Ấn nam Nguyễn Đình Hiến và chữ đạo
Ấn Nam Nguyễn Đình Hiến là một vị quan thanh liêm, từng nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt cao. Khi ông về quy ẩn, lòng vẫn không nguôi nghĩ đến dân chúng. Nguyễn Đình Hiến là người đã thực hiện khá trọn vẹn sứ mệnh một kẻ sĩ. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có bài minh “Cổ kính trùng viên” và “Bi ký đường đèo Le Quế Sơn”.
“Cổ kính trùng viên” (Gương cũ lại tròn) viết năm 1930 khi ông về nghỉ ở Thủy Trạch Quỳnh, ấp Bình An, Nam Giao, Huế và “Bi ký đường đèo Le Quế Sơn” (Bia ghi công đường đèo Le Quế Sơn) viết năm 1939 khi ông về dưỡng già ở quê nhà (làng Trung Lộc - nay thuộc huyện Nông Sơn).
Đường qua đèo Le ngày nay. Ảnh LÊ QUÂN |
Cả hai đều xuất phát từ chữ đạo và đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau của chữ đạo. Trước hết, là sự cần thiết của đạo (đường), một đoạn đường: “... thật là hiểm trở... xung quanh đều là núi cao, tạo một bức tường thành trời định. Trước đây, người qua lại tổng Trung Lộc đều than thở cho con đường hiểm trở, núi cao, đá chởm, đất bùn”. “...tuyến lộ đèo Le từ Đông sang Tây dài đến bảy nghìn thước, toàn là núi cao, hố sâu, đá chởm...” (Bi ký đường đèo Le). Có lẽ bao lần qua lại con đường hiểm trở này, cụ Nguyễn Đình Hiến đã nghĩ đến việc mở rộng con đường nhưng đường hoạn lộ lắm nỗi nhiêu khê không có dịp để thực hiện. Về quy ẩn chính là lúc ngẫm lại sự đời, ngẫm lại việc được việc mất, việc tốt việc xấu và bao nhiêu thứ chưa làm trọn vẹn. Vì thế, cụ đã cùng quan lại địa phương đi vận động nhiều nhà hảo tâm để tiến hành mở rộng con đường đèo. Từ chữ đạo (đường) này đã đi đến bước cao hơn: đạo làm người, vì mọi người, vì cuộc sống cơ cực của nhiều người dân quê cụ. Đó là cái tâm, cái nhìn của kẻ sĩ, của người từng trải qua cửa Khổng, sân Trình. Chính chữ đạo này đã đưa Nguyễn Đình Hiến đi vào tâm thức của nhân dân một vùng rộng lớn nơi ông sinh ra và sống xứng đáng tư cách một danh sĩ, một danh thần.
Năm 1930, khi từ quan, về trí sĩ ở Thủy Trạch Quỳnh, ấp Bình An, dưới dốc Nam Giao, Huế, Nguyễn Đình Hiến đã cho trùng tu một cái giếng hoang trước chùa Kim Tiên. Và ông cũng đã cho khắc bài minh “Cổ kính trùng viên” để giải thích lý do trùng tu cái giếng hoang ấy. Trong bài minh chứa nhiều thuật ngữ dịch học không chỉ nói về nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn, lý do trùng tu giếng mà còn gửi cả những ý tưởng thâm thúy về “thời cuộc, thế đạo (với) văn chương cao kỳ uyên thâm”.
Thoạt nhìn, tưởng như việc trùng tu cái giếng hoang rất giống công việc mở rộng đường đèo Le ở quê cụ nhưng đi sâu vào nội dung bài minh lại thấy nhiều điều khác biệt. Ở đây, cụ Ấn Nam đã dốc hết gan ruột của mình, của những điều đã ngẫm ngợi, đã từng trải cả một đời “làm quan lắm nhiêu khê” để nói về thế sự và lòng người. Trùng tu giếng nhưng bài minh lại là “Cổ kính trùng viên”, điều này cho thấy rõ dụng ý của tác giả... Đấy là đạo làm người của kẻ sĩ: “Người khuất giếng còn, đạo xưa vẫn tỏ, nỡ nào nhìn nó bị bỏ hoang hay sao?” (Cổ kính trùng viên). Cái giếng bị bỏ hoang như là đạo lý bị mai một, lẽ nào kẻ sĩ cứ khoanh tay ngồi nhìn? Bài minh là một lời cảnh tỉnh, rằng kẻ sĩ hãy ra tay chấn hưng đạo đức!
Ở phía khác, Nguyễn Đình Hiến nhận ra sự mê muội của cư dân trong vùng khi tin vào lời thầy bói: khơi giếng sẽ gây ra hỏa hoạn. Cần phải thức tỉnh học, có thế mới trọn đạo của kẻ sĩ. Và ông đã khôn khéo dùng chính sự tin tưởng của dân chúng vào thuyết âm dương, ngũ hành để giải thích. Nhằm tạo thêm sức thuyết phục, ông không ngần ngại dựng cả một câu chuyện mang đầy màu sắc hoang đường. Chính câu chuyện này khiến người dân càng tin tưởng hơn. “Ta cũng chẳng quan ngại gì lấy đạo y, đạo đất, đạo thần làm đạo đời, có thường có biến, có lên có xuống, có mới có cũ, có phế có hưng mà thuyết một hồi để cho người sau hiểu rõ... để mở rộng đôi mắt nhỏ bé, ngồi đáy giếng trông trời của ta” (Cổ kính trùng viên).
Thức tỉnh sứ mạng kẻ sĩ giữa thời buổi đạo lý mai một, thức tỉnh nhân dân thoát khỏi sự mê muội của họ bằng tất cả những gì cụ có được: “đạo y, đạo đất, đạo thần” để làm nên “đạo đời” để họ phải “nghe ra”. Một chữ đạo tổng hợp bao nhiêu ý nghĩa đã được làm sáng tỏ. Chính vì thế mà đọc bài minh, tiến sĩ Phạm Liệu có lời bàn: “trong cái nhỏ thấy cái lớn, khá gọi là lạ lùng, thú vị ...”. Với bài minh này, Ấn Nam Nguyễn Đình Hiến đã để lại một dấu ấn khá rõ với văn phong của mình.
LÊ TRÂM