Người giữ sắc chàm Cơ Tu

TẤN VỊNH 07/06/2016 08:51

Nghệ nhân già Tơ Ngôl Adớp người Cơ Tu, làng Công Dồn (xã Zuôih, Nam Giang) đi gần cả cuộc đời thủy chung với nghề dệt truyền thống. Dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn không rời bỏ cây bông vải, thuốc nhuộm, khung dệt, tấm vải thổ cẩm thấm đẫm màu chàm.

Dân tộc Cơ Tu là một trong số ít các tộc người sinh sống ở đại ngàn Trường Sơn cho đến nay còn biết đến nghề trồng bông dệt vải theo lối cổ truyền. Năm 2014, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nói đến nghề dệt vải của người Cơ Tu phải nói đến làng Công Dồn (xã Zuôih, Nam Giang) - nơi đây còn bảo lưu cách trồng bông dệt vải theo lối cổ  và giữ được những tinh hoa di sản của tiền nhân. Ấn tượng khó quên của tôi và những người cùng đi khi lần đầu đến Công Dồn cách đây hơn 10 năm chính là được gặp “thủ lĩnh” của làng về nghề dệt thủ công truyền thống. Lúc ấy, bà vẫn còn tinh anh, sức khỏe vẫn còn nên vừa làm nghề dệt vải vừa chăm lo nương rẫy, trồng bông.

Cụ bà Tơngôl Adớp  đang truyền dạy kỹ thuật dệt hoa văn gợn sóng cho thợ dệt trẻ của làng Công Dồn. Ảnh: T.V
Cụ bà Tơngôl Adớp đang truyền dạy kỹ thuật dệt hoa văn gợn sóng cho thợ dệt trẻ của làng Công Dồn. Ảnh: T.V

Hôm ấy, tại ngôi nhà làng, bà và các mẹ, các chị dạy cho các em gái cách tách hạt, bật bông, xe sợi, dồn sợi... Chúng tôi bị mê hoặc trước đôi tay của nghệ nhân Tơngôl Adớp khi tự tay mình thực hiện các thao tác chế biến sợi và luồn những sợi bông vào khung dệt, kết những hạt cườm, những sợi chỉ màu để tạo ra những hoa văn trên nền thổ cẩm. Bà Tơngôl Adớp là người nắm giữ bí quyết chế biến thuốc nhuộm vải từ cây tarâm để có màu chàm đen và xanh lơ, đây là màu nền của trang phục truyền thống Cơ Tu. Sau khi ngâm ủ, thuốc nhuộm này được chứa trong cái ché lớn để tiến hành nhuộm vải. Mỗi ngày bà phải nhúng sợi vải vào dung dịch này đến 3 lần và phải qua 3 lần thay nước nhuộm màu mới. Kỳ công hơn nữa là cách nhuộm bao sợi để cho ra loại sợi đặc biệt với những chỗ đậm nhạt khác nhau trên cùng đoạn sợi, đây là nguyên liệu dùng để dệt nên những tấm vải thổ cẩm có hoa văn gợn sóng, vân mây.

Sau nhiều năm trở lại làng Công Dồn, chúng tôi ngạc nhiên khi bà Tơ Ngôl Adớp nay ở độ tuổi 80, vẫn gắn bó với cây bông vải và khung dệt cổ truyền. Thật quý giá và mừng vui biết bao khi lần này chúng tôi cũng được theo chân bà lên thăm đám rẫy mới chuyên canh cây bông vải với những trái bông to, chắc. Con trai của bà biết ý mẹ già đã cất ngôi nhà sàn nhỏ gần rẫy bông và cũng gần nhà ở của mình để mẹ thuận lợi trong công việc. Nơi đó để sẵn khung dệt, ché đựng thuốc nhuộm, giàn phơi sợi và một số dụng cụ khác để bà làm công việc yêu thích của mình là nhuộm màu và dệt vải. Trong ché, thấy sóng sánh thuốc nhuộm, dường như bà chuẩn bị sẵn để nhuộm một lứa sợi mới. Các con gái, con dâu được bà nhắc nhở phải giữ nghề truyền thống của tổ tiên và ai cũng thành thạo nghề dệt.

Nghệ nhân già Tơ Ngôl Adớp dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn không rời bỏ cây bông vải, thuốc nhuộm, khung dệt, tấm vải thổ cẩm thấm đẫm màu chàm. Và nếu không có đôi tay dính màu chàm ấy cùng với sự cực nhọc của bà con ở làng Công Dồn thì di sản của dân tộc Cơ Tu khó trụ vững trước nguy cơ mai một.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH