Mạch sống Tây Nguyên

ĐÌNH QUÂN 20/06/2016 09:20

Giữ rừng chính là giữ nước. Nước mãi là nguồn gốc của sự sống.

Nhà văn Nguyên Ngọc trong Nước mội, rừng xanh và sự sống đã từng nói giữ rừng cũng chính là giữ nước: Đất nước ta có “sườn phía tây của Trường Sơn rộng hơn sườn phía đông rất nhiều, có thể đến bốn năm lần. Tức nước từ Tây Nguyên đổ về phía tây cũng nhiều hơn về phía đông có thể đến bốn hay năm lần. Mà đổ về phía tây tức là về Mê Kông, về Nam Bộ, về toàn miền Nam”. Lần giở bài học địa lý: sông Mê Kông khi xuống tới Thượng Lào thì bắt đầu nhận nước của Việt Nam. Trước hết là hai con sông trên cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên): Nậm Rốn và Nậm Núa. Chợt nghĩ bài thơ Bóng cây kơ nia ra đời khoảng 1957 - 1958 lúc Ngọc Anh công tác tại Ban Văn sử địa Trung ương, có câu: - Rễ mày uống nước đâu?/ - Uống nước nguồn miền Bắc thì chắc có lẽ nhà thơ cũng đã cảm nhận yếu tố địa lý này chăng? Rễ cây kơ nia bám chặt vào đất Tây Nguyên thì cũng chính là nhờ uống nước nguồn của dòng Nậm Rốn, Nậm Núa ở miền Bắc đấy thôi. Còn các chi lưu khác ở sườn phía tây tiếp tục đổ vào sông Mê Kông: ở Hạ Lào có sông Xê Bang Hiêng, Xê Pôn (Quảng Trị), A Lin, A Sáp (Thừa Thiên Huế); ở Đông Bắc Campuchia có hơn 20 dòng sông khác như Đăk Pô Kô, Krông Pô Kô, Ea Krông v.v… gom nước cho 2 dòng chảy lớn Xê Xan và Xê Rê Pôk (Tây Nguyên) .

Cầu treo Buôn Đôn. ẢNH: Đ.QUÂN
Cầu treo Buôn Đôn. ẢNH: Đ.QUÂN

Dòng Xê Rê Pôk chảy ngang qua có điểm tham quan Buôn Đôn - quê hương của những người thợ săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng mà chúng tôi đã tìm về.

Tôi nhớ một chi tiết mà vợ tôi kể khi lên Tây Nguyên đã khá lâu, được cô thuyết minh dẫn ra đặc điểm về cây kơ nia: Phía dưới cây kơ nia bao giờ cũng là mạch nước. Vì rễ cây kơ nia thường rất dài. Nếu cây cao khoảng 1m thì rễ sẽ là 1,5m; cây 2m thì rễ sẽ là 3m. Trong thời chiến tranh đã có những căn hầm bí mật ba tầng khi đào đều bám theo một cái rễ cọc của cây kơ nia làm trụ. Nếu vô ý làm đứt rễ cọc cây kơ nia thì nó sẽ chết ngay và sẽ lộ ra hầm bí mật. Tôi bấm bụng lần này tham quan Tây Nguyên tôi sẽ chú ý kỹ điều này.

Mới sáng sớm mà nắng rải vàng trên những tàn lá cây. Xe lướt nhanh trên tỉnh lộ 1, chúng tôi thấy dọc hai bên đường đất trơ khô màu gan gà. Tôi nhớ ở huyện Buôn Đôn nổi tiếng có rừng khộp. Tôi hỏi cô nhà báo trẻ Quỳnh Anh (Báo Đắk Lắk), được biết tỉnh còn giữ một khu rừng khộp để làm du lịch sinh thái… Và nữa, lên Đắk Lắk mà không nhắc đến bài hát Chú voi con ở Bản Đôn của Phạm Tuyên ắt hẳn là điều thiếu sót. Đoàn không ai thuộc trọn vẹn bài hát này cả nên mời Quỳnh Anh hát để xua đi cái nắng rát mặt của ngày hè… Voi con ơi, voi con ơi/ Mau lớn nhanh có thân mình to/ Khắp chốn Tây Nguyên cần nhiều voi/ Góp sức xây buôn làng đẹp tươi… Giọng Quỳnh Anh trong trẻo, ngân vang, gần gũi và tự nhiên làm cho cuộc hành trình thêm ý vị. Thoáng lặng im, tình cờ có ai nhắc đến cây kơ nia thì Quỳnh Anh thông tin: Ở Trung tâm Văn hóa thành phố Ban Mê Thuột còn 1 cây, khi về chúng ta sẽ uống cà phê ở đó và ngắm. Còn lát nữa đây em sẽ chỉ một cây kơ nia còn sót lại, đứng trơ vơ trên tỉnh lộ 1. Khi gần đến xe chạy chậm, tôi thấy kơ nia nằm ven tỉnh lộ 1 tàn cây không mấy xanh tốt. Có phải lúc bấy giờ đang vào mùa khô hạn nên cây trơ trụi, cằn cỗi chăng? Tôi không tin điều này lắm! Vì nghĩ thân cây cao to sừng sững nhường kia, rễ lại bám sâu vào lòng đất đã lâu và tôi luôn ghi nhớ, hễ nơi nào có cây kơ nia thì ắt phía dưới nó sẽ là nguồn nước… Nhưng nhìn kỹ thì bốn bề không còn thấy một cây rừng nào còn sống sót!

Về lại Buôn Đôn sau hơn ba mươi năm. Ngày ấy, đi dọc hai bờ sông Xê Rê Pôk vẫn còn nhiều cây cao to, tàn rộng lớn. Tôi từng chứng kiến mỗi chiều về đàn voi khoảng vài ba chục con lội qua sông. Chúng giỡn nước. Chúng tung vòi phun những vòng cung nước tung trắng lóa trông rất ngoạn mục. Ngày ấy tôi được vào đội khai thác gỗ của anh Khuất, anh Chế thuộc Tổng đội 3 Thanh niên xung phong TP.Hồ Chí Minh. Hàng ngày tôi và T. vào rừng, có nhiệm vụ đánh dấu tất cả bãi gỗ đã gom, dùng sơn vẽ mã số từng lóng gỗ, rồi cẩn thận vòng thước dây đo đường tròn, chiều dài… để khi về lán trại truy ra khối lượng. Công việc chẳng có gì nặng nhọc. Chúng tôi còn nghe nói H. thuộc Tổng đội 3 TNXP lên đây công tác vớ được cô vợ người Ê Đê và sống luôn ở đó. Buôn Đôn cũng là điểm chúng tôi thường đi - về để đổi chác hoặc mua thêm vài thức ăn tươi cho đơn vị…  Buôn Đôn ngày ấy dân cư thưa thớt nhưng cảnh quan có vẻ vẫn tràn đầy sức sống. Tuy những khu rừng nằm sát các xã biên giới Campuchia hàng ngày bị triệt hạ với khối lượng gỗ đếm không hết. Hồi ấy quốc lộ 19 hướng về TP.Hồ Chí Minh hay tỉnh lộ 26 đổ xuống Ninh Hòa nối quốc lộ 1 xe Kamaz, Reo… nối đuôi nhau thành từng đoàn chạy nườm nượp bất tận ngày đêm. Xe - chỉ làm mỗi việc chất đầy gỗ rừng Tây Nguyên chở về xuôi. Hồi ấy tôi nghĩ, không biết ai đề ra chủ trương này? Loáng thoáng nghe đâu gỗ đem về cưa thành ván sàn để xuất khẩu. Chẳng biết việc này có đem lại ích nước lợi nhà gì không? Họ hứa, chặt cây rồi sẽ trồng cao su, gầy lại rừng mới. Được biết cây cao su tuyệt đối không phải là rừng, vì tính chất không giữ nước. Và tôi cũng rất đồng cảm với nhà văn Nguyên Ngọc: “Hãy bắt đầu một sự nghiệp to lớn trồng lại rừng Tây Nguyên, trong một trăm năm, quyết liệt, kiên định, thông minh… Khôi phục màu xanh cho Tây Nguyên”. Nếu không sẽ rất muộn màng với mai sau!

Vài ngày vui ở Tây Nguyên sắp hết. Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên người ơi!… như lời ca buồn mãi âm vang. Nếu một tháng nữa mà trời không mưa thì cây lấy đâu mọc lá để cho voi ăn, nước đâu đủ để nuôi mầm sống… Và buổi trưa hôm ấy tôi thấy trong đôi mắt xoe tròn lánh đen của cậu bé quản tượng người Ê Đê ngồi trên lưng voi ngước nhìn tôi như nhìn vào khoảng không lặng im, không tên gọi.

ĐÌNH QUÂN

ĐÌNH QUÂN