Móc túi dân nghèo

PHAN VĂN MINH 17/07/2016 09:40

Tại sao người nghèo lại thường dễ bị móc túi? Có nhiều yếu tố nhưng trong đó có một điều quan trọng ít được chú ý, đó là người dân ít khi được hướng dẫn, tư vấn về các chính sách của nhà nước hoặc được “cảnh báo sớm” về các chiêu trò lừa đảo của bọn bất lương.

Một chị bán rau ở khu chợ chồm hổm nơi ngã ba đầu làng tôi có con vừa đỗ vào đại học. Một ngày mừng vui tưng bừng kéo theo nỗi lo bốn năm ròng rã. Không kể tiền học phí ắt là mỗi học kỳ phải bán một thứ gì đó giá trị, như một lứa heo chẳng hạn, chỉ riêng tiền ăn tiền trọ thằng con chị có tằn tiện kiểu nhà nghèo mỗi tháng cũng tốn ít nhất 1,5 triệu đồng. Trong khi gánh hàng rau của chị lâu nay chỉ đủ chi tiêu hàng ngày trong nhà.

Tín dụng đen

Chị đang vắt óc tính toán vẫn chưa biết dựa vào đâu thì bỗng dưng có “quý nhơn” phò trợ. Một quý bà ăn mặc ra dáng mệnh phụ không rõ từ đâu tìm đến tận nơi, giọng nói từ tốn dịu dàng một “mô phật” hai “mô phật”, vừa chúc mừng nhà chị có phúc vừa hứa cho chị mượn tiền đều đặn hàng tháng với định mức 1,5 triệu đồng trả góp mỗi ngày 50 ngàn đồng. “Nhà từ thiện” chỉ thu thêm 10 ngàn đồng bù vào tiền đi lại hàng ngày. Vị chi mỗi ngày chị hàng rau chỉ trả 60 ngàn, đến cuối tháng hết nợ cũ lại được nhận tiếp 1,5 triệu đồng khác, khỏe re! Chị nhẩm tính mức này thì chị có thể kham nổi bằng cách “thắt lưng buộc bụng” cả nhà. Chị rối rít cảm ơn và đem chuyện khoe với cả làng. Vậy là kể từ  hôm đó, không chỉ mấy chị tiểu thương ở chợ mà cả giới lao động nghèo khó quanh vùng ngày càng có thêm nhiều người tìm đến “nhà từ thiện” để mượn tiền và hầu hết đều được đáp ứng. Người ta kháo nhau quý bà kia chắc là… người nhà trời xuống ban phúc cho dân lành. Tết đến nhiều người còn đem quà cáp đến nhà biếu xén tỏ lòng tri ân.

Hình minh họa. (Nguồn: Internet)
Hình minh họa. (Nguồn: Internet)

Thực ra nếu chịu khó một chút thì sẽ tính ra ngay mức lãi suất mà “nhà hảo tâm” đã thu trên mồ hôi và sự “thật thà” của những người dân nghèo. Một ngày phải trả “tiền đi lại” 10 ngàn, tức mỗi tháng 300 ngàn, thực chất đó là tiền lãi với lãi suất 20%. Nhưng người vay phải trả góp từ đầu tới cuối tháng nên tính trung bình, thời gian thực sự vay 1,5 triệu chỉ là nửa tháng. Như vậy lãi suất tính theo tháng phải là 40%, nghĩa là cao hơn mức lãi của các ngân hàng chính sách hiện nay từ 80 - 100 lần. Kinh khủng! Đó là mức lãi vay cắt cổ mà cả thời phong kiến cũng chưa từng có.

“Nhà hảo tâm” nêu trên chỉ là một trong vô số những bọn “móc túi nhà nghèo” bằng hình thức tín dụng đen. Hiện nay ở nhiều tỉnh thành phía nam như Cà Mau, An Giang, Tây Ninh, Sài Gòn…, hoạt động này đang nở rộ dưới các hình thức thế chấp như sổ đỏ, giấy tờ nhà cửa, xe cộ, thậm chí chỉ cần một thẻ CMND kèm theo… tính mạng làm vật tín chấp. Người vay hầu hết là nông dân, thợ thủ công, tiểu thương… đang cần tiền gấp để nuôi con ăn học hoặc chữa bệnh, cho nên cứ thấy điều kiện đơn giản là nhắm mắt vay đại. Đến khi lãi mẹ đẻ lãi con mà mức thu nhập không kham nổi thì phải chịu bị xiết nợ trắng tay, còn không thì “ăn”… dao găm, mã tấu. Bọn cho vay “tín dụng đen” hầu hết cũng là dân “xã hội đen” nên việc “xộ khám” chúng chỉ coi như “cảm xoàng”. Dân nghèo đi vay thường không biết và không dám thưa kiện mỗi khi gặp sự cố. Hơn nữa, luật pháp nước ta hiện nay cũng khá “nhẹ tay” đối với loại tội phạm này. Theo điều 476 Luật dân sự và điều 163 Luật hình sự, chỉ khi nào tiền lãi cao hơn 10 lần mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng Nhà nước cho phép thì hoạt động cho vay mới cấu thành tội phạm, và mức phạt cũng chỉ là  phạt tiền 1- 10 lần số tiền lãi hoặc cải tạo không giam giữ 1 năm. Liệu như thế có đủ răn đe?

Ăn tạp!    

Ở một góc khuất khác, dân nghèo còn bị móc túi bởi một số ông quan địa phương dân cử. Hiện nay, nhà nước đang có khá nhiều chính sách xã hội dành cho người nghèo như hỗ trợ xây nhà, sản xuất, chăn nuôi, sinh viên nghèo, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai… Lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, các vị quan nói trên tìm mọi cách xà xẻo những khoản tiền này bằng các thủ đoạn như lập danh sách khống, cắt giảm định mức, thậm chí “yểm” luôn cả chính sách, không cho người dân hay biết. Ngay cả tiền của chính phủ Lào hỗ trợ dân bị hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tiền quà tết cho hộ nghèo, tiền nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần… họ cũng không chừa. Điều lạ là những chiêu móc túi dân nghèo kiểu này diễn ra từ nam chí bắc, từ năm này sang năm khác, cũng đã có một số vụ bị phát hiện, truy tố, xử phạt nhưng hình như vẫn ngày một tăng. Mới đây, báo chí còn phanh phui tình trạng cắt xén các khoản tiền gạo trợ cấp cho ngư dân bị thiệt hại trong vùng “cá chết” ở một vài địa phương: nhận 15kg gạo cứu đói phải nộp phí hoặc bớt lại vài ký; nhận 300.000 đồng tiền thất nghiệp phải nộp lại 50.000 đồng. Quả nhiên “họ ăn không chừa một thứ gì”!

Ngoài những hiện trạng kể trên, một số người nghèo dành dụm được một món kha khá còn là đối tượng dễ bị lừa đảo ở quy mô lớn hơn như: mất tiền đầu tư vào các công ty kinh doanh hàng đa cấp nhưng không có hàng, mất nhà ở chung cư giá rẻ vì sổ nghiệp chủ bị chủ đầu tư đem thế chấp ở ngân hàng, mất cả tiền lẫn công việc lao động ở nước ngoài bởi đã trót trao trọn gói vào các công ty ma… Đồng tiền ít ỏi của dân nghèo xưa nay vốn được gói ghém lận lưng rất cẩn thận nhưng có lẽ chỉ phòng ngừa được bọn trộm cắp vặt, còn đối với những bọn móc túi siêu hạng thuộc loại… “đại gia” như trên thì có gói bao nhiêu lớp chúng cũng moi ra được.

Và, dân nghèo vẫn luôn là những người bị móc túi lúc nào không hay.

PHAN VĂN MINH

PHAN VĂN MINH