Ốc biển

TẤN VỊNH 28/05/2016 08:18

Ốc biển là tặng vật của đại dương. Ruột ốc là món ăn bổ dưỡng, vỏ ốc là chất liệu quý trong trang trí nội thất, làm đồ trang sức. Ngày nay, ở các khu du lịch biển đảo như Nha Trang, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quốc... những món trang sức như chuỗi hạt đeo cổ, vòng tay, nhẫn… làm bằng ốc biển luôn được khách du lịch ưa chuộng.

Ốc tù và được dùng để thổi trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.Ảnh: TẤN VỊNH
Ốc tù và được dùng để thổi trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.Ảnh: TẤN VỊNH

Trong khảo cổ học

Trong các di chỉ khảo cổ học “cồn sò điệp” như Bàu Tró, Bàu Dũ, Thạch Lạc, Rú Điệp... cách nay 5.000 năm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng hàng lớp lớp vỏ sò, vỏ điệp được nhiều thế hệ người nguyên thủy tạo thành “đống rác bếp” ngay tại nơi cư trú của họ. Người nguyên thủy khai thác sò, điệp để làm thức ăn và bỏ những cái vỏ lại, lâu ngày tích tụ thành gò, cồn lớn. Di chỉ khảo cổ học  Bàu Dũ (Tam Xuân 1, Núi Thành) được phát hiện và khai quật khảo cổ học trong những năm trước đây đã đưa ra những vấn đề khoa học lý thú như nơi cư trú và nơi mai táng của người nguyên thủy là gần như không phân biệt, trải qua nửa vạn năm nhưng di cốt người cổ vẫn còn nguyên vẹn...

Trong các di chỉ khảo cổ học “tiền Sa Huỳnh” phân bố ở các đảo gần bờ miền Trung Việt Nam như Bãi Ông (Cù Lao Chàm, Quảng Nam), Xóm Ốc, Suối Chình (Lý Sơn, Quảng Ngãi) thì dấu vết văn hóa biển được lưu giữ khá rõ nét. Các nhà khảo cổ đã khẳng định rằng, người Sa Huỳnh biết “tựa vào núi và vươn mình ra biển” để tồn tại và phát triển. Người Sa Huỳnh đã biết dựa vào biển để khai thác các sản vật như sò, điệp, ốc nuôi sống và làm đẹp cho mình. Vì chúng có màu sắc đẹp, cất giữ được lâu mà ít bị hư hỏng nên người xưa biết thu nhặt, chọn lựa những loại vỏ ốc mà mình ưa thích để làm đồ trang sức. Nếu đồ trang sức của cư dân “Sa Huỳnh muộn” là mã não, thủy tinh, đá ngọc... thì cư dân “Tiền Sa Huỳnh” ở miền biển là những chuỗi hạt vỏ ốc biển, con điệp biển, đốt xương sống cá...

Tại di chỉ khảo cổ học ở các đảo gần bờ, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều chuỗi trang sức bằng vỏ ốc, xương cá, các loại nhẫn bằng vỏ ốc... Nếu trong di chỉ Xóm Ốc người ta tìm thấy những vỏ ốc để nguyên con, tạo lỗ nhỏ trên thân ốc để xâu thành chuỗi hạt thì trong di chỉ Suối Chình xuất hiện nhiều vỏ ốc được mài thành những hình tròn nhỏ đều nhau, giữa các vỏ ốc có đục lỗ để xâu thành chuỗi. Điều thú vị nữa là cư dân Sa Huỳnh còn biết lấy vỏ sò in hoa văn trên đồ gốm với những dấu ấn khá đặc trưng mà các nhà khảo cổ học gọi là “hoa văn dấu vỏ sò”. Đồ gốm Sa Huỳnh có rất nhiều chủng loại như quan tài gốm, mâm bồng, bát bồng, bình đựng nước, nồi... Cùng với hoa văn hình “răng sói” thì hoa văn “dấu vỏ sò” làm cho đồ gốm Sa Huỳnh mang nét đặc trưng thẩm mỹ của một nền văn hóa cổ. Các hiện vật này quý hiếm, cổ xưa này đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi, Bảo tàng Hội An, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam...

Và trong đời sống

Theo bước tiến của lịch sử, vỏ sò, vỏ ốc càng được con người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Người ta thu nhặt vỏ sò vỏ ốc để nung vôi làm nguyên liệu sơn quét cho các công trình nhà ở và kiến trúc nghệ thuật như đình, chùa, miếu mạo. Vôi bột làm từ vỏ ốc là chất phụ gia để nhuộm màu cho các loại sợi, vải vóc.

Chuỗi trang sức vỏ ốc có qua chế tác của người Sa Huỳnh.
Chuỗi trang sức vỏ ốc có qua chế tác của người Sa Huỳnh.

Loài ốc biển vừa to vừa có màu sắc đẹp, những đường vân phủ khắp thân ốc mà người Việt, người Chăm sinh sống ở vùng biển thường khai thác để làm tù và nên gọi là ốc tù và bông. Người ta áp miệng ốc vào tai sẽ nghe được những âm thanh bí ẩn của đại dương. Muốn có chiếc tù và, chỉ cần đập một ít phần chóp nhọn làm chỗ để thổi. Ngày xưa, những người đi biển, những hùng binh Hoàng Sa thường liên lạc nhau trên biển bằng chiếc tù và này. Trong các lễ hội truyền thống như Lễ cầu ngư, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, người ta thổi tù và để liên lạc, thông quan với thần linh. Tiếng tù và mang âm hưởng của đại dương, là hiệu lệnh để ngư dân ra khơi, động viên nhau vượt qua sóng gió trùng khơi.

Thú chơi sưu tầm ốc biển đã có từ khá lâu. Đầu tiên là những ngư dân, khi đánh bắt hải sản họ thu nhặt những con ốc có vỏ đẹp như ốc tù và bông, ốc tháp, ốc đụn, kim khôi, ốc gai, ốc bàn tay, ốc bạch tạng... để trưng bày trong những chiếc tủ kính như là chứng tích của những cuộc ra khơi lặn tìm những sản vật dưới đáy đại dương. Hầu như ngư dân nào ở thôn Thuận An, xã Tam Hải, Núi Thành cũng thích trưng bày vỏ ốc và một vài nhánh san hô trong tủ kính ở phòng khách. Một số người sưu tầm vỏ ốc mang tính “chuyên nghiệp”, sở hữu bộ sưu tập vỏ ốc lên hàng ngàn mẫu khác nhau. Họ săn lùng và mua những vỏ ốc đẹp, lạ, độc đáo của ngư dân các làng chài ven biển để có được kho tàng mang hơi thở đại dương.

Chính vì vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc của nó nên ốc biển luôn là món hàng hấp dẫn, ưa thích không chỉ của cư dân miền biển mà ngay cả người Thượng. Mặc dù ở xa biển nhưng đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và một số tộc người ở vùng cao Tây Bắc là những người rất ưa thích đồ trang sức làm từ vỏ ốc biển. Món tặng vật ý nghĩa dành cho người thân sau mỗi chuyến về xuôi chính là vỏ ốc biển. Đồng bào lấy vỏ ốc phối hợp với nanh, vuốt thú, hạt mã não tạo thành chuỗi hạt đeo cổ hỗn hợp. Theo đó, yếu tố rừng pha lẫn với sắc hương biển làm cho món trang sức của đồng bào càng thêm giá trị. Các già làng trưởng bản thường đeo loại trang sức này thể hiện sự giàu có, sang trọng.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH