Người Nhật tạc hình trong đá

NGUYỄN DỊ CỔ 21/06/2016 10:04

Quảng Nam (bao gồm cả Đà Nẵng ngày nay) dưới thời chúa Nguyễn được nhiều quốc gia biết đến, đặt chân đến; diễn ra sự giao lưu, giao thương; và được thư tịch các nước như Nhật Bản, phương Tây xưng gọi “nước Quảng Nam”.

Quảng Nam từ lâu là một vùng giàu có nhất của Đàng Trong và có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, môi trường, sản vật, kể cả chính sách của nhà cầm quyền, nên hấp dẫn nhiều thương thuyền ngoại quốc đến giao lưu buôn bán, trong đó có những thương thuyền người Nhật thông qua chính sách Châu Ấn Thuyền. Họ đã đến Quảng Nam, đến Hội An và để lại nhiều dấu tích trong lịch sử, là tiền đề của mối quan hệ Việt - Nhật hơn 4 thế kỷ nay.

Lưu dấu trong bia đá

Thông tin người Nhật lưu lại trên văn bia Quảng Nam theo niên đại là Phổ Đà sơn linh trung Phật, 3 văn bia ở 3 ngôi mộ, văn bia trùng tu Chùa Cầu, 3 văn bia trùng tu 3 ngôi mộ. Ngoài ra, có nhà nghiên cứu còn cho rằng văn bia yểm thủy đạo trên đường Phan Châu Trinh (Hội An) cũng là văn bia do người Nhật lập nên.

Tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật (1640) khắc tên 10 gia đình người Nhật (Heizaburo, Sogoro, Shunmon, Achiko, Chaya Takeshima, Kawakami Kaheie, Asami Yasuke, Shichiro Bei, Akiu, Heiza Emon) đã công đức cho việc xây dựng chùa ở Ngũ Hành Sơn.

Mộ ông Banjiro ở Hội An. Ảnh: XUÂN HIÊN
Mộ ông Banjiro ở Hội An. Ảnh: XUÂN HIÊN

Người Nhật đã từng sinh sống ở Hội An Quảng Nam. Thân cốt họ cũng gửi lại trên mảnh đất này. Hiện còn 3 ngôi mộ của người Nhật trên thực địa ở Hội An là: mộ ông Banjiro (1665), mộ ông Gusokukun (1689) và mộ ông Tani Yajirobei (1647). Ngoài 3 tấm bia cổ này, còn có tấm bia trùng tu 3 ngôi mộ đó (1928).

Văn bia Trùng tu Lai Viễn kiều ký (1817) ghi lại việc trùng tu Lai Viễn kiều, nhưng trong đó cũng nhắc nhớ đến công tích của người Nhật: “Làng Minh Hương ở phố Hội An, giáp giới Cẩm Phô có [một] khe nước. Khe có cầu, [cầu bắc ngang] từ lâu. Tương truyền, người Nhật Bản làm nên”.

Có người cho rằng văn bia yểm thủy đạo ở Hội An cũng là sản phẩm của người Nhật dựng nên cùng với quá trình xây dựng Chùa Cầu. Văn bia này khắc theo hình lá bùa, có tên gọi Bắc đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo và có công năng để trị yểm thủy đạo.

Văn bia Quảng Nam về người Nhật đã làm đa dạng niên hiệu văn bia, không chỉ có niên hiệu của các triều đại Việt Nam, triều đại Trung Quốc, niên hiệu Tây lịch mà còn có thêm niên hiệu Chiêu Hòa của Nhật Bản. Đồng thời có văn bia mộ Nhật không ghi cụ thể niên hiệu mà sử dụng từ “Nhật Bản” để ghi vào dòng niên hiệu văn bia cũng là một dạng độc đáo.

Giá trị bia đá về người Nhật

Văn bia thường là độc bản. Thậm chí một văn bia có nhiều văn bản. Nhưng ở đây thì ngược lại. Văn bia Quảng Nam có trường hợp hết sức đặc dị với dạng thức văn bản bia Nhật Bản ở Hội An lập vào năm Chiêu Hòa thứ 3 (1928). Một đơn vị văn bản (tác phẩm) nhưng lại khắc trên ba tấm bia khác nhau, đặt ở ba vị trí khác nhau (3 ngôi mộ cổ Nhật Bản nói trên). Nội dung câu chữ y hệt, chỉ có sự khác nhau về vị trí chữ khắc trên dòng chữ của văn bản.

Mức độ phát triển kinh tế vùng miền của Quảng Nam - Đà Nẵng xưa phần nào cũng được thể hiện qua tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật trong phần ghi công đức. Vào thế kỷ XVII, vùng Hội An ngày nay có đời sống cao hơn và phát triển hơn so với vùng Đà Nẵng ngày nay. Bởi trong văn bia thể hiện những người tham gia góp cúng chủ yếu ở vùng Hội An (ngày nay), với số tiền góp cúng bình quân tương đối cao, trong khi đó lại có rất ít người thuộc vùng đất Đà Nẵng hiện tại tham gia góp cúng. Đồng thời tư liệu văn bia này cũng đã phản ánh được phần nào các thành phần thương nhân nước ngoài, là người Nhật và người Hoa, đã từng hiện hữu trên vùng đất xứ Quảng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đàng Trong lúc bấy giờ. Ngoài ra, văn bia này cũng cho biết một số người Nhật khác đến buôn bán mà không “định cư” ở đây, bởi văn bản sử dụng cụm từ: Nhật Bản quốc. Đặc biệt, văn bản bài bia sử dụng cụm từ: Nhật Bản doanh, cho thấy những người Nhật ở đây là những thương gia, thậm chí có cả dòng họ đại thương gia như Chaya. Họ chính là những người góp phần thúc đẩy nền thương nghiệp Hội An phát triển vang bóng một thời.

Bia trùng tu Chùa Cầu còn phảng phất thông tin về tình hình phát triển kinh tế của Quảng Nam xưa: “Sông lớn giáp ba mặt, là chỗ của thuyền bè tập trung buôn bán tấp nập. Sản vật rừng núi, sông biển đều dồn về. Trên bờ (tức hai bên cầu) có chỗ để bày hàng (…) Hàng hóa ở bốn phương xa xôi cũng đổ về (…). Ngày nay đất nước thanh bình, người buôn bán chứa hàng nơi đô thị”.

Người Nhật đến sinh sống và buôn bán ở Hội An như nói trên, đã kết hôn với phụ nữ Việt. Trong đó có 5 cặp hôn nhân giữa chồng người Nhật với vợ người Việt (Heizaburo - Nguyễn Thị Chức, Shunmon - Đỗ Thị Mượn, Achiko - Ngô Thị Chủng, Shichiro Bei - Nguyễn Thị Nụ, Heizaemon - Nguyễn Thị Nở). Tư liệu này cho thấy mối quan hệ hôn nhân giữa người Việt và người ngoại quốc đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, chí ít cũng từ nửa đầu thế kỷ XVII. Và, vấn đề này cũng cho thấy sự giao lưu quốc tế, hôn nhân quốc tế của người Quảng Nam đương thời với bên ngoài.

Cũng từ những văn bia này, chúng ta còn thấy được vai trò của người Nhật trong việc xây dựng công trình dân sự cũng như những công trình tôn giáo tín ngưỡng, ví như xây dựng cầu Chùa, trùng tu chùa trên Ngũ Hành Sơn. Thậm chí số tiền tín cúng của họ đã hơn nửa tổng số tiền quyên cúng của tất cả mọi người.

Cuối cùng, những văn bia Quảng Nam về người Nhật hiện giờ đã trở thành tài nguyên du lịch về di tích lịch sử - văn hóa của Hội An, của Quảng Nam và của Việt Nam. Mỗi một du khách đến đây đều chiêm ngưỡng tấm văn bia Trùng tu Lai Viễn kiều ký. Những du khách ngoại quốc khác còn nhẩn nha, thư thái khi đến tham quan các ngôi mộ cổ của người Nhật - một sự kết hợp du lịch sinh thái với du lịch nhân văn. Chính vì vậy mà Hội An càng trở nên nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới.

Hình ảnh người Nhật của từ 4 thế kỷ trước trên mảnh đất này dường như mãi lẩn quất quanh đây. Những di sản của họ để lại là một nguồn tư liệu giá trị để nghiên cứu về lịch sử trung - cận đại Việt Nam, đồng thời là minh chứng tuyệt vời cho mối quan hệ Việt - Nhật ở thế kỷ XVII hết sức khắng khít, như hình hài của họ hòa thấm vào đất và nước xứ này.

NGUYỄN DỊ CỔ

NGUYỄN DỊ CỔ