Hành trình với đất nung

V.LỘC - K.THOA 28/07/2016 08:39

Với 3 thành phần chủ đạo “đất, nước, lửa”, qua đôi tay tài hoa của nghệ nhân đã biến những vật vô tri, vô giác trở nên có hồn.

Từ công viên đất nung Thanh Hà…

Chính thức mở cửa ngày 30.4.2015, Công viên Đất nung Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, Thanh Hà, Hội An) được xem là nơi hội tụ những trường phái về gốm của Việt Nam. Trên diện tích khoảng 6.000m2 là hai khối nhà vuông, nhà cong cao 3 tầng tượng trưng cho 2 lò úp, mở, mang ý nghĩa ấp ủ, nuôi dưỡng các giá trị truyền thống làng nghề.  Công viên Đất nung Thanh Hà được đánh giá là công viên gốm lớn nhất, đồng thời cũng là Bảo tàng gốm “độc” nhất Việt Nam. Không gian công viên được thiết kế gồm 9 khu riêng biệt: khu lò gốm, khu bảo tàng làng nghề, khu sản phẩm làng, khu chợ đất nung, khu thế giới thu nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh - Chăm, khu các làng nghề truyền thống và khu triển lãm. Tại khối nhà vuông, bên trong là nơi trưng bày những sản phẩm đặc trưng của các làng gốm Việt Nam như Phù Lãng (Bắc Ninh), Lư Cấm (Khánh Hòa), Vĩnh Long, Bàu Trúc (Ninh Thuận). Đó còn là vũ điệu gốm trong những hũ, niêu, sạp, đèn lồng; những mộ chum, lu, lọ; những tượng người đăm chiêu, những hình nhân kỳ quái để tạo nên một không gian đầy ngẫu hứng trong những gian phòng của 2 khối nhà.

Công viên Đất nung Thanh Hà, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật bằng gồm. Ảnh: V.LỘC
Công viên Đất nung Thanh Hà, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật bằng gồm. Ảnh: V.LỘC

Ấn tượng nhất của khách khi đến Công viên Đất nung là không gian thu nhỏ của những kỳ quan thế giới. Tại đây, du khách như lạc vào thế giới của những kiệt tác văn hóa nhân loại, từ tháp nghiêng Pisa (Ý), đền Taj Mahal (Ấn Độ), nhà hát Sydney (Úc), Nhà trắng (White House, Mỹ), Kim tự tháp (Ai Cập), Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), Quảng trường Thánh Peter (Vatican) đến Tử cấm thành (Trung Quốc), Đô thị cổ Hội An, Kinh thành Huế, Khu di tích Mỹ Sơn, Nhà thờ Đức Bà (TP.Hồ Chí Minh)… Ý tưởng xây dựng Công viên Đất nung Thanh Hà ra đời từ chàng kiến trúc sư trẻ Nguyễn Văn Nguyên, người vẫn luôn ấp ủ mơ ước nối nghiệp tổ tiên. Niềm đam mê với đất đã thôi thúc chàng trai quay về làng sau những năm theo học và lập nghiệp tại miền Nam. Kết quả của sự kiên trì, tâm huyết và tài năng là một không gian với những câu chuyện kể bằng hình ảnh từ gốm ra đời như mạch nguồn kết nối với chiều dài 500 năm của làng nghề. Có thể nói, sự ra đời của Công viên Đất nung đã đưa làng gốm Thanh Hà đến gần hơn với du khách. Du khách không chỉ đến để chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn hiểu hơn về những giá trị văn hóa làng nghề.

Ngôi nhà gạch độc đáo của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Ảnh: K.THOA
Ngôi nhà gạch độc đáo của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Ảnh: K.THOA

… đến ngôi nhà gạch của nghệ nhân Lê Đức Hạ

Mọi cuộc gặp gỡ đều có cơ duyên, có lẽ vì thế mà niềm đam mê từ đất luôn làm vương vấn những ai yêu mến nó để rồi dựng xây nên những công trình kỳ lạ. Và, ngôi nhà gạch của nghệ nhân Lê Đức Hạ (làng Đông Khương, xã Điện Phương, Điện Bàn) là một trong những công trình như vậy. Lâu nay, Lê Đức Hạ vẫn được biết đến là nghệ nhân tài hoa “thổi hồn cho đất”. Cuộc đời ông là những chuyến rong ruổi bất tận với “đất, nước, lửa” để tạo nên thương hiệu đất nung mỹ nghệ nổi tiếng trong và ngoài nước. Hàng chục năm trời gắn bó với nghề, ông không nhớ mình đã tạo ra bao nhiêu sản phẩm gốm. Tuy nhiên, trong ông lúc nào cũng hiện hữu một niềm đam mê gốm bất tận. Vì vậy mà việc tìm cho mình một chốn riêng để được sống trọn vẹn với đam mê vẫn là niềm đau đáu, để rồi hôm nay ai đến cũng phải ngỡ ngàng trước căn nhà gạch độc đáo nằm bên dòng sông Thu. Sự kỳ lạ của ngôi nhà đã khiến tạp chí kiến trúc danh tiếng của Mỹ - Archdaily cũng bày tỏ sự thán phục, vinh danh như một công trình có lối kiến trúc độc đáo và thú vị.

Được khởi công xây dựng từ đầu năm 2016, nghệ nhân Lê Đức Hạ và những người thợ thực hiện đã phải mất hơn nửa năm mới hoàn thành công trình này. Để dựng ngôi nhà, người thợ phải làm rất tỉ mỉ, thậm chí có người một ngày chỉ xây được 1m2 tường. Chính sự kỳ công này mà ngôi nhà càng trở nên kỳ lạ. Điểm độc đáo của ngôi nhà là gạch được xây cách viên, tạo nên các lỗ thông gió đều đặn, giúp đón ánh mặt trời từ bên ngoài cũng như những làn gió mát rượi từ dòng sông ngay trước mặt nhà. Và, trong không gian này, tâm hồn nghệ nhân thỏa sức suy tưởng, khối óc và đôi tay được mặc sức sáng tạo. Một không gian làng quê nguyên sơ giúp nghệ nhân Lê Đức Hạ tìm lại những cảm xúc tuổi thơ, nơi đam mê bắt đầu cho một cuộc hành trình bất tận.

Không gian bên trong ngôi nhà cũng được phân chia khoa học gồm 3 tầng, tất cả đều có khung gỗ bao quanh. Trong đó,  tầng 1 được dùng làm nơi sáng tác. Không gian tầng 2 và tầng 3 dùng để trưng bày tác phẩm đất nung của gia chủ. Căn nhà gạch đã thật sự là nơi để nghệ nhân Lê Đức Hạ thỏa mãn những đam mê của mình. Trong không gian ấy, nghệ nhân này được sống cùng tác phẩm, trò chuyện cùng tác phẩm và trò chuyện với chính bóng đổ của mình. Thêm một điều độc đáo, tất cả tác phẩm đất nung trưng bày ở đây đều là độc bản, chưa từng xuất hiện trên thị trường. Và nghệ nhân Lê Đức Hạ cũng không có ý định bán đi chúng, mà muốn giữ lại để lấp đầy cho không gian ngôi nhà như để lưu giữ lại chính cảm xúc trong con người ông.

V.LỘC - K.THOA

V.LỘC - K.THOA