Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy
Ở quê tôi khi nói về hát bội, người ta thường nhắc tới một truyền thuyết nghe rất lạ, rằng: Ngày xưa, ở làng nọ trên đầu nguồn sông Thu Bồn có một gánh hát nổi tiếng. Vào một mùa đông, trời mưa lớn liên tục nhiều ngày, làm cho nước từ trên núi cao đổ xuống, tạo thành cơn lụt lớn tràn qua làng và cuốn trôi cái trống chầu của gánh hát ấy. Cái trống làm bằng da trâu trôi lình bình trên sông, hết dạt vào làng này, lại tấp sang làng khác, cuối cùng dạt vào phố Hội An rồi ra biển. Cũng từ đó dân ở hai bên bờ sông Thu bồn đâm ra nghiện hát bội. Không những nghiện xem mà làng này, làng kia còn rủ nhau dựng các gánh hát bội để hát.
Một vở tuồng. Ảnh: H.N.T |
Không biết truyền thuyết trên có sức tác động bao nhiêu, nhưng rõ ràng, nói tới hát bội thì không mấy người dân dọc hai bên bờ sông Thu Bồn lại không mê, trong đó có quê tôi. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần có gánh hát bội về quê tôi thì y như rằng từ xóm trên đến xóm dưới tất cả rộn lên. Người lớn gặp nhau thì bàn tán, người khen đào xinh, kẻ khen kép có giọng hát ngọt. Đám trẻ con thì khỏi phải chê, khen, vì có gánh hát về là sướng rồi, đứa nào cũng xí xọn, chỉ mong trời tối. Dù rằng trẻ con không có tiền mua vé, nhưng bọn nhỏ thì nhanh chân lắm, có đủ cách để lách qua những bờ rào mà gánh hát đã che chắn. Hồi ấy, buổi tối ở quê, trẻ con có làm gì đâu mà không xem hát nên chẳng đứa nào lại dại dột chịu nằm ở nhà.
Những bếp cơm chiều trong những ngày có gánh hát bội dường như đỏ lửa sớm hơn, và khi trời tối, lúc tiếng trống tuồng “bùm bùm” xuất hiện ở đầu thôn thì trên các con đường làng tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau vang lên í ới.
Tôi không còn nhớ được, ngày xưa mình đã xem bao nhiêu vở tuồng. Mà nhớ sao được, có bao gánh hát đã ghé qua làng, nhiều lắm, mà mỗi gánh hát đâu phải chỉ diễn một vở. Còn bọn nhỏ chúng tôi thì có vở tuồng dù đã xem đi xem lại mấy lần, nhưng hễ thấy có hát lại tìm cách chui vào xem tiếp. Nào vua, quan, quân lính. Nào áo mão, cân đai. Nào người trung mặt đỏ, kẻ nịnh mặt xanh. Nào những chàng hoàng tử cốt cách phong lưu bên những công chúa quần lụa, áo gấm thướt tha…
Những khúc hát ngân lên, khi trầm khi bổng, hòa trong tiếng trống chầu lúc nhặt lúc thưa… Rồi những tiếng giáo, tiếng gươm khua vào nhau loảng xoảng và từng tràng vỗ tay vang lên khi những kẻ hung ác bị những anh hùng đánh gục. Tất cả đã lôi cuốn, đã làm chúng tôi say mê, thậm chí có nhiều đêm, khi vở diễn kết thúc nhưng chúng tôi vẫn chưa muốn về, cứ mong vở diễn kéo dài thêm, và sáng hôm sau đứa nào đứa nấy thi nhau mà kể, mà bình về các nhân vật vừa mới được xem. Còn người lớn thì mê hát cũng không thua gì đám trẻ. Cứ sau mỗi buổi diễn, hễ gặp nhau là người ta lại bình luận, lại khen, lại chê các giọng hát, khen chê ngay cả khi đang cấy lúa ngoài đồng, ngay cả trong lúc đang gặp nhau ở cái giếng làng.
“Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy”. Bọn nhỏ quê tôi có đứa nhỏ nào mà không biết câu nói ấy. Và với tôi, vào những đêm có hát bội, nếu bị cha mẹ bắt phải ở nhà thì đó là những đêm buồn không thể tả hết. Làm sao mà không buồn được trong khi ngoài kia, nơi sân đình gánh hát đang diễn và tiếng trống chầu thỉnh thoảng lại vọng tới, tùng, tùng, lảnh lót.
Nhờ những đêm hát mà chúng tôi biết được rất nhiều chuyện liên quan đến các nhân vật lịch sử nước nhà như Bà Trưng, Bà Triệu, như Đinh Bộ Lĩnh, Quang Trung… Có những vở diễn, chúng tôi xem nhiều lần, thuộc lòng nhiều đoạn, nên sau đó, khi cho trâu ra đồng, mấy đứa xúm lại, bắt chước, đứa đóng quan, đứa đóng lính rồi hát nghêu ngao. Tôi nhớ trong đám trẻ xóm tôi ngày ấy, thằng Toàn là đứa có khiếu hát tuồng. Nó bắt chước các điệu múa tuồng và diễn giống như thật, cả đến động tác bê hia nó cũng có thể làm rất điệu nghệ y hệt những đào, kép chính.
Cuộc sống ngày nay đã đổi thay, có nhiều phương tiện giải trí. Ở quê tôi cũng như các làng quê khác, những gánh hát về diễn ít dần. Dù vậy, tiếng trống chầu trong những đêm hát bội thật khó phôi pha trong tâm thức bao người. Riêng tôi, có đêm đang ngủ say lại nghe tiếng trống chầu đâu đó vọng tới, nhưng khi giật mình, mới hay mình nằm mơ, mới hay ký ức êm đềm của một thời đang thức dậy…
HOÀNG NHẬT TUYÊN