Khó bảo tồn di sản hát bả trạo
Hát bả trạo còn được gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hò đưa linh... là một loại hình nghệ thuật dân gian có yếu tố tâm linh của cư dân ven biển vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tuy nhiên việc bảo tồn di sản này còn rất nan giải…
Theo ông Phạm Văn Nên, Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành, hát bả trạo là hát có kèm động tác múa và được bắt nguồn từ việc cư dân ven biển làm lễ tế cá Ông. Khi tham gia nghi lễ hát bả trạo, mọi người đều cầu mong sự bình yên, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, đem lại sự ấm no cho ngư dân vùng sông nước. Hát bả trạo thường tái hiện quá trình ra khơi đánh bắt của ngư dân được xếp theo mô hình chiếc thuyền rồng trang trí sặc sỡ với nhiều màu sắc, các tay chèo vừa chèo nhịp nhàng vừa hát xướng. Những người tham gia hát bả trạo gồm tổng mũi (còn gọi là tổng tiền); tổng khoan (còn gọi là tổng thương) và người chỉ huy con thuyền là tổng lái (còn gọi là tổng hậu) cùng các thành viên từ 10 đến 16 người (còn gọi là trạo).
Lễ công bố hát bả trạo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức tại Núi Thành. Ảnh: V.PHIN |
Theo ông Lê Văn Minh - một “tổng mũi” của loại hình hát bả trạo tại thôn Đông Tân (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành), trong 3 “tổng” của loại hình hát bả trạo thì “tổng mũi” là khó thực hiện nhất, người ở vị trí này được xem là đoàn trưởng, đòi hỏi phải có tài chỉ huy, có năng khiếu và niềm say mê nghệ thuật bả trạo. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Minh lo lắng: “Tôi đã 81 tuổi rồi, điều tôi lo nhất hiện tại là việc đi tìm người tổng mũi thay thế cho mình để hát bả trạo tổ chức ở địa phương về sau này là rất khó!”. Ông Minh say sưa kể về niềm đam mê và hành trình đi tìm kiếm, sưu tầm, bảo tồn loại hình hát bả trạo của ông. Từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ông đã len lỏi khắp làng quê ven biển Nam Trung Bộ và các vùng biển Quảng Nam để sưu tầm, tìm hiểu, thu thập loại hình hát bả trạo và dần dà qua nghiên cứu, học hỏi ông thành lập đội bả trạo ở Tam Hòa rồi dàn dựng, tập luyện đi trình diễn ở các lễ hội cầu ngư.
Với niềm say mê loại hình bả trạo và được sự hỗ trợ của ngành văn hóa - thông tin cùng chính quyền xã Tam Hòa, ông Lê Văn Minh đã xây dựng được 2 đội hát bả trạo trẻ, các em là những học sinh THCS, THPT và một số em là sinh viên đại học. Nhiều em rất say mê loại hình hát bả trạo và qua 2 tuần tập luyện là có thể đi biểu diễn tại các lễ hội. Những thành viên (còn gọi là trạo) cho loại hình này tương đối dễ tìm và có thể thay thế thường xuyên, còn các “tổng” thì không phải ai cũng làm được, đặc biệt là “tổng mũi”. Hiện tại, qua tập luyện, ông Minh đã đào tạo được 2 người có thể đảm nhận vai trò “tổng mũi” là anh Lê Văn Tâm (31 tuổi) và Lê Văn Quận (30 tuổi) cùng sinh sống tại xã Tam Hòa. Tuy nhiên, 2 “tổng mũi” này không thiết tha gắn bó với loại hình hát bả trạo vì lý do phải lo mưu sinh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng thôn Đông Tân (xã Tam Hòa) chia sẻ: “Cụ Lê Văn Minh đã lớn tuổi rồi mà chưa có ai thay thế. Những năm qua, ngành văn hóa - thông tin tỉnh hỗ trợ cho đội bả trạo Tam Hòa mỗi năm 4 triệu đồng, trừ chi phí dàn nhạc và sân khẩu hết 2 triệu đồng, còn 2 triệu đồng chi cho 16 thành viên đội hát bả trạo mỗi lần biểu diễn quả chẳng thấm tháp vào đâu! Do vậy, việc duy trì loại hình hát bả trạo, đặc biệt là tìm người tổng mũi cho tương lai quả là rất khó, nên chăng Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tổng mũi để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này”. Ông Phạm Văn Nên, lo lắng: “Hiện tại điều kiện đầu tư để duy trì loại hình hát bả trạo còn hạn chế. Thế hệ trẻ ít có điều kiện để tiếp xúc với loại hình truyền thống này, vì thế không thể hiểu hết được giá trị văn hóa - âm nhạc đích thực trong làn điệu bả trạo. Cho nên việc trao truyền loại hình nghệ thuật hát bả trạo cho thế hệ trẻ gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Nên cũng cho biết, huyện Núi Thành đang đề nghị Sở VH-TT&DL giúp đỡ để từng bước lập dự án tu bổ, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, đặc biệt là loại hình hát bả trạo, đồng thời xây dựng và triển khai đề án bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể huyện Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Trong khi chờ triển khai thực hiện các công việc nêu trên thì hiện tại vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát bả trạo xem ra còn rất nan giải!
VĂN PHIN