Thần Siva múa trên vải chăm cổ
Siva là vị thần trong hệ thống Tam vị nhất thể (Brahma, Visnu, Siva), trong đó thần Siva được đưa lên tối thượng, là vị thần hủy diệt và sáng tạo. Thần Siva tạo nên cảm hứng sáng tạo kiến trúc, nghệ thuật, trang trí ở khu vực linh thiêng trong các khu đền tháp, trên nhiều chất liệu khác nhau như sa thạch, đất nung, vàng, bạc, ngà…
Nếu trong điêu khắc, hình tượng Siva khá nổi trội thì trong nghệ thuật trang trí hoa văn trên nền vải thổ cẩm, hình tượng của vị thần này khá hiếm. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số hoa văn thần Siva trên nền vải thổ cẩm và đã tiến hành bảo tồn, phục chế thành công phục vụ công tác trưng bày, bảo lưu hoa văn cổ trên chất liệu thổ cẩm hiện đại.
Từ những hoa văn xưa
Hoa văn thần Siva múa được phát hiện một cách ngẫu nhiên. Trước đây, trong những dịp lễ hội Katê, người Chăm thường mang theo nhiều lễ vật để dâng cúng lên các vị thần, trong đó có vải thổ cẩm.
Những mẫu hoa văn cổ của người Chăm được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Tấn Vịnh |
Chỉ riêng tháp Pô Klaong Garai ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận đã lưu lại hàng trăm tấm thổ cẩm của người xưa. Nhưng vải vóc ở đền tháp thường không để lâu, chúng nhanh chóng bị hư hỏng, mục nát. Những chiếc rương đựng vải cúng thần thường quá tải vì những tấm vải hư hỏng nên các sư cả, người quản đền thường loại bỏ bớt đi một ít. Một lần, các vị sư cả có ý định đốt đi những chỗ vải hỏng đang lưu giữ trong đền tháp. Và ông Quảng Văn Đại, quê ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện ra những vốn quý, tinh hoa của người xưa ẩn hiện trong mỗi mảnh vải tưởng chừng như bỏ đi ấy. Trong suốt 50 năm qua, ông là người đi khắp các palei (làng) Chăm sưu tầm, nghiên cứu những di sản văn hóa của tiền nhân. Khi biết những mảnh vải mục kia sẽ bị loại bỏ, ông xin phép các vị sư cả cắt lấy lại những đường nét hoa văn trên đó. Với cách làm đơn giản như vậy ông đã giữ lại gần 50 mẫu hoa văn cổ khác nhau của người Chăm. Sau đó, ông mang chúng gửi vào kho lưu trữ của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Điều thú vị hơn nữa là trên cửa tháp chính của tháp Pô Klaong Garai ở Ninh Phước quê ông có bức tượng thần Siva đang múa. Đây là một trong những bức tượng toàn thân đẹp nhất khắc họa hình ảnh thần Siva trên các đền tháp của người Chăm. Thần Siva ở đây có 6 tay: 2 tay chắp trên đỉnh đầu không cầm vật gì; 2 tay phía dưới bên phải, một tay cầm cái đinh ba (vật đặc trưng của thần), một tay cầm phù là (chiếc vòng trang sức nhỏ); hai tay dưới bên trái, một tay cầm búp sen, một tay cầm cái chén.
Hoa văn thần Siva múa trên vải Chăm cổ. |
Hàng năm, vào lễ Katê, các thầy cả thường làm nghi lễ cúng thần trước khi vào bên trong đền tháp để dâng lễ. Nghi lễ tắm tượng thần Siva khá ấn tượng. Các cô gái đội nước, hoa trái đi trong đoàn người rước lễ vật và y trang lên đền tháp. Đầu tiên, sư cả đón lấy bát nước rồi tạt lên cao nhắm vào bức tượng Siva. Mọi người nhìn lên xem dòng nước thiêng mát rượi tưới tắm cho vị thần với niềm hân hoan, kính cẩn. Bức tượng này cũng là đề tài hấp dẫn, thú vị của các nhà nghiên cứu điêu khắc Chăm như Ngô Văn Doanh, Nguyễn Văn Kự, Trần Kỳ Phương... Lễ tắm tượng Siva cũng là đề tài mà các nhà nhiếp ảnh tâm đắc khi săn đón khoảnh khắc dòng nước thiêng chạm lên tượng thần ngự phía trên cửa tháp.
Phục chế và lưu giữ
Theo tập quán xưa, tất cả trang phục, vải vóc, bảo vật của vua Chăm do người Raglai cất giữ. Đến ngày lễ Katê thì người Chăm phải làm lễ đón rước y trang từ người Raglai, chuyển y trang về lại tháp Pô Klaong Garai, gọi là Lễ rước y trang. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra trọng thể. Trong ngày lễ rước y trang, đoàn người Raglai tập trung đầy đủ, ông từ giữ đền dâng cúng lễ vật như: rượu, trứng, trầu, cau,… xin phép thần cho rước y trang về tháp cúng lễ. Dẫn đầu là 5 đến 6 người Raglai đánh mã la, tiếp đến là cả sư chủ trì đền tháp, thầy kéo đàn kanhi, bà bóng, đội vũ nhạc, ở giữa là kiệu khiêng y phục của vua, hai bên là những thanh niên cầm cờ và những người phụ lễ đi theo. Nghi lễ này tạo nên nét độc đáo trong lễ hội Katê hàng năm và đây cũng là cách mà người Chăm gìn giữ y phục, vải vóc, những báu vật của vua chúa cách nay hàng trăm năm.
Cũng nhờ cách giữ gìn y trang, vải vóc của vua chúa như thế cho nên một số nhà nghiên cứu, nghệ nhân khác đã sưu tầm được vài mẫu hoa văn trên hoàng phục và trên diềm váy các vị thần như Po Ramé, Po Dam, Po Klaong Mânai. Đáng kể nhất là hoa văn thần Siva và Người cưỡi con công. Theo ông Quảng Văn Đại, nhiều hoa văn cổ của người Chăm rất đẹp, thể hiện sự khéo léo của thợ dệt ngày xưa. Ngoài Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, các bảo tàng ở Pháp cũng lưu giữ nhiều hoa văn Chăm cổ. Tuy nhiên, trong hàng chục mẫu hoa văn được sưu tầm, lưu giữ, trưng bày thì nhiều mẫu đã bị thất truyền, không tìm thấy bóng dáng của chúng trên các sản phẩm thổ cẩm hiện tại. Một số mẫu hoa văn cổ được chọn ra, đưa đến nhờ nghệ nhân có tay nghề cao, dệt giỏi nhất để họ thổi hồn cho nó “sống” lại nhưng hầu như nhiều thợ dệt không thể phục chế được.
Chúng tôi được biết, nghệ nhân Phú Thị Mỡ đã phục chế thành công một số mẫu, trong đó có hoa văn thần Siva múa và hoa văn Người cưỡi con công. Tuy nhiên, những mẫu hoa văn thần Siva múa phục chế được trưng bày ở các bảo tàng chuyên đề văn hóa Chăm có giống với hoa văn trên vải Chăm cổ nhưng không thể nhẹ nhàng, bay bướm như xưa, màu sắc, đường nét cũng không thể sánh nổi với những mẫu gốc mà ông Quảng Văn Đại tìm thấy ở tháp Pô Klaong Garai.
Khi phục chế thành công mẫu hoa văn thần Siva múa, các bảo tàng ở Bình Thuận, Ninh Thuận đã đưa vào lưu giữ, trưng bày, phục vụ nghiên cứu, tham quan ở các bảo tàng. Bảo tàng Văn hóa Chăm huyện Bắc Bình, Bình Thuận trưng bày tấm thổ cẩm phục chế có hoa văn thần Siva ở ngay gian trưng bày trung tâm.
Cùng với sản phẩm dệt cung đình thời xưa, vải dệt dân gian Chăm ở đền Pô Klaong Garai cho thấy nghề dệt xưa rất phát triển, tạo ra nhiều mẫu hoa văn đẹp, làm giàu có cho kho tàng mỹ thuật dân gian Chăm. Trong nhiều mẫu hoa văn đó, hoa văn thần Siva múa trên chất liệu vải thổ cẩm là một phát hiện độc đáo, có giá trị cao về nghệ thuật, thể hiện truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Chăm.
TẤN VỊNH