Dấu ấn khác biệt từ dinh trấn xưa

PH.HOÀNG (thực hiện) 20/08/2016 07:48

Điện Bàn là vùng đất địa chính trị từng được lịch sử chọn lựa, là nơi có những đóng góp đặc biệt để hình thành ngôn ngữ của dân tộc Việt. Để làm rõ hơn những nỗ lực của chính quyền trong bảo tồn các giá trị của Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn.

Đền thánh Phước Kiều. Ảnh: Phòng VHTT thị xã Điện Bàn cung cấp
Đền thánh Phước Kiều. Ảnh: Phòng VHTT thị xã Điện Bàn cung cấp

PV: Định hướng của Điện Bàn là bảo tồn và phát huy các giá trị để Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hóa mà góp phần thiết thực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông có thể cho biết cụ thể hơn một chút?

Ông Nguyễn Xuân Hà: Cùng nhiều hoạt động phối hợp để xúc tiến công nhận Dinh trấn Thanh Chiêm là Di tích cấp quốc gia gắn liền với tôn vinh nơi ra đời chữ Quốc ngữ; ngày 6.1.2016, UBND thị xã Điện Bàn đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung về Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Đây là kế hoạch trung hạn 2016-2020 với những nội dung cùng lộ trình thực hiện cụ thể như: Tiếp tục phối hợp để đề nghị cho phép và tổ chức khai quật khảo cổ tại Thanh Chiêm; Xây dựng mô hình toàn cảnh dinh trấn; Lựa chọn các địa điểm theo dấu tích khảo cổ học để phục dựng một số mô hình trong di tích; Tổ chức thiết kế, xây dựng Tượng đài chữ Quốc ngữ; Tổ chức quảng bá, tuyên truyền và triển khai các hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích Dinh trấn Thanh Chiêm, chữ Quốc ngữ; Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch…

Hẳn nhiên, không phải đến năm 2016 này Điện Bàn mới chú trọng đến vấn đề Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Từ những năm đầu sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trong bộn bề gian khó, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã quan tâm sâu sắc đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất văn vật này. Bảo tàng Điện Bàn được khởi công xây dựng vào năm 1978 với nhiều hiện vật, hình ảnh quý, trong đó có Dinh trấn Thanh Chiêm. Liên tiếp nhiều năm sau đó, Điện Bàn đã có nhiều hoạt động để quản lý cũng như khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, sưu tầm về dinh trấn. Có thể kể đến là những đợt khảo cứu dài ngày,  trong nhiều năm với chuyên môn cao  như các đợt điền dã, khảo sát của GS.Trần Quốc Vượng, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân… Hay các đợt khai quật khảo cổ học của GS. Kikuchi Seiichi và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội… Năm 2002, Điện Bàn đã phối hợp với Sở VH-TT tổ chức Hội thảo “400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm”; Trong Hành trình di sản tỉnh Quảng Nam năm 2007, Điện Bàn đã tổ chức thành công “Ngày hội 405 năm Dinh trấn Thanh Chiêm” với nhiều hoạt động tái hiện một thời dinh trấn xưa ngay tại vùng đất lịch sử này…

PV: Những nỗ lực của Điện Bàn đã góp phần để UBND tỉnh công nhận Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm là di tích cấp tỉnh vào năm 2008. Và sau đó, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hà: Ngay sau đó, Điện Bàn đã khoanh vùng cắm mốc, dành hơn 8.000m2 đất trong khu vực dinh trấn xưa để làm không gian thực hiện các chuỗi hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời Điện Bàn cũng tăng cường công tác sưu tầm, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bổ sung những tư liệu quý. Trong Bảo tàng Điện Bàn hiện nay cũng dành một khoảng không gian trưng bày về Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ.

Việc đăng cai tổ chức Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” trong tháng 8 này  là một khởi động rất có ý nghĩa để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất này. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng, Dinh trấn Thanh Chiêm xưa tọa lạc trên vùng đất khác, nhưng với những cứ liệu đã có, với những vết tích trên vùng đất Thanh Chiêm lịch sử như: Đền thánh Phước Kiều và những ngôi mộ cổ, nền móng chùa Long Hưng, cống tròn thành hào Dinh trấn, bến Vạn Đông, chợ Củi, Gò Xử, nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi… việc khẳng định, Dinh trấn Thanh Chiêm xưa đang nằm trên chính vùng đất Thanh Chiêm, Điện Phương, Điện Bàn hôm nay là hoàn toàn có cơ sở!

PV: Để sự khẳng định này không phải là duy ý chí của một cá nhân hay tổ chức nào, đồng thời đáp ứng một cách khoa học, giải tỏa những giả thiết nghi ngờ, trong thời gian sớm nhất, Điện Bàn sẽ làm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hà: Chúng tôi rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để tiếp tục có những hoạt động khảo cổ học một cách toàn diện hơn về sự tồn tại của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm trên vùng đất này. Đây cũng chính là “chìa khóa” để Điện Bàn xúc tiến các nội dung trong công tác tôn vinh chữ Quốc ngữ gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Việc tiếp tục phối hợp với các đơn vị ngành chuyên môn đề nghị công nhận Dinh trấn Thanh Chiêm là di tích cấp quốc gia là xứng tầm với vai trò, vị trí của dinh trấn trong lịch sử.

PV: Thưa ông, về sự liên quan, gắn kết giữa Dinh trấn Thanh Chiêm và nơi ra đời, hình thành chữ Quốc ngữ, quan điểm của chính quyền Điện Bàn như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Hà: Việc tôn vinh chữ Quốc ngữ là việc không chỉ riêng ai, nhưng với Điện Bàn, nơi tọa lạc Dinh trấn Thanh Chiêm thì công tác này không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là trọng trách của những nhà quản lý, của toàn thể nhân dân Điện Bàn đối với truyền thống văn hóa – lịch sử của quê hương!

Hơn nữa, việc xúc tiến các hoạt động như thiết kế, xây dựng tượng đài chữ Quốc ngữ, tổ chức ngày hội chữ Quốc ngữ… là chủ đích hướng đến sự tôn vinh, nâng cao giá trị Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, đối với Thanh Chiêm là vùng đất của  nghề, nơi có làng đúc đồng Phước Kiều truyền thống, có bánh tráng, mì Quảng Phú Chiêm, có những cơ sở gốm đất nung, chạm khắc gỗ… đang phát triển thì các bộ chữ Quốc ngữ cũng chính là một gợi ý cho cảm hứng sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân.

Điện Bàn hôm nay đang trên bước đầu của quá trình đô thị hóa. Khu vực Thanh Chiêm - Điện Phương cũng nằm trong lộ trình quy hoạch thành đô thị. Tuy nhiên, đây là khu đô thị sinh thái văn hóa lịch sử, định hướng này đã được đề cập rõ trong quy hoạch ngành về phát triển du lịch tại xã Điện Phương. Định hướng gắn kết công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử với phát triển du lịch đang là lợi thế, tiềm năng của Thanh Chiêm. Trong lịch sử, trục văn hóa Hội An - Thanh Chiêm đã mở ra một thời phồn thịnh cho khu vực từ dinh trấn đến cảng thị Hội An. Trong xu hướng phát triển hiện nay, Thanh Chiêm chính là vùng du lịch hấp dẫn, mang dấu ấn khác biệt và là điểm kết nối lý tưởng trên con đường di sản thế giới Hội An - Mỹ Sơn.

Với tất cả tinh thần, ý nghĩa đó, Điện Bàn quyết tâm thực hiện các chuỗi hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị  Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Trong thời gian đến, Điện Bàn sẽ tập trung huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là tổ chức thực hiện một cách khoa học, không làm sai lệch, biến dạng các giá trị văn hóa - lịch sử.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

PH.HOÀNG (thực hiện)

PH.HOÀNG (thực hiện)