Di tích lăng mộ Thái Phiên - Trần Cao Vân bị xâm hại

THUẬN HÓA 15/06/2016 09:45

Mặc dù đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1990, nhưng đến nay Di tích lăng mộ Thái Phiên - Trần Cao Vân trên đồi Từ Hiếu thuộc phường Thủy Xuân, TP.Huế chưa được khoanh vùng và xây tường rào bảo vệ. Do đó việc lấn chiếm đất xây lăng mộ trái phép cứ ồ ạt diễn ra từ nhiều năm qua.

Theo phản ánh của người dân sinh sống gần khu lăng mộ này, hơn 5 năm qua khu vực di tích đã cắm bảng nghiêm cấm nhưng việc chôn cất, xây dựng mồ mả vẫn tự phát hoạt động rầm rộ. Ông Nguyễn Thanh Ph. (một người dân địa phương) cho biết: “Khu vực này có biển cấm không được chôn cất, xây dựng mồ mả từ lâu, nhưng không biết răng, cứ 10 ngày nửa tháng lại có người đến hỏi mua đất làm mộ gió. Mới đây chưa được một tuần có cái đám to, họ ngang nhiên đem người chết đến chôn ở khu vực cấm này. Chúng tôi đã nhiều lần báo chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng chưa được xử lý. Tranh thủ những ngày hè, người làm mộ thuê tập hợp thành từng nhóm lén lút đến làm mộ gió rồi bán trao tay cho người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến khu di tích lăng mộ Thái Phiên -  Trần Cao Vân từ nhiều năm nay bị lấn chiếm cả phần trước mặt, lẫn khu vực phía sau”.

Khu di tích lăng mộ Thái Phiên - Trần Cao Vân tại nghĩa địa đồi Từ Hiếu. Ảnh: T.HÓA
Khu di tích lăng mộ Thái Phiên - Trần Cao Vân tại nghĩa địa đồi Từ Hiếu. Ảnh: T.HÓA
Thái Phiên sinh năm 1882, quê ở làng Nghi An,  nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Năm 1904, ông tham gia phong trào Đông du, Duy tân cùng Phan Bội Châu. Trần Cao Vân sinh năm 1866, quê ở làng Tư Phú, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Ông là người thông minh, hiếu học. Sau khi Kinh đô Huế thất thủ 1885, ông đi tu tại chùa Cổ Lâm (miền núi Quảng Nam). Năm 1892, ông vào Bình Định làm nghề dạy học và hoạt động cách mạng. Sau đó ông tham gia khởi nghĩa chống Pháp, đề xướng thuyết “Trung thiên dịch”, tham gia đấu tranh chống thuế ở Trung kỳ 1908.
Đầu năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân đã gặp vua Duy Tân thống nhất kế hoạch khởi nghĩa lật đổ bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Kế hoạch bị bại lộ, Thái Phiên và Trần Cao Vân cùng một số đồng chí khác bị thực dân Pháp bắt trên đường lên căn cứ vào rạng sáng ngày 4.5.1916. Ngày 17.5.1916, hai ông đã bị thực dân Pháp xử chém tại cổng Chém (An Hòa, TP.Huế) và bị chôn lấp cùng một chỗ. Tháng 6.1925, bà Trương Thị Dương là đồng chí của hai ông trong Đảng Việt Nam Quang phục hội đã bí mật đưa hài cốt hai ông từ An Hòa về chôn gần tháp Hòa thượng Kiết Mao. Sau đó 11 ngày, việc cải táng có nguy cơ bị lộ, bà lại bí mật dời hài cốt hai ông đem qua chôn chung một mộ tại vị trí trên đồi chùa Từ Hiếu ngày nay.

Có mặt tại Di tích lăng mộ Thái Phiên - Trần Cao Vân, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy toàn bộ lối đi và phía trước mặt của khu mộ chung hai nhà chí sĩ yêu nước đã bị người dân làm mộ gió, một số lăng mộ của gia tộc họ Trương nhiều năm nay chôn cất chằng chịt. Khoảnh đất trống phía bên phải di tích này 5 năm trước đây không có mồ mả, tuy nhiên do lâu ngày tường lang bảo vệ của di tích chưa được xây dựng nên người dân cứ vô tư lấn chiếm. Bức xúc khi nhìn thấy di tích bị xây hại, PGS-TS. Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa  Thiên Huế cho rằng, các khu mộ vừa mới xây đã xâm phạm khu vực 1 của di tích. “Chúng tôi đã đề nghị với các cơ quan chức năng phải tháo dỡ để trả lại cảnh quan cho di tích cấp quốc gia có ý nghĩa lịch sử quan trọng này. Đặc biệt cần phải có tường rào ranh giới bảo vệ. Ngoài ra, UBND TP.Huế cần tiến hành xác lập phần di tích, không để tình trạng xâm phạm cứ mãi tái diễn như hiện nay” - PGS-TS. Đỗ Bang nói.

Trao đổi chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho biết, cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chỉ thị cấm chôn cất và xây mới mồ mả tại khu vực này vì đất chờ quy hoạch. Sau đó, chính quyền phường Thủy Xuân đã tiến hành cắm bảng cấm chôn cất, xây mới ở những con đường dẫn vào khu vực này. “Phường Thủy Xuân có diện tích hơn 750ha nhưng hơn 100ha là đất nghĩa địa gần khu dân cư, đã bị cấm chôn cất mới từ hơn 10 năm qua nhưng vẫn không thể quản nổi. Trước mắt chúng tôi đã tháo dỡ khu mộ lấn chiếm ở phía trước, còn khu mộ bên cạnh di tích này, do họ ở xa, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại và cơ bản họ đã đồng ý tự nguyện tháo dỡ, nếu sau 30 ngày không thực hiện sẽ cưỡng chế” - ông Hòa khẳng định.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử - cách mạng Thừa Thiên Huế cho hay, khi bàn giao di tích này cho TP.Huế quản lý, đơn vị đã bàn giao đầy đủ hồ sơ di tích, trong đó có biên bản khoanh vùng bảo vệ có đủ chữ ký của 6 đơn vị liên quan. Việc đo đạc cắm mốc trên hiện trường cũng như xây dựng tường rào bảo vệ di tích là trách nhiệm của TP.Huế. Trên thực tế hầu như TP.Huế chưa làm gì cả.

THUẬN HÓA

THUẬN HÓA