Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ

21/08/2016 10:02

LTS: Ngày 24.8 tới, tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”. Nhân sự kiện này, Quảng Nam cuối tuần trích đăng một số ý kiến của các nhà nghiên cứu gửi đến hội thảo, ngõ hầu có cái nhìn sâu hơn về vùng đất lịch sử này.

Thương nhân Nhật Bản yết kiến thế tử của chúa Nguyễn tại Dinh trấn Thanh Chiêm vào thế kỷ XVII. Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013.
Thương nhân Nhật Bản yết kiến thế tử của chúa Nguyễn tại Dinh trấn Thanh Chiêm vào thế kỷ XVII. Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013.

Nguyễn Anh Huy: Quá trình hình thành dinh trấn Thanh Chiêm

Dựa vào bức thư do chính tay Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho Nhật Bản năm 1601 và các sử liệu, ta có thể dựng được quá trình hình thành Dinh trấn Thanh Chiêm ở Quảng Nam như sau:

- Năm 1570, do Nguyễn Bá Quýnh từ trấn thủ Quảng Nam được vua Lê triệu đến trấn thủ Nghệ An, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng từ chức vụ trấn thủ Thuận Hóa, được kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam “đeo ấn tổng trấn tướng quân”, nhưng ông chưa bao giờ vào Quảng Nam xem xét tình hình cuộc sống dân cư, mà chỉ “giao cho tùy tướng là Dũng Quận Công lưu thủ Quảng Nam để thu phục dân chúng”.

- Năm 1592, Đoan Quốc Công cùng Hầu tước Nguyễn Phúc Nguyên ra Đông Đô giúp vua Lê đánh nhà Mạc, có công, nên Hầu tước Nguyễn Phúc Nguyên được thăng một bậc thành Thụy Quận Công.

- Năm 1600, vua Lê trao chức Đô thống Nguyên soái, trấn thủ Quảng Nam cho Nguyễn Phúc Nguyên tại Đoan Môn. Sau khi nhận ấn tín, hai cha con Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên bỏ về Nam. Cũng trong năm này, để đi trước một bước giúp con mình, Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam xem xét tình hình và chọn nơi xây dựng kho tàng, chứa lương tiền... Đó là tiền thân của Dinh trấn Thanh Chiêm.

- Năm 1601, Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên chính thức vào trấn thủ Quảng Nam, đặt dinh quân đội, khu hành chính... ở nơi cha mình đã xây dựng, và phát triển thành Dinh trấn Thanh Chiêm...

Thy hảo Trương Duy Hy: Công đầu thuộc về Francisco de Pina

Francisco de Pina đặt chân đến Quảng Nam từ năm 1617, nhưng đến năm 1923 ông mới ổn định cư sở làm việc tại Thanh Chiêm, thủ phủ tỉnh Quảng Nam thời đó. Điều này, cho ta xác định việc ông được thụ phong linh mục cũng là vào thời điểm này, tức là năm 1623 như linh mục Đỗ Quang Chính nhận định. Nếu vậy, thì chính thời điểm này, Francisco de Pina mới có đủ điều kiện và thời gian hệ thống hóa, biên soạn lại những gì mà ông đã thu thập được trước đó để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ tại cư sở Thanh Chiêm và cũng tại Thanh Chiêm, Francisco de Pina viết bức thư gửi cho Cha bề trên ở Ma Cao Jéromino Rodriguez báo cáo việc ông đã biên soạn được một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và ông đang bắt tay viết về ngữ pháp... Dĩ nhiên, lá thư ấy chỉ được gửi đi theo con đường duy nhất là từ Hội An, theo các thương thuyền về Ma Cao, chứ không hẳn Francisco de Pina viết tại Hội An.

Theo nghiên cứu của Roland Jacques, cũng như một số nhà nghiên cứu khác, cho rằng: chính các vị giáo sư người Bồ Đào Nha hồi ấy trong Hội dòng Tên hoạt động sớm và tích cực có sự hỗ trợ của con chiên người Nhật và người Hoa tại Quảng Nam, nên trong giao thiệp, tiếng Bồ Đào Nha rất có ảnh hưởng đối với việc sáng tạo chữ Quốc ngữ (lúc ban đầu chưa tiếp xúc với giáo sĩ Pháp, chưa có sự liên hệ nào với chữ Latinh). Và trên thực tế, chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam hồi đó có nhiều chữ viết dùng theo chữ viết của Bồ, mà ta có thể nghiệm thấy rõ trong chứng minh của nhiều nhà nghiên cứu.

Sau ngày bị nạn tại biển Hội An (15.12.1625) tất cả công trình nghiên cứu chữ Quốc ngữ của Francisco de Pina, là những tài liệu được tập trung vào tay Alexandre de Rhodes, giúp cho Rhodes sử dụng cùng với những tài liệu của các giáo sĩ dòng Tên khác của thời đó viết nên Tự điển Annam - Lusitan - La Tinh năm 1651.

Vậy là đã quá rõ để ngày này chúng ta tôn vinh: “cái nôi” khai sinh ra chữ Quốc ngữ là thủ phủ Thanh Chiêm - tỉnh Quảng Nam và tôn vinh vị thủy tổ phát minh ra chữ Quốc ngữ là người Bồ Đào Nha có tên là: Francisco de Pina.

Có điều đặc biệt người viết bài này ghi nhận được giữa câu chuyện trao đổi với linh mục Roland Jacques trong một lần gặp gỡ, có đến mấy lần ông nhấn mạnh rằng: chữ Quốc ngữ của ta có được là nhờ công đầu tiên của giáo sĩ Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha sáng tạo, còn Alexandre de Rhodes có công bồi đắp, hoàn thiện - đó cũng là công đáng kể.

Fukuda Yasuo: Ảnh hưởng của người Nhật

Thực ra, Pina nhờ người Việt đọc chữ Hán và nói phát âm của nó để ghi phiên âm tiếng Việt. Tiếp theo, Pina nhờ người Nhật đọc chữ Hán để nghe ý nghĩa của nó bằng tiếng Latinh. Lúc đó, người Nhật không biết tiếng Bồ Đào Nha nên dịch sang tiếng Latinh. Pina hiểu được nghĩa của từ rồi viết (dịch) sang tiếng Bồ Đào Nha. Làm như vậy, các nhà truyền giáo người châu Âu mới hiểu được từ vựng tiếng Việt một cách chính xác. Chính vì thế, đằng sau lý do Pina trở thành người nói giỏi tiếng Việt đầu tiên trong các nhà truyền đạo Kitô (ở Đàng Trong) là có sự hỗ trợ của người Nhật. Nếu không có sự hỗ trợ người Nhật thì việc ký âm tiếng Việt bằng chữ Latinh sẽ ra đời muộn hơn so với thực tế đã diễn ra trong lịch sử.

Vậy tại sao Pina biết được chỗ cách trong danh từ 2 âm tiết? Theo tôi hiểu, ông đã dựa vào chữ Hán, và học hỏi cách phiên âm và ý nghĩa của từ. Hiểu rõ các từ rồi thì có thể quay lại cấu thành các từ để xác định rõ chỗ tách biệt giữa từ với từ. Công việc này chắc hẳn có sự tham gia của người Nhật. Vì người Nhật biết chữ Hán. Sau khi tách từ, ông dùng cách phiên âm tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Hoa, ký âm bằng chữ Latinh và dựa vào kiến thức hệ thống âm vần tiếng Trung Hoa để xác định được nguyên âm, phụ âm và thanh điệu của tiếng Việt. Như vậy, hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh sẽ hoàn thành. Lúc bây giờ, kiến thức phiên âm tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Hoa bằng chữ Latinh đã không xa lạ đối với các nhà truyền đạo Kitô.

Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận được việc người Nhật Bản có liên quan sâu sắc đến quá trình thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh.

Đinh Trọng Tuyên - Đinh Bá Truyền: Học viện Việt Ngữ học đầu tiên trên thế giới

Nhờ quan hệ tốt với thế tử Nguyễn Phúc Kỳ ở Dinh trấn Thanh Chiêm, nên Pina đã lập một trú sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5 năm 1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Residentia Dinh Ciam), trú sở quan trọng nhất tại Đàng Trong vì nó ở ngay cạnh dinh trấn Quảng Nam, thủ phủ thứ hai của xứ này do thế tử Nguyễn Phúc Kỳ đứng đầu. Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina vừa là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt vừa là giáo sư Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antônio de Pina Fontes và Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người mà sau này được thực dân Pháp tôn vinh, một cách có dụng ý, như là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Nói không ngoa, trú sở Thanh Chiêm là Học viện Việt ngữ học đầu tiên trên thế giới, mà Pina có tư cách là vị Giám đốc khai lập và Đắc Lộ là vị Giám đốc kế nhiệm.

Đối với công việc nghiên cứu tiếng Việt, đọc lại những lời của giáo sĩ Đắc Lộ, ta có thể thấy ông chưa bao giờ tự nhận mình là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ như những gì mà linh mục Léopold Cadière về sau xưng tụng. Tuy không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhưng Đắc Lộ lại là người có công trong việc biên tập, chỉnh lý, tu sửa một thứ chữ đang thời kỳ phôi thai. Công việc biên tập ấy không hề đơn giản chút nào, mà thực sự là công trình khoa học sáng chói của Đắc Lộ. Có thể, Đắc Lộ không giỏi chữ Quốc ngữ như các linh mục Pina, Amaral hay Barbosa, nhưng ông may mắn hơn các giáo sĩ khác là sách của ông đã được xuất bản và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Do đó, công lao của Đắc Lộ cũng đáng được tôn vinh, mặc dù ông không giữ địa vị công đầu.

Nguyễn Chí Trung: Dấu tích kiến trúc thủ phủ

Đơn vị/cấp hành chính Quảng Nam lúc đầu thành lập là đạo Thừa tuyên Quảng Nam, sau đổi thành xứ, trấn, dinh rồi trấn và cuối cùng là tỉnh Quảng Nam. Ở đây, theo chúng tôi lâu nay có sự nhầm lẫn giữa “dinh Quảng Nam” với “dinh trấn Quảng Nam”. Dinh Quảng Nam, chữ dinh này là cấp hành chính. Còn chữ dinh trong Dinh trấn Quảng Nam là thủ phủ, dinh thự, nơi quan trấn thủ làm việc. Phân biệt rõ điều này sẽ không có cụm từ “Dinh trấn Thanh Chiêm”. Bởi địa danh Thanh Chiêm là dinh (thủ phủ) của dinh/trấn/xứ Quảng Nam. Cho nên, nếu chúng ta dùng chữ dinh trấn thì là dinh trấn Quảng Nam (tức là dinh (thự/thủ phủ) của trấn/dinh Quảng Nam) chứ không có dinh trấn Thanh Chiêm.

Đối chiếu giữa các nguồn tư liệu thư tịch với kết quả điều tra khảo cổ học tại thôn Thanh Chiêm (của các chuyên gia Nhật Bản bằng phương pháp điều tra khai quật và điều tra bằng thiết bị địa thám để xác định quy mô, độ lớn, niên đại...) tại khu vực với các địa danh liên quan đến di tích ở thôn Thanh Chiêm hiện nay cho thấy: ngoài nhiều hiện vật gốm có niên đại thế kỷ XVI, XVII, XVIII, người ta còn phát hiện nhiều di vật, dấu vết kiến trúc, dấu vết hình rãnh có niên đại thuộc thế kỷ XVII, và dấu vết hố chôn cọc của một công trình lớn hồi thế kỷ XVIII, XIX. Do những điều này phù hợp với những ghi chép trong các bộ Quốc sử quán triều Nguyễn và sách, thư tịch của các sử gia, nhân sĩ đương thời nên có thể kết luận: Tại thôn Thanh Chiêm hiện nay, đã tìm thấy dấu tích kiến trúc thủ phủ của dinh Quảng Nam được chúa Nguyễn xây dựng vào năm 1602, tồn tại cho đến năm 1775 và dấu vết kiến trúc của Dinh trấn Quảng Nam được xây dựng từ năm 1804 đến năm 1824 vào thời Nguyễn.

Cái nôi hay dòng suối/sông chính cho sự ra đời chữ Quốc ngữ chính là ở dinh Quảng Nam, nơi có trung tâm, hạt nhân là đô thị thương cảng quốc tế Faifo - Hội An, gắn với Thanh Chiêm dinh phủ của dinh/trấn Quảng Nam, thứ đô của chính quyền chúa Nguyễn - Đàng Trong.