tượng chim tring, chim công, kỳ đà... và bố trí chúng vào những vị trí nhất định trong ngôi nhà. Tượng có thể đặt ở mặt tiền chính diện của gươl, phía trên của xà ngang, xà dọc, hoặc hai bên cửa ra vào. Vì thế, ta thường thấy tượng người đứng hai bên cửa ra vào tỏ vẻ cung kính, vui mừng đón khách đến thăm, bước vào ngôi nhà chung của làng. Trong những năm gần đây, một loại hình nghệ thuật được nghệ nhân Cơ Tu ưa thích là phù điêu rời, tức là những bức phù điêu không gắn với công trình kiến trúc truyền thống. Thông qua các cuộc thi điêu khắc dân gian do các huyện tổ chức, các nghệ nhân còn đua nhau trổ tài, sáng tác phù điêu với chủ đề khác nhau như cảnh đi săn, giã gạo, uống rượu cần, khai thác rượu tà đin, vũ điệu tâng tung da dá trong lễ hội, nghi lễ đâm trâu hiến sinh tế thần linh và cả những đề tài mới như bộ đội và dân quân, chống giặc đi càn, đánh giặc giữ làng... để trưng bày, lưu giữ, làm đẹp cho ngôi nhà thân yêu của làng.
Bên cạnh gươl, nhà mồ (ping) là một phần đặc sắc trong di sản văn hóa dân gian của dân tộc Cơ Tu. Giá trị nổi bật của loại hình kiến trúc dân gian này chính là nghệ thuật điêu khắc và những họa tiết trang trí. Hình tượng cô đọng nhất là hai đầu trâu ở hai đầu quan tài và ở một phía đầu hồi nóc của nhà mồ. Ngoài hình đầu trâu, nhà mồ Cơ Tu còn có nhiều hình tượng khác như con rồng, kỳ đà, chim tring, chim grooc, biểu tượng ngọn rau dớn, chiêng, cồng. Xung quanh quan tài hình đầu trâu ở nhà mồ thường có hệ thống tượng người với những biểu cảm đặc trưng giống như nhà mồ ở Tây Nguyên, đó là tượng người ngồi than khóc, tiếc thương người quá cố… Đi kèm theo các tác phẩm điêu khắc và nhiều mô típ hoa văn quen thuộc như mã não, răng cưa, hoa pơ lơm, lá a tút… với màu sắc chủ đạo là đỏ, đen, trắng. Đây là món quà vô giá, đầy tính nhân văn của người thân dâng cúng cho người đã đi về thế giới bên kia để an ủi linh hồn của họ.
Kiến trúc và nghệ thuật tạo hình trên ngôi nhà làng và nhà mồ chính là kho báu của làng, tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong di sản văn hóa của dân tộc Cơ Tu. Nghệ nhân điêu khắc gỗ dân tộc Cơ Tu - chủ nhân của loại hình nghệ thuật này hiện còn khá đông đảo và đầy tài năng. Một số gương mặt tiêu biểu như: Ker Tíc, Bríu Bố, Cơlâu Blao (Tây Giang), Bríu Nga, Y Kông (Đông Giang)… có vài trò quan trọng trong sáng tạo, truyền dạy điêu khắc gỗ. Cùng với phong trào phục hồi nhà làng truyền thống, nghệ thuật điêu khắc gỗ của dân tộc Cơ Tu được hồi sinh và phát triển mạnh. Các nghệ nhân ngoài việc đóng góp công sức làm đẹp cho ngôi nhà làng, họ còn được mời tham gia các trại sáng tác, điêu khắc ở các tỉnh, thành phố và các cuộc thi tạc tượng gỗ tại huyện nhà quê hương của mình. Từ đó nhiều tác phẩm sáng tạo mới được ra đời, được trưng bày phục vụ thưởng ngoạn nghệ thuật cho dân tại chỗ và du khách. Nghệ thuật điêu khắc gỗ vẫn còn sức sống mạnh mẽ trong đồng bào. Loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này cần được quan tâm nuôi dưỡng, phát huy trong cuộc sống đương đại. Cần tổ chức hội thảo, hội thi sáng tác điêu khắc gỗ dân gian, lập hồ sơ khoa học để đưa nghệ thuật điêu khắc gỗ Cơ Tu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần tôn vinh các nghệ nhân điêu khắc gỗ nói riêng, nghệ nhân dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng để họ được mang hết tài năng của mình cống hiến cho quê hương, làm đẹp cho bản làng.
TẤN VỊNH