Nhà dài của người Cơ Tu
Tại các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, những ngôi nhà dài của đồng bào Cơ Tu là nét văn hóa đặc sắc và là biểu tượng cộng đồng của dân tộc cư ngụ lâu đời trên vùng Trường Sơn.
Hoạt động của người Cơ Tu trong không gian nhà dài tại Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang.Ảnh: N.V.SƠN |
Ngôi nhà dài truyền thống
Trên vùng núi Quảng Nam người Cơ Tu sinh sống ở trong 197 thôn (làng) thuộc 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang và phân bố thành 3 vùng: Người Cơ Tu vùng cao (Cơ Tu đriu), người Cơ Tu vùng trung (Cơ Tu nal) và người Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu). Theo quan niệm của người Cơ Tu, việc chọn đất lập làng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại hay suy vong của cộng đồng. Vì vậy, khi lập làng, dựng nhà thì người Cơ Tu đều chọn đất, chọn rừng nơi núi cao, nơi đầu con suối, con sông. Làng được lập theo vòng tròn, hình bầu dục, ở giữa có gươl, chung quanh là từng ngôi nhà cận kề nhau.
Khi đến các làng (vêêl, kar non, bươl) của đồng bào Cơ Tu, chúng tôi thấy có hai loại nhà, một loại nhà của từng hộ riêng lẻ, một loại của cả một gia tộc và do vậy mà cấu trúc của hai loại nhà này cũng có những nét khác nhau. Nhưng bao giờ cũng có một cây cột cái ở chính giữa để đỡ cây đòn nóc, xung quanh có nhiều cột khác nối với cây đòn nóc bằng các kèo gỗ, được che kín bằng các liếp tre hoặc nứa cao từ sàn đến mái, hướng các cây đòn nóc của những nhà kề cận không được đâm vào nhau.
Theo phong tục - tập quán cổ truyền của người Cơ Tu, những người có quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống trong một dòng họ lớn, nếu sống với nhau trong một ngôi nhà - thì ngôi nhà ấy là ngôi nhà dài, một kiểu nhà đặc biệt chỉ có ở miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên. Nhà dài truyền thống của người Cơ Tu gồm nhiều gian nối với nhau và kéo dài tới chục mét; đặc biệt có nhà dài trên dưới một trăm mét. Độ dài của nhà tùy thuộc vào quy mô và số bếp, số người trong gia tộc. Sàn, cột, xà nhà làm bằng các loại gỗ quý như gõ, sến, giổi... Chúng được đẽo đục công phu và liên kết với nhau theo kỹ thuật riêng của nghệ nhân Cơ Tu. Để chống ẩm, chống mối mọt, người Cơ Tu kê cột lên các tảng đá dày to và vuông vức. Ngôi nhà cũng nhờ vậy mà thêm vững chãi, chắc chắn, bề thế.
Vật liệu và kết cấu
Vách nhà được làm bằng tấm phên tre hoặc lồ ô, những tấm gỗ mỏng. Trên vách, các ông thợ thường chạm khắc nhiều hình thù như hoa lá, chim muông... để làm vật trang trí. Đáng lưu ý là lá lợp nhà. Xưa, người Cơ Tu dùng lá mây rừng để lợp nhà dài. Loại lá mây có độ bền hơn lá tranh và lại mang tính thẩm mỹ cao (nay loại lá mây này chỉ còn thấy lợp ở gươl). Người Cơ Tu vào rừng chọn các phiến lá không già quá mà cũng không non quá, cắt lấy và đem về phơi héo, rồi ép cho phẳng theo từng lớp. Khi lợp, các lớp lá mây được nối kết với nhau bằng các sợi mây nhỏ chuốt nhẵn. Từng lớp lá được lợp chồng lên nhau theo một thứ tự nhất định, rất kỹ thuật đã tạo nên các mái nhà vừa phẳng phiu, vừa đẹp mắt. Mái nhà dài của người Cơ Tu lại nghiêng với độ nghiêng vừa phải và trải rộng về bề ngang. Đầu hồi nhà dài, người Cơ Tu thường khắc hình chim tring để thể hiện cái đẹp và cái thiêng liêng của ngôi nhà dài truyền thống của mình. Chim tring này được xem như bảo trợ và mang đến cho gia đình - gia tộc cuộc sống bình an, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc...
Nhà dài được phân nhiều gian khác nhau, có gian dùng làm phòng khách hoặc hội họp, vui chơi; có gian được dùng làm bếp, làm phòng ngủ, gian sinh hoạt của từng gia đình nhỏ (bếp). Phòng khách nằm ở gian giữa nhà và rộng hơn các gian khác nhiều. Các đồ thờ cúng, cồng chiêng... được đặt gian này. Các con lớn của các bếp cũng thường tới ngủ ở gian khách. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày các loại cung tên, sừng thú, da thú... Vào các ngày vui của gia tộc, mọi người cùng quây quần nơi gian khách để trò chuyện, hát lý, cùng nhau nhảy múa tâng tung da dá rất say sưa, ấm cúng...
Nối kết giữa các gian nhà là một dải hành lang dài bên ngoài và ba cầu thang được bố trí ở ba nơi: hai ở đầu hồi và một dẫn vào gian chính. Do vậy mà việc đi lại, vào ra rất thông suốt và tiện lợi. Bên cạnh loại nhà dài có hành lang bên ngoài, còn có loại nhà lối đi lại được bố trí giữa lòng nhà. Nhà kiểu này, giữa các gian (các bếp) không có vách ngăn. Các đôi vợ chồng trẻ được bố trí ở trong các phòng lồi có phên tre hoặc lồ ô che kín. Đây cũng là phòng cất giữ của cải của mỗi bếp riêng biệt.
Di sản văn hóa
Thuở xưa, các thành viên trong gia tộc người Cơ Tu sống trong các nhà dài thường ở chung làm chung và ăn chung. Về sau cùng ở chung làm chung nhưng lại ăn riêng hoặc ở chung làm riêng và ăn riêng. Dù là thuộc dạng nào, người cùng cư trú dưới một mái nhà vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt, ứng xử với nhau bằng tình yêu thương sâu sắc và sống có nền nếp, kỷ cương. Mọi sự bất hòa giữa người này với người khác, giữa bếp này với bếp khác đều được giải quyết ổn thỏa, êm thấm. Phong tục, lễ nghi của bộ tộc, của gia tộc được giữ gìn, phát huy. Lương thực, thực phẩm (gạo, bắp, rau quả, thịt cá...) là do công sức của cả gia tộc làm ra. Nó được phân chia rất công bằng cho từng bếp. Mỗi bếp tự nấu nướng, vợ chồng con cái ăn riêng với nhau, trừ lúc cả gia tộc có việc chung như lễ tết, cưới hỏi, ma chay... Cha mẹ già thì sống với con trưởng, song các bếp và mọi thành viên của gia tộc đều có trách nhiệm chăm nom săn sóc, nuôi dưỡng người đã sinh thành ra mình.
Ngày nay xã hội ngày một phát triển, kinh tế hộ Cơ Tu đã dần phát triển đến trình độ cao. Trong xu thế đó để phù hợp với điều kiện và môi trường sống, các bếp trong ngôi nhà dài truyền thống tách riêng thành các hộ cá thể với ngôi nhà riêng của mình. Những ngôi nhà dài ngót trăm mét không còn nữa. Song nó vẫn là biểu tượng là thành tựu văn hóa đặc sắc và là sự thể hiện cao tính cộng đồng của dân tộc Cơ Tu dãy Trường Sơn.
NGUYỄN VĂN SƠN