Bỏ đâm trâu trong lễ hội truyền thống
Lần đầu tiên, đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng (huyện Tây Giang) đã đồng thuận chấp nhận bỏ nghi thức đâm trâu trong ngày hội truyền thống, tại lễ đón nhận xã nông thôn mới (NTM) vừa được tổ chức vào ngày 29.7.
Bỏ dần nghi thức đâm trâu hoàn toàn phù hợp đời sống mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Người dân đồng thuận
Khác với nhiều địa phương miền núi, ngày lễ đón nhận đạt chuẩn NTM của đồng bào xã Lăng không có nghi thức đâm trâu trong ngày hội truyền thống của dân làng. Một tín hiệu vui cho cuộc vận động thực hiện việc xóa dần nghi thức đâm trâu được cho là có yếu tố dã man trước đó của đồng bào vùng cao. Đây cũng được xem là kết quả xứng đáng sau quá trình làm công tác dân vận của các cấp chính quyền địa phương, khi được người dân đồng thuận, chấp nhận với sự đổi mới lần đầu tiên này.
Già làng C’lâu Nâm (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) là người có uy tín của xã Lăng chia sẻ, đa số người dân địa phương đều đồng thuận với chủ trương bỏ đâm trâu trong lễ hội truyền thống của đồng bào. Bởi xét theo xu thế đời sống mới, việc đâm trâu không còn được xem là phù hợp với truyền thống hiện tại, nên cần phải bỏ đi. Ở một góc nhìn khác, già Nâm nhận định mặc dù không có nghi thức đâm trâu nhưng tất cả các nghi lễ, nghi thức truyền thống khác đều vẫn được giữ nguyên trạng. Do vậy, văn hóa của đồng bào sẽ không bị mất đi, mà chỉ loại bỏ dần những nghi thức rườm rà, không cần thiết. Thực tế, ở nhiều địa phương miền núi khác như các tỉnh Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đã bỏ dần nghi thức đâm trâu trong lễ hội của dân làng. “Việc bỏ đâm trâu cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương vận động của chính quyền địa phương trong xu thế hiện nay. Nhưng dù sao, cũng cần có thời gian để tiếp tục vận động, tuyên truyền đồng bào chấp thuận bỏ hẳn đâm trâu trong thời gian tới” - già Nâm trải lòng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh): Nên chỉ đâm nhát tượng trưng “Có rất nhiều ý kiến bàn việc nên hay không nên tồn tại nghi thức đâm trâu của đồng bào vùng cao; việc đâm trâu có dã man hay không dã man…, tất cả đều là ý kiến quan điểm của từng người, từng cá nhân. Nhưng trên thực tế, việc đâm trâu đã đi sâu vào trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từ nhiều năm, là phần không thể thiếu trong lễ hội truyền thống của đồng bào. Do vậy, bỏ hay không phải cần đến sự đồng thuận của chính các già làng và cộng đồng vùng cao. Vì thế, tôi cho rằng, trong các dịp lễ hội truyền thống thay vì đâm trâu như trước đây, cần chỉ cử một đại diện của làng đâm một nhát tượng trưng, sau đó mang trâu đi làm thịt phục vụ trong phần hội của dân làng. Tất nhiên, các nghi lễ truyền thống vẫn sẽ giữ nguyên vẹn theo đúng tập quán của đồng bào vùng cao. Ngoài ra, cũng nên đổi cách gọi lễ hội đâm trâu thành lễ hội ăn trâu”. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Xuân Tịnh: Phù hợp với tiến trình hội nhập “Nếu lãnh đạo huyện Tây Giang vận động đồng bào loại bỏ dần nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống thì rất hay. Bởi việc này hoàn toàn phù hợp với tiến trình hội nhập, bỏ bớt được một số nghi lễ không cần thiết. Trong lễ hội cũng bớt đi tính “dữ dội”, nhưng vẫn đảm bảo và giữ được các tập quán vốn có của đồng bào. Bởi văn hóa có thể thay đổi nhưng không bao giờ bất biến. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều lễ hội dã man đã tạo nên dư luận trái chiều, do vậy nếu Tây Giang bỏ dần nghi thức đâm trâu trong đời sống của đồng bào thì tôi cho rằng việc làm rất tốt, rất đáng hoan nghênh”. |
Ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, theo truyền thống của đồng bào Cơ Tu, việc đâm trâu được thực hiện như một dịp ăn mừng sau chiến công của dân làng, hoặc chỉ xuất hiện trong lễ cưới, lễ kết nghĩa anh em (pr’ngoóch gương yên)… Vì thế, phần đâm trâu được xem vừa tái hiện sự dũng mãnh của các trai làng, vừa tạo không gian vui chơi, giải trí cho cộng đồng. Tuy nhiên, do trâu là loài gắn với công việc đồng áng, gần gũi với cuộc sống của người dân nên sau khi đâm chết, đầu trâu được đồng bào Cơ Tu đặt ngay cột x’nur (cây nêu), rồi thực hiện nghi thức “khóc trâu” hàm ý tiễn đưa linh hồn trâu về bên kia thế giới. Ông Bưng nói: “Trong các dịp lễ hội truyền thống của người Cơ Tu bao giờ cũng có phần đâm trâu. Việc này được đồng bào xem như một nét văn hóa truyền thống lâu đời”. Ông Bừng cũng cho rằng, để vận động được đồng bào chấp nhận bỏ nghi thức vốn được cho là truyền thống, thật không dễ dàng. Vì thế, câu chuyện dù chỉ đang “thí điểm” nhưng cũng đã thể hiện được chủ trương “hợp lòng dân” của chính quyền huyện Tây Giang.
Phù hợp với chủ trương
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, việc đồng bào Cơ Tu địa phương đồng ý với chủ trương không thực hiện nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống là một tín hiệu lạc quan để hướng đến loại bỏ dần một số nghi thức không còn phù hợp, trong đó có đâm trâu. Tại lễ công bố xã đạt chuẩn NTM diễn ra vào cuối tuần qua, thay vì đâm trâu như mọi năm, đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng chỉ xẻ thịt bình thường và thực hiện các nghi lễ cúng thần linh theo tập tục truyền thống.“Lâu nay, việc đâm trâu luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phần là do quá dã man, phần khác rất nguy hiểm khi có đông người dân chứng kiến. Cũng đã có vài vụ người dân bị trâu tấn công do đứt dây buộc trong khi tổ chức lễ, thậm chí cây giáo bị văng khỏi tay người đâm. Do vậy, chủ trương vận động đồng bào loại bỏ dần nghi thức đâm trâu hoàn toàn phù hợp với thực tế” - ông Blúi nhấn mạnh.
Năm ngoái, trong một cuộc hội thảo được tổ chức tại huyện Đông Giang, Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc đặt câu hỏi nên bỏ hay giữ lại nghi thức đâm trâu tại các lễ hội truyền thống của đồng bào vùng cao. Đồng thời nêu ý kiến quan điểm của địa phương là nên loại bỏ dần nghi thức đâm trâu. Ông Liếc lý giải, việc đâm trâu trước đông người trong một dịp lễ hội mang tính ý nghĩa về mặt truyền thống là rất không nên, thậm chí gây phản cảm. Đó là chưa nói đến mức độ nguy hiểm có thể xảy ra từ việc đâm trâu. “Thay vì đâm trâu, sau lễ hội chúng ta có thể đem trâu đi mổ thịt ở nơi khác, sau đó vẫn thực hiện các nghi thức cúng bái truyền thống, vừa văn minh lại không gây phản cảm” - ông Liếc chia sẻ. Cũng mới đây, tại cuộc họp bàn giữa lãnh đạo huyện Tây Giang và các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng Cơ Tu, có rất nhiều già làng đồng ý với chủ trương loại bỏ nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống của đồng bào. Nhiều ý kiến còn đề xuất, trong đám cưới có đâm trâu hoặc bò, thay vì giết ăn như mọi khi, nên chỉ lấy ít máu tươi để cúng theo tục, sau đó trả nguyên con cho vợ chồng trẻ để họ có vốn làm ăn.
ALĂNG NGƯỚC