Sẽ xuất bản cuốn "Từ điển phương ngữ Quảng Nam" mini

BÍCH LIÊN 01/09/2016 14:57

(QNO) - Công trình “Từ điển phương ngữ Quảng Nam” do PGS.TS Phạm Văn Hảo chủ nhiệm, Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam chủ trì vừa được Sở KH&CN nghiệm thu, xếp loại xuất sắc vào cuối tháng 8 này. Bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực và tinh thần làm việc của nhóm nghiên cứu, nhiều đại biểu còn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, cần khắc phục ở một cuốn từ điển “rặt Quảng” được mong đợi này.

Cuốn từ điển mini

Để cho ra đời công trình nghiên cứu “Từ điển phương ngữ Quảng Nam”, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Phạm Văn Hảo (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát, điền dã, thu thập thông tin tại 12 huyện/thành phố/thị xã trong và ngoài tỉnh gồm: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành, Hiệp Đức, Hòa Vang và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Việc khảo sát, điền dã được tiến hành theo khu vực phân bố: đồng bằng, ven biển, trung du, miền núi, thành thị, nông thôn, khu vực Quảng Nam lẫn Đà Nẵng. Từ việc khảo sát hơn 7.000 đơn vị từ được xem là phương ngữ Quảng, các tác giả dự kiến đưa vào từ điển khoảng 4.000 - 5.000 từ “rặt Quảng”.

Nghiệm thu công trình
Nghiệm thu công trình "Từ điển phương ngữ Quảng Nam". Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cuốn từ điển sẽ có nội dung gồm hai phần: phần I là chuyên luận “Nghiên cứu về từ ngữ địa phương tiếng Quảng Nam” giới thiệu về tiếng Quảng và việc nghiên cứu tiếng Quảng Nam để xây dựng từ điển; phần II là “Từ điển phương ngữ Quảng Nam”, là phần chính. Trong đó, các thông tin được chú ý phản ánh gồm: bảng từ ngữ được lựa chọn và phản ánh, với khoảng 4.500 từ được sắp xếp theo thứ tự A, B, C và các yếu tố khác như dấu thanh, phần chú thích, định nghĩa, ví dụ… cũng tương tự như những công trình từ điển khác. “Đây là quyển từ điển phương ngữ, chỉ phản ánh tư liệu từ ngữ (từ và ngữ) địa phương nên chúng tôi không có nhiệm vụ thu thập và định nghĩa các từ ngữ phổ thông, tư liệu tên riêng, từ ngữ địa phương ở các địa phương khác, thuật ngữ… Chúng tôi chủ yếu khảo sát ở vùng Quảng Nam là chính, có chú ý đến Đà Nẵng” - PGS.TS Phạm Văn Hảo nói.

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, về tính chất, đây là cuốn từ điển phương ngữ, nó được phân biệt rõ với từ điển bách khoa là sách cung cấp các tri thức bách khoa cho người đọc, bởi trong khi từ điển bách khoa có thể mở rộng phản ánh về lịch sử, văn hóa, cách làm, cách sử dụng… thì đây là cuốn từ điển ngôn ngữ, phương ngữ đúng nghĩa, chỉ miêu tả những nét cơ bản của ngôn ngữ. Về đối tượng phục vụ, chủ yếu là những người làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục và đối tượng trẻ là học sinh, sinh viên. Về nguyên tắc tuyển chọn, từ điển phương ngữ Quảng Nam đã tập hợp tất cả những từ được coi là “tài sản” riêng của vùng đất Quảng Nam. Phương ngữ được hiểu là những từ được sử dụng ở các địa phương và chúng là biến thể về âm và nghĩa so với địa phương. Từ điển thu thập các từ phương ngữ Quảng Nam, gồm các từ trong giao tiếp thông thường, từ nghề nghiệp, từ khẩu ngữ, các từ theo mọi chủ đề liên quan đến đời sống tự nhiên - xã hội: nhà cửa, cây cối, đồ dùng gia đình, công cụ trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, tín ngưỡng tâm linh, lễ hội… Cấu trúc vi mô (thứ tự thông tin xuất hiện trong một mục từ) cũng bao gồm có chú thích từ loại (động từ, danh từ, tính từ, cảm từ, phụ từ) được đảm bảo, phần giải nghĩa ngắn gọn, không mơ hồ, dễ hiểu. Có chiết xuất các nét nghĩa (nghĩa vị) để phân biệt ngữ nghĩa riêng của một số từ; có ví dụ phù hợp, ngắn gọn, tuy không nhiều nhưng cũng lấy từ tác phẩm văn học dân gian như ca dao, đồng dao, điều này làm cho mục từ được lựa chọn minh xác, có tính thuyết phục hơn. Có chuyển chú, cách đọc khác, cách viết khác, biến thể khác khi cần thiết…

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Văn Hảo nhìn nhận: “Nhóm biên soạn gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện, phân biệt đối với từ thực sự là của Quảng Nam, những từ vay mượn khi tiếp xúc đã được “Quảng Nam hóa”. Ngay cả việc nhận diện từ địa phương với từ cận phương và xa hơn là với ngôn ngữ toàn dân, cũng là một công việc đòi hỏi sự cẩn trọng và năng lực chuyên môn cần thiết”…

Mong đợi cuốn từ điển “rặt Quảng”

Công trình được nhiều thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về những nỗ lực, sự công phu của nhóm nghiên cứu trong việc thu thập, điều tra, xử lý dữ liệu theo địa phương, vùng miền, qua đó có tính xác thực về nhận định thổ ngữ, phương ngữ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế từ công trình. Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam góp ý: Bên cạnh một số sai sót nhỏ về lỗi chính tả, morat vốn khó chấp nhận đối với một công trình ngôn ngữ, thì trong bảng từ, mục từ, định nghĩa, chuyển chú, sơ lược, cũng xuất hiện một số điểm hạn chế. Ví dụ, “lòn bon” được các tác giả định nghĩa là “trái tròn” mà không làm rõ đây là một loại quả đặc sản của Quảng Nam, có nhiều ở vùng Tiên Phước, Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang. “Bà mụ” được định nghĩa là bà đỡ đẻ, nhưng ở xứ Quảng cũng có nghĩa khác là mụ bà, bà mụ (văn cúng). “Am” có nghĩa là siêu, ấm đun nước, nhưng còn có nghĩa là am thờ, miếu thờ. “Ăn lạt” là ăn chay, nhưng phương ngữ Quảng còn nghĩa là ăn lạt lạt, nói lạt lạt. “Ăn thử” là nếm, nhưng còn có nghĩa khác là mời ăn thiệt. “Sông cái” được định nghĩa là sông to, lớn như sông Thu Bồn, song còn có nghĩa là sông mẹ. “Tưng tưng” được định nghĩa là tâng tâng, nhưng thực tế là chỉ trẻ con nhảy tưng tưng, hoặc nghĩa khác là bị tưng tưng (có vấn đề về thần kinh)…

PGS.TS Phạm Văn Hảo, chủ nhiệm công trình từ điển phương ngữ Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Liên
PGS.TS Phạm Văn Hảo, chủ nhiệm công trình từ điển phương ngữ Quảng Nam. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, xảy ra mấy trường hợp hạn chế ở công trình mà nhóm nghiên cứu cần tiếp nhận. Đó là, định nghĩa chưa rõ nghĩa; một số chú thích có thể chưa đúng về phương ngữ, mô tả chưa đúng về trạng thái từ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; định nghĩa từ có thể chưa chu diên về nghĩa; định nghĩa theo kiểu miền Bắc, từ điển chuẩn (do nhóm thực hiện chủ yếu ở phía Bắc). Hay trường hợp từ ngoại lai được phiên âm Việt nói theo kiểu Quảng, ví dụ như “phin” có nghĩa là phin pha cà phê, "film" nghĩa là xem phim... vốn là các từ các nguồn gốc ngoại lai tiếng Anh, hay tiếng Pháp (như bù lông), đã phiên âm ra tiếng Việt và đọc theo giọng Quảng, cần loại bỏ trong từ điển. “Có thể xuất bản cuốn từ điển chừng 4.500 từ, hoặc có thể là từ điển mini bỏ túi dùng trong các trường học, thư viện, nếu không có kinh phí. Việc hoàn chỉnh cuốn từ điển trước khi xuất bản phải có người Quảng đọc phúc tra. Có như thế mới có thể cho ra công trình hoàn hảo, đáp ứng mong đợi của người Quảng được” - nhà báo Nguyễn Hữu Đổng nói.

GS.TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhận định, không cần phải đưa nhiều từ toàn dân vào giải thích trong cuốn từ điển phương ngữ Quảng này, mà nên chú trọng đến các sắc thái từ, đào sâu vào vốn folklore ngôn từ xứ Quảng. Bên cạnh chú trọng nghiên cứu phương ngữ ở phương diện địa lý, nhóm biên soạn từ điển cần chú trọng nghiên cứu phương ngữ Quảng ở phương diện xã hội. Điều cần thiết đối với một cuốn từ điển phương ngữ không chỉ chuyển tải về mặt ngôn ngữ, mà phải chuyển tải cho được các giá trị văn hóa, phải làm sao để thấy rõ, đằng sau vốn từ ấy phải là văn hóa. Ngoài ra, cần giảm dung lượng cấu trúc vi mô và tăng dung lượng cấu trúc vĩ mô ở công trình này, cũng như giảm thiểu việc đưa ngôn ngữ Bắc Bộ vào giải thích, đối chiếu mà nên sử dụng từ ngữ ở các vùng lân cận xứ Quảng, như vậy sẽ xác thực hơn…

Về phía cơ quan chủ quản, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN ghi nhận những nỗ lực của các tác giả về công trình vốn “nặng ký” này. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Sinh, để có thể xuất bản được cuốn từ điển này, nhóm tác giả cần gọt bớt, chắt lọc bớt những từ có tính chất phổ quát, không mang tính đặc trưng của Quảng Nam, mà nên chỉ giữ lại những yếu tố đặc trưng nhất trong ngôn ngữ Quảng. “Cái mà Quảng Nam cần là cuốn từ điển phương ngữ phải "rặt Quảng", bởi đó là vốn quý, góp phần bảo lưu, gìn giữ vốn văn hóa của vùng miền, là nguồn tư liệu quý phục vụ cho giới sáng tác, nghiên cứu và phục vụ cho các nhà trường, thư viện” - ông Sinh nói.

BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN