Hội An xã hội hóa lễ hội

VĨNH LỘC 23/08/2016 08:57

Huy động cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia các sự kiện văn hóa, nghệ thuật… đã trở thành việc làm thường xuyên và hiệu quả của TP.Hội An, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách.

Xã hội hóa lễ hội không chỉ giảm nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách mà còn góp phần mang đến cho du lịch Hội An nhiều sản phẩm hấp dẫn. Ảnh: V.LỘC
Xã hội hóa lễ hội không chỉ giảm nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách mà còn góp phần mang đến cho du lịch Hội An nhiều sản phẩm hấp dẫn. Ảnh: V.LỘC

Thành phố lễ hội

Không phải ngẫu nhiên mà Hội An được nhiều tổ chức, tạp chí uy tín chuyên ngành du lịch quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn và ưa thích trên thế giới. Hội An không chỉ là một không gian tràn ngập ánh đèn lồng trên phố cổ vào những đêm rằm, không chỉ có dòng sông Hoài êm ả với những chiếc thuyền dập dìu thả muôn vàn hoa đăng… mà còn có những lễ hội truyền thống và hiện đại. Lời khen tặng của du khách từ khắp nơi khi đến Hội An còn dành để nói về những sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn. Đến nay, Hội An đã nhận được hơn 30 danh hiệu bình chọn như thành phố được ưa thích nhất, thành phố hấp dẫn nhất hay thành phố lãng mạn nhất châu Á… Có được những kết quả đó, ngoài lợi thế về thiên nhiên, địa lý ưu đãi thì các lễ hội cũng đã góp phần quan trọng vào thành công này. Hàng năm, Hội An tổ chức gần 20 lễ hội cả truyền thống và hiện đại. Phổ biến nhất có thể kể đến tết âm lịch, đón  năm mới dương lịch, lễ hội trung thu, giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Ngoài ra, còn có các lễ hội dân gian, làng nghề tại các xã, phường như lễ hội cầu bông, cầu ngư, giỗ tổ nghề yến, lễ hội làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, ngày hội bắp nếp Cẩm Nam, ngày hội quật cảnh Cẩm Hà…

Có thể nói, các lễ hội đã góp phần tạo nên những sắc màu văn hóa đặc sắc cho Hội An, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm về, trong đó riêng năm 2015 đã thu hút hơn 2 triệu lượt du khách. Và Hội An đã chiếm được cảm tình của du khách khi nhiều người gọi tên “Thành phố lễ hội” - thay cho sự khẳng định về những thành công cũng như  độ lan tỏa mà các lễ hội đã mang lại. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An khẳng định, lễ hội là một phần tất yếu không thể tách rời Hội An, nhất là không gian phố cổ. Trong đó, một số lễ hội đã trở thành “thương hiệu” lâu năm gắn liền với địa phương, để mỗi khi nói đến du khách đều mặc nhiên hiểu đó là Hội An, như lễ hội lồng đèn hay Đêm rằm phố Hội… “Lễ hội ở Hội An không chỉ đơn giản thỏa mãn nhu cầu tâm linh hay văn hóa của người dân mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ khách. Ở đó người dân và du khách cùng hòa vào lễ hội để tận hưởng và trải nghiệm những cảm xúc chân thật chứ không đơn thuần chỉ là trình diễn” - ông Phùng nói.

Hiệu quả xã hội hóa

Khác với nhiều địa phương, lễ hội tại Hội An luôn có sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng, đoàn thể và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của một số lễ hội hiện đại như Hợp xướng quốc tế, Liên hoan Ẩm thực quốc tế Việt Nam, Lễ hội Văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á, Tết âm lịch… đã thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Thậm chí, một số lễ hội doanh nghiệp đã tự đầu tư tổ chức như Liên hoan Ẩm thực quốc tế, Lễ hội Văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á, với tổng kinh phí 2 doanh nghiệp bỏ ra khoảng 8 tỷ đồng. Theo ông Võ Phùng, dù sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong việc huy động nguồn lực hay tham gia các hoạt động lễ hội vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn để hiệu quả tốt hơn, nhưng không phủ nhận đóng góp từ hoạt động xã hội hóa thời gian qua là đáng trân trọng, để từ đó giúp Hội An đẹp và hấp dẫn hơn trong mắt du khách. “Hiện tại, Hội An có 3 hình thức xã hội hóa. Thứ nhất là vận động kinh phí từ doanh nghiệp. Thứ hai, vận động doanh nghiệp đứng ra tham gia tổ chức các chương trình trong lễ hội. Thứ ba, huy động sự tham gia của cộng đồng, như trong hoạt động tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX hay sự tham gia của các đoàn thể, trường học, tôn giáo trong các lễ hội hoa đăng…” - ông Phùng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, trong tình hình ngân sách thành phố còn hạn hẹp, sự đồng hành của doanh nghiệp và cộng đồng, nhất là sự đồng hành về mặt kinh phí có ý nghĩa rất lớn. Như Liên hoan Ẩm thực quốc tế Việt Nam tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, trong tổng kinh phí tổ chức hơn 5 tỷ đồng, thành phố chỉ bỏ ra 400 triệu đồng đối ứng, còn lại do doanh nghiệp đóng góp; hay lễ hội đón giao thừa Tết âm lịch, các doanh nghiệp đã đóng góp gần 800 triệu đồng cho chương trình bắn pháo hoa chào năm mới. Và mới đây, tại Lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Đại sứ quán Nhật Bản và các đơn vị, đoàn thể… “Có thể khẳng định, việc huy động xã hội hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các lễ hội, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch cho Hội An. Xu hướng sắp tới của thành phố là chỉ tập trung đầu tư kinh phí cho một số lễ hội chính như Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản, Tết Nguyên đán, Tết trung thu…, còn những lễ hội khác sẽ giao cho doanh nghiệp trực tiếp đảm nhận đầu tư kinh phí thực hiện, thành phố chỉ hỗ trợ chút ít mang tính chất đối ứng” - ông Sơn nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC