Xóm "buồn tàn thu"
Về thăm quê, cũng là dịp để tôi được ngồi bên mẹ, nghe bà kể chuyện xưa, chuyện đời, chuyện quê nhà quê kiểng. Mẹ đã ngoài tám mươi, đã yếu đi nhiều, nhưng những câu chuyện đời mẹ cứ tưởng như mới rợi đối với bà. Mỗi lần thế, tôi lại được hiểu thêm về quê xứ mình, về cuộc đời gian khó sớm nắng chiều mưa, về nỗi gian truân mất mát, hy sinh mẹ từng đã trải qua để nuôi bầy con nheo nhóc chúng tôi từ khi còn loi lói cho đến tuổi trưởng thành.
Buổi chiều tàn, ngồi bên mẹ trước mái hiên nhà, nhìn những sợi nắng vàng hắt xiên qua của sổ, tôi liên tưởng đến cái tuổi xế chiều của mẹ mà trong lòng nghe rung lên nỗi xốn xang về cuộc chia ly định sẵn của một kiếp người. Mẹ thì khác. Mẹ không kể chuyện như những lần tôi về trước đây nữa. Tay hí hoáy ống trầu, mắt xa xăm về một phương trời xa lắc. Mẹ nói: “Con lâu lâu mới về nhà. Con có biết xóm mình răng không?”. Tôi hỏi: “ Răng mẹ?”. “Xóm mình là xóm bà giá con à! Con đi xa không để ý đó thôi. Mấy chục năm ni từ đầu đàng kiệt ra tới bến sông, tính cả mẹ là mười ba bà góa phụ không chồng đó con!”.
Xóm đầu nguồn. |
Nghe câu mẹ nói, tôi bỗng giật mình và tự trách mình sao còn quá hời hợt. Té ra triền miên trong mẹ tôi và những người đàn bà kia là một nỗi ám ảnh về sự cô độc góa bụa, một nỗi đau dai dẳng suốt nhiều chục năm nay, suốt thân phận một đời người. Té ra, dù chiến tranh đã lùi rất xa về miền quá khứ, mỗi ngày đi qua đằng sau miếng cơm manh áo thêm lành lặn kia, cuộc sống bình yên đầy đủ, xóm làng đông vui tràn trề hạnh phúc kia vẫn cứ âm ỉ một nỗi nhức nhối khôn nguôi trong lòng những người đàn bà như mẹ tôi: những góa phụ.
Tôi lần ra từ những gia đình quanh xóm, quả y như lời mẹ nói. Dọc con đường vào xóm, chưa đến vài mươi nóc nhà mà đã có mười ba người đàn bà phải chịu cảnh sống cô độc từ thời xuân sắc cho đến tuổi xế chiều. Họ đã ở vậy nuôi con, thờ chồng ngần ấy năm trong cái đói rét, khốn khó của kiếp người. Chống chọi vật vã với áo cơm, với thị phi thế gian và cả đôi khi “người gieo tiếng dữ…”. Cả làng ai cũng chạnh lòng mỗi khi kể về gia cảnh của từng người: bà Sáu Vọng, bà Năm Phi, bà Hai Đáo, thím Chín Lịch, thím Chín Cắt, bà Tảo, bác Bảy Khẳn…
Tôi như in trong ký ức tuổi thơ mình, vào một buổi chiều năm 1967-1968, lúc tôi khoảng mười một mười hai tuổi. Người ta khiêng xác ông Khại về trên chiếc võng dù loang lổ vết máu đã khô. Ông chết vì vấp phải trái mìn khi đang đánh trâu vào đồng Dợi để cày ruộng. Từ đó, bà Sáu Vọng ở tuổi ba sáu một nách năm đứa con nhỏ tần tảo nuôi nhau cho đến ngày giải phóng. Thằng Phước con lớn của bà tuổi với tôi, chăn trâu cắt cỏ một thời. Những đứa trẻ làng tôi lớn lên cùng bom đạn, khốn khó để trưởng thành.
Bên nhà tôi, chú Năm Điền thoát ly đi kháng chiến và hy sinh trong một trận công đồn ở cầu Bình Long, Điện Bàn từ năm 1969 đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Thím Chín Cắt một mình nuôi ba đứa trẻ mồ côi. Thân góa phụ tha phương cầu thực, ra Đà Nẵng mấy năm rồi bà cũng đưa lũ con về quê sống cùng xóm giềng cho đến bây chừ. Con cái trưởng thành là vui, nhưng đau đáu trong trái tim người đàn bà ấy là những hồi ức về người chồng và nỗi mất mát không thể bù đắp.
Ngày giải phóng Thượng Đức quê tôi, trận đánh khốc liệt suốt mười ngày đêm ấy, riêng xóm tôi đã có gần mười người đàn bà thành góa bụa. Chiến tranh luôn nghiệt ngã. Cha tôi và những người đàn ông khác, có thể bên này hoặc bên kia, nhưng đều là những người chồng tốt, hoàn cảnh chia ly đều mang những vết thương giống nhau, đau đớn giống nhau. Để rồi thời gian trôi đi, những người đàn bà còn xuân sắc thuở ấy âm ỉ giấc mơ về người đàn ông của họ một thời. Họ nhớ về buổi sáng tinh mơ ngày nào, người đàn ông cơm gói mo cau, ống bương nước chè theo những chiếc che nan ngược sóng Vu Gia lên tận miệt nguồn đốn củi, đẵn cây rừng vài ba ngày “dợi” về xuôi đổi gạo nuôi vợ con. Những người đàn ông ấy, ngày mùa tất bật lo toan trên đồng ruộng quê nhà để sáng sáng chiều chiều chồng cày vợ cấy cho mảnh ruộng quê nhà vàng ươm lúa chín, ấm áp ngọn đèn dầu bữa cơm chiều. Những người đàn ông ấy giữa bao mùa nước lũ ngập tràn đồng bãi, chiếc ghe nan thả lưới giăng câu, vớt củi nguồn, cánh tay săn chắc cất gọng vó giữa mông mênh nước tràn, bắt con cá tràu, cá gáy, cá rô đồng để bày biện niềm vui mộc mạc với vợ con. Những người đàn ông một thời là tấm lá chắn che chở gia đình đi qua năm tháng trong lửa đạn chiến tranh: Đào lấy chiếc hầm kèo trong nhà làm nơi trú ẩn cho vợ con mỗi khi bom trên đạn dưới; tấm lưng người cha đèo níu con thơ trên đường đi những khi tản cư lánh nạn… Và trong ký ức người đàn bà góa bụa bây giờ vẫn còn chạm khắc nỗi khắc khoải trông ngóng một lần, sau bữa cơm chiều với cá đồng kho lấm, người đàn ông của họ ra đi và mãi mãi không về!
Và chiều nay, ngồi bên người mẹ già tuổi đã ngoài tám mươi. Chiều nay không có những câu chuyện về câu hát xưa đời mẹ, không có những ký ức làng quê như cổ tích chươm bổi một thời mà mẹ chỉ nói về hoàn cảnh góa bụa của những người đàn bà như mẹ, bà đã thố lộ cho con trai hiểu về một vết đau dai dẳng trầm kha giấu kín của đời mình. Bên hàng xóm, máy hát nhà ai vang lên vô tình ca khúc “Buồn tàn thu” của Văn Cao: “Ai lướt đi ngoài sương gió/ không dừng chân đến em bẽ bàng/ Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước chân chàng./ Từ từ xa đường vắng/ Trông mùa thu chết/ nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng…”. Mẹ tôi đã lảng tai lâu rồi, chắc không nghe được những câu hát ấy. Nhưng tôi biết trong tâm tư của bà và cả những góa phụ của xóm tôi nữa vẫn đầy ắp tâm trạng của “buồn tàn thu”. Ai đó đã từng nói, vết rách của y phục ta có thể vá lại lành, nhưng những vết xước từ trái tim, tốt nhất nên để nó tự lành. Chẳng biết vết xước từ trái tim của những người phụ nữ ấy mấy chục năm nay đã lành lại chút nào chưa?
Đất nước của sự tích người đàn bà hóa đá đợi chồng, làng quê của nhiều năm trường trận mạc, quê xứ của những điệu lý thương nhau, hòn vọng phu… thì hoàn cảnh cô độc của những góa phụ như ở xóm tôi đâu phải hiếm! Chiều nghiêng. Trong tôi còn lại niềm thương mẹ, thương quê. Tâm tư ngổn ngang nỗi trở trăn đồng cảm với mẹ già: “Gập ghềnh con đường/ Đêm mỏi trăng gầy/ Chông chênh liêu xiêu cánh vạc/ Mẹ quạnh quẽ đời quê lá vàng xao xác/ Bến thời gian trắng phau màu thu…”.
Và màu thu ấy, màu thu với những nỗi buồn. Nỗi buồn của mẹ, của xóm “buồn tàn thu”.
NGUYỄN HẢI TRIỀU