Đong đầy nỗi nhớ
Vụ lúa hè thu năm nay có lẽ khá hơn vụ mùa trước. Các lão nông tri điền nói thế và tôi cũng thấy thế. Dàn lúa xanh tốt, từng bụi nở đều; cổ đòng đòng tròn lẳn, nói như người dân quê tôi là nó mướt tưng cứ như da thịt của cô gái dậy thì. Cách ví von của người dân quê tôi, nghe thật thú vị. Bây giờ, lớp trẻ không còn mấy ai quý từng hạt lúa, dẫu chọn nghề nông.
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi còn nhớ tới mùa gặt, chủ ruộng thường nhắc thợ gặt đừng đặt nặng tay lúa khi bỏ xuống bờ. Thế nhưng, họ cũng có cách làm cho những hạt lúa vàng tròn mọng rụng xuống đất. Khi thợ gặt bó lúa, gánh về nhà cho chủ ruộng, thì những người mót lúa đi tới vét một cục bùn dưới ruộng vê tròn rồi ấn xuống những hạt lúa rụng nhằm thu gom những hạt lúa mà thợ gặt cố tình để lại cho những người cùng cảnh. Nhờ thế, họ sống hết đời nọ đến kiếp kia, và… có tôi ngày hôm nay. “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”. Cố gắng, cố gắng và cố gắng… đã giúp con người vượt qua nghịch cảnh. Huyết thống truyền thừa kém lại thiếu nghị lực thì mãi mãi sống trong cảnh thiếu cơm lạt mắm; nói như ngôn ngữ ngày nay là “đói mạn tính”, khó lòng xóa đói giảm nghèo.
Mùa lúa chín. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN |
Bao đời qua, người dân quê tôi quý từng hạt lúa, củ khoai, và ước mơ truyền đời của họ là “một vũng trâu nằm hơn năm làm mướn”. Nhưng ước mơ tưởng chừng tầm thường, đơn giản ấy phải đợi đến Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công. Ngày ấy, tôi chưa ra đời, nhưng cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, thỉnh thoảng tôi còn nghe không thiếu người vừa dỗ con vừa hát: “Nhờ có Bác, nên mùa này tôi được chia đúng phần”.
Theo tháng ngày lớn lên với sách vở, tôi biết “Bác” trong lời bài hát ấy là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh – người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày Bác ra đi, tờ báo Đối diện ở Sài Gòn có số đặc biệt về Bác, nên trong lớp trẻ chúng tôi ở đô thị miền Nam có điều kiện hiểu thêm về nhân vật lịch sử này. Rồi hơn 40 năm được sống dưới chế độ mới – một chế độ mà trong suy nghĩ trước đó của tôi cứ lung linh như bảy sắc cầu vồng; đặc biệt hơn chục năm hít thở không khí “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”, bản thân tôi ít nhiều thất vọng, mặc dù kinh nghiệm sống cho tôi biết cần phải giảm nhẹ những hy vọng để tránh khỏi bị thất vọng. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (Nghị quyết Trung ương 4). Và những “bầy sâu”, những “lợi ích nhóm”, những “một bộ phận không nhỏ”… cứ như muốn làm buồn lòng Bác Hồ!
Người xưa từng nói: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là ở cõi đời ô trọc này không có ai hoàn hảo cả. Thế nhưng, sau khi đọc những tác phẩm của Hồ Chí Minh, một số tác phẩm viết về, kể về nhân vật lịch sử này, tôi thấy lấp lánh sắc màu tươi trẻ, nhất là trong việc dùng người. Một thầy giáo dạy sử ở Trường Tư thục Thăng Long (Hà Nội) được Người bố trí lãnh đạo lực lượng vũ trang, và không bao lâu phong quân hàm đại tướng mà cả trong nước lẫn ngoài nước, cả ta lẫn địch không ai không khâm phục. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chưa từng qua trường lớp quân sự nào. Có thể nói, không có Hồ Chí Minh thì lịch sử quân sự Việt Nam cũng như lịch sử quân sự thế giới không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hoặc giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho GS.Tạ Quang Bửu khi chưa là đảng viên. Hoặc mạnh dạn giao chức Cục trưởng Cục Quân giới cho kỹ sư trẻ Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) vừa từ Pháp về và phong quân hàm thiếu tướng cho vị kỹ sư trẻ này trong đợt đầu tiên (1948)…
Khi giành lại độc lập tự do, chính quyền còn non trẻ lại đứng trước cảnh ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài, mà Người phải tham dự Hội nghị Fontainebleau (1946) tại Pháp, Người không giao quyền lãnh đạo đất nước cho bất kỳ đảng viên nào mà lại giao cho nhà nho Huỳnh Thúc Kháng với tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và cụ Huỳnh Thúc Kháng đã lèo lái đất nước vượt qua một số thác ghềnh, đợi Người về trao lại quyền lãnh đạo. Và Người đã viết tiếp bản anh hùng ca “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Trong lĩnh vực giáo dục, Người không chút ngần ngại giao quyền lãnh đạo cho người ngoài Đảng, đó là GS.Nguyễn Văn Huyên. GS.Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1946 cho đến năm 1975. Và lĩnh vực giáo dục của những năm tháng đó dường như không rối như bây giờ.
Nhớ về những năm tháng ấy, tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh như có sức hút lạ kỳ. Nhiều trí thức trong và ngoài nước đều tình nguyện từ bỏ những điều kiện sống vương giả, để châu tuần quanh Người, giống như “quần tinh ủng nguyệt”. Đó là những trí thức: Trần Hữu Tước, Phạm Quang Lễ, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Ngụy Như Kon Tum, Trần Đức Thảo, Phạm Ngọc Thạch… Cả chục năm qua, bên cạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo được Hồ Chí Minh”, nhiều tỉnh/ thành còn tích cực “trải thảm đỏ đón nhân tài”, nhưng dường như nhân tài cứ bị lực đẩy chứ không nhận được lực hút.
Nỗi nhớ đong đầy, song chẳng lẽ mãi mãi vẫn là nỗi nhớ?
VU GIA