Việc làng...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 26/06/2016 11:39

Làng Thanh Quýt là một làng lớn thuộc Tổng Thanh Quýt Trung thời phong kiến. Làng có hai thiết chế văn hóa quan trọng là đình và chùa làng… Chùa làng Thanh Quýt là một di tích nay đã bị san bằng, chỉ còn lại một tấm bia công đức viết bằng chữ Nho vào năm 1869… với lời mở đầu: “Phàm chứa thóc để phòng đói, có chuẩn bị thì không lo. Làng ta xưa từ năm Ất Sửu (1865) đã vâng lời bàn, họp bàn trích ruộng, khuyến thu tích trữ thóc, nhưng vì ruộng ít nên cân nhắc lấy hơn 8 mẫu cho thuê và kẻ thích điều nghĩa cũng đóng của vào. Binh dân góp sức, góp của thì những việc làng tưởng chừng khó cũng đã hoàn tất. Nay làng cùng dựng tạo bia để lại vĩnh cữu. Kính ghi lại những ai đã quyên góp…”.

Làng quê xứ Quảng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê xứ Quảng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đây không chỉ là một tư liệu nhỏ trong khối di sản Hán Nôm đồ sộ ở Quảng Nam, mà qua đó, đã nhắc lại một sinh hoạt mang tính xã hội khá quan trọng ở nông thôn xứ Quảng, đó là “việc làng”, là “hương sự” của ông cha ta…

1. Chùa làng Thanh Quýt đã có từ lâu, nhưng cụ thể năm nào thì không ai biết mà chỉ phỏng đoán từ gia phả tộc họ của người đầu tiên xây dựng ngôi chùa bằng gỗ là khoảng đầu những năm 1730!

Văn bia công đức hiện còn cho biết chùa xây dựng lại bằng gạch ngói vào năm Tự Đức thứ 18 (Ất Sửu, 1865). Ngày 15.9 năm Kỷ Tỵ (1869) dựng bia này. (Tự Đức nhị thập nhị niên cửu nguyệt thập ngũ nhật).
Như vậy ngôi chùa gỗ đã tồn tại trong khoảng thời gian hơn 130 năm tại cùng vị trí, nhìn ra sông Thanh Quýt ở hướng nam, là ranh giới của hai làng Thanh Quýt và An Tự.

Theo lời kể, ngoài hậu tẩm có thờ Phật, Lão, Khổng, có tượng 18 vị La Hán, trong chùa còn thờ các bậc tiền hiền “Thất tộc” khai canh khai cơ là Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Bá, Nguyễn Văn, Lê Công, Phan Sĩ và bài vị của người sáng lập.

Cụ ông Lê Tự Ký, năm nay 87 tuổi (có thân sinh là cụ Hương Bôn, trong hội đồng Ngũ Hương, xưa có tham gia việc cúng bái ở chùa làng) cho biết, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, là ngày giỗ tiền hiền thất tộc, các Tộc biểu (đại diện thất tộc) sau khi cúng ở chùa mới sang hội hương, tức bàn “việc làng” tức “hương sự” ở đình, công việc tương tự như của hội đồng nhân dân thu nhỏ từ xưa và giao cho lý trưởng hoặc các tổ chức dân sự thực hiện.  

Chúng ta cũng từng nghe cụm từ “Bất dự hương sự”, là để ám chỉ một thành viên nào đó trong hội đồng này do có khuyết điểm, sai phạm đã được biểu quyết không cho dự bàn “việc làng”.

Do vậy, việc trùng tu lại một thiết chế văn hóa là chùa làng cũng là một trong những nội dung tích cực của “hương sự”.

2. Đọc Việc Làng của Ngô Tất Tố, tôi không sao quên được các truyện Góc chiếu giữa đình kể chuyện một bạch đinh sau bao năm tần tảo đã có chút của, vì ham cái chức Lý cựu mà tán gia bại sản và mang cả nợ vì bỏ tiền ra mua chức rồi lại phải khao đãi cả làng, đến nỗi vợ phải tiếp tục đi ở vú già để trả nợ. Hay chuyện Người có danh vọng trong làng là ông Lý Bá Khánh, tuy dốt những nhờ vung tiền từ cho vay nặng lãi mà mua được hết chức này đến chức khác để ngồi vào giữa chiếu làng “gây thế lực để lũng đoạn những kẻ bần cùng khốn khó” ở nông thôn…

Đó là những hình ảnh tiêu cực mà thời nào cũng có.

Lại đọc vào những tư liệu quý hiếm như Quảng Nam xã chí (Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AJ 123-6) đến năm 1944 việc ghi chép về nhiều việc ở các làng như sắc thần, thần tích, tục lệ, đình làng, cổ chỉ, cổ tích, quan lộ… là khá công phu. Nhưng phần cổ chỉ rất được coi trọng vì ở đó, phải xác định cho được các tộc tiền hiền bằng các gia phả và nhiều tài liệu khác.

Các tộc tiền hiền có đại diện trong Tộc biểu để dự bàn việc làng hàng năm. Trong góc chiếu làng có những mặt trái như Ngô Tất Tố từng mô tả thời phong kiến, nhưng mặt tích cực nó giống như một hội đồng tư vấn về những vấn đề thuộc về quyền lợi của người dân bản địa mà lý trưởng và địa phương phải thực hiện ngoài các nhiệm vụ quan trên giao phó như sưu thuế, kê khai đất đai, tình hình dân đinh, xử lý những tranh kiện dân sự… Chẳng hạn phần “Cổ chỉ” của làng Phong Hồ, cho thấy việc xác nhận các tộc tiền hiền, nắm rất kỹ diện tích canh tác và phân chia tự điền (ruộng dành cho việc cúng tế của mỗi tộc) là rất quan trọng mà chỉ có thể thực hiện công bằng, sát thực tế nhất trong các “hương sự”:  Vụ cổ chỉ hẳn nói đến quyển châu bộ của làng. Quyển này niên hiệu Gia Long 13 tháng 2 ngày 21 có ấn chú quan trên và các ông hồi ấy trong làng, đủ các tộc tiền hiền đứng ký hiệp phù vào sau. Lại nữa, trong quyển này thấy có cước chú những sở ruộng vườn của làng cộng cả thảy là 121 mẫu, riêng công điền đã hết 101 mẫu. Xét đến vụ tiền hiền của làng về tự chỉ thì chẳng thấy tộc nào có giấy má về chuyện khai dân lập ấp , kiến lập xã hiệu  nên hiện nay vẫn cứ khẩu truyền là 4 tộc tiền hiền của làng: Nguyễn Văn, Trần Viết, Nguyễn Thanh, Lê Văn. Theo tục lệ của làng lâu nay khẩu truyền thì tộc Nguyễn Văn đứng trước kế đến tộc Trần, tộc Nguyễn Thanh, Lê Văn…” (Bản 30.6.1944 - bút tự, chữ ký và dấu của Cố vấn Hương bộ Huỳnh Bá Thọ, Quảng Nam xã chí).

Việc làng, bên cạnh những yếu tố tiêu cực thì phần lớn đều chứa những nét sinh hoạt văn hóa - xã hội sát thực và có ý nghĩa trong đời sống nông thôn cũ, trong đó có vai trò của các tộc họ và nhân sĩ là các vị quan hưu trí về trú tại quê quán. Cụ Phan Khôi từng hoan nghênh chuyện hương sự ngày xưa đã làm được nhiều việc ở làng ông, như quy hoạch các nhà thờ họ tộc và mở mang đường sá; cụ Lê Cơ, nhà thực hành phong trào Duy tân, “Dẫu không thể làm được cho cả thiên hạ thì cũng thử nghiệm được trong một làng”, chắc chắn trong thời ấy, cụ đã biết dựa vào các chương trình hương sự ở làng Phú Lâm để vận động nhiều cải cách…và biến Phú Lâm trở thành nổi tiếng khắp nơi.

Tiếc rằng ở Quảng Nam, chưa có công trình nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về vấn đề này.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG