Một di tích quốc gia hoang phế

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 22/08/2016 08:17

Muốn vào được cổng chính khu di tích lăng mộ Hiếu Chiêu hoàng hậu, chúng tôi phải vạch cây rừng theo một lối mòn dọc tường thành bên ngoài. Cửa sắt hoen gỉ và khóa chặt. Có lẽ đã rất lâu không có ai đến đây. Nhiều đoạn khuôn đúc trên tường thành và một cửa phụ đã bị đập phá. Đá gạch ngổn ngang…

Nhân dịp ông Tôn Thất Hiệp, một hậu duệ đời thứ 14 của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên về Quảng Nam, tôi cùng anh đã đi thắp hương cho các vị: thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, hoàng hậu Mạc Thị Giai và Hiếu Chiêu hoàng hậu (Bà chúa Tàm tang) ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Ngoài lăng mộ của hai vị đầu tiên nêu trên được con cháu dòng tộc Nguyễn Phước (chi 3 của tổ Nguyễn Phúc Kỳ) đang sinh sống tại Duy Xuyên chăm sóc chu đáo, còn lăng mộ Hiếu Chiêu hoàng hậu, hầu như hoang phế…

Ngày 2.8.2011, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định 2368 xếp hạng lăng mộ bà Hiếu Chiêu là di tích lịch sử quốc gia được bảo vệ. Sau đó, ngành văn hóa huyện Duy Xuyên đã tổ chức trùng tu, gắn bảng “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích” bên ngoài con đường dẫn vào thủy điện Duy Sơn 2. Cách bờ thành chính của di tích chừng 10 mét, gia tộc Đoàn đã huy động sự đóng góp (theo lời ông Hiệp) để xây dựng tường thành, cổng ngõ bao quanh.

Muốn vào được cổng chính khu di tích, chúng tôi phải vạch cây rừng theo một lối mòn dọc tường thành bên ngoài. Cửa sắt hoen gỉ và khóa chặt. Có lẽ đã rất lâu không có ai đến đây. Nhiều đoạn khuôn đúc trên tường thành và một cửa phụ đã bị đập phá. Đá gạch ngổn ngang. Cây cỏ mọc um tùm từ ngoài vào trong. Phân trâu, phân bò nằm bừa bãi khắp lăng mộ. Vài chậu kiểng đã hỏng, nghiêng ngả…

Ngoài tấm bảng “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích” bên ngoài như đã nói, bên trong lăng hầu như không có một tấm bia, dòng chữ nào (cả chữ Hán và chữ Việt) để khách tham quan và cư dân có thể biêt rõ về chốn tôn nghiêm, về nơi yên nghỉ của “cô gái hái dâu” nổi tiếng của lịch sử xứ Đàng Trong này: Hiếu Chiêu hoàng hậu! Người mà suốt gần 4 thế kỷ nay, người dân xứ Quảng hằng tôn kính vì đã giúp người dân phục hồi, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm Quảng Nam và đưa đặc sản này ra thế giới từ cảng thị Hội An nhiều thế kỷ trước.

Việc bảo vệ một di tích lịch sử cấp quốc gia đã được Luật Di sản quy định rõ. Ở nhiều huyện khác ở Quảng Nam, ngành văn hóa cấp huyện đã làm việc với các trường học, các cấp đoàn thanh niên trên địa bàn luân phiên đến chăm sóc và bảo vệ các di tích; đồng thời đưa học sinh các cấp đến tham quan, học tập trong các buổi ngoại khóa. Nhưng dường như ở Duy Xuyên, những việc ấy đã bị lãng quên. Nhân đây, xin nói thêm, hiện ở Hội An có một khu du lịch mang tên “Làng Lụa” cũng có thờ Bà chúa Tằm tang và định kỳ còn tổ chức các sự kiện giới thiệu tơ lụa Quảng Nam cho du khách khá bài bản. Tôi và anh Tôn Thất Hiệp cùng nghĩ: Nếu nhà đầu tư ở đây cùng tham gia với Duy Xuyên, mở thêm con đường vào lăng Hiếu Chiêu hoàng hậu, phục hồi các văn bia về bà thì có thể di tích lịch sử này (và đền thờ bà ở làng Đông Khương, Điện Bàn) có thể là các điểm tham quan có giá trị sống động cho du khách khi tìm hiểu lịch sử về nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và cả lịch sử của Quảng Nam, của xứ Đàng Trong.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG