Bảo tồn văn hóa Cơ Tu
Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 làng truyền thống Cơ Tu tại thôn Đhơ Rôồng (xã Tà Lu), huyện Đông Giang đã định hình cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, kết hợp phát triển du lịch.
Thực trạng
Nằm cạnh quốc lộ 14G, đồng bào thôn Đhơ Rôồng hiện tập trung khoảng 50 hộ với toàn bộ là người dân tộc Cơ Tu, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông - lâm nghiệp và đan dệt. Trong đó, phụ nữ chủ yếu chăm lo việc dệt thổ cẩm, đan lát các vật dụng, còn đàn ông thì trồng lúa, đi rẫy và làm nhiều nghề khác. Nằm cao độ dao động 505 - 520m, Đhơ Rôồng có địa hình, cảnh quan thiên nhiên đẹp khi dưới chân đồi núi có dòng suối chảy róc rách, men theo là ruộng lúa. Đồng thời cây xanh đa dạng với nhiều loại cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây bụi… tạo nên khung cảnh làng quê dân dã, hiền hòa. Đặc biệt, không gian sinh hoạt cộng đồng vẫn diễn ra tại gươl. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước bằng các dự án cụ thể hay chương trình mục tiêu khác, diện mạo của thôn có những đổi thay đáng mừng, kinh tế - xã hội biến chuyển rõ rệt. Hưởng lợi từ các dự án tài trợ, đề án phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Mục tiêu đồ án là phải giữ gìn, phát huy nghề truyền thống. Ảnh: C.T |
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển, giao thoa văn hóa, đồng bào Cơ Tu đã và đang có xu hướng thoát ly dần những nét riêng vốn có. Qua khảo sát của cơ quan chức năng và nhà chuyên môn cho thấy, nhà ở khu vực Đhơ Rôồng hiện nay đa số là nhà gạch, lợp mái ngói hoặc bằng tôn. Lác đác còn lại là công trình nhà ở theo kiến trúc truyền thống đã xuống cấp. Nhà gươl cũng trong cảnh tương tự. Ngoài ra, để đi được vào thôn, ngoài tuyến giao thông đối ngoại quốc lộ 14G, người dân chỉ có thể lưu thông trên các trục đối nội mà phần lớn là mặt đường đất (chỉ có một tuyến bề mặt bê tông xi măng). Địa hình thay đổi tương đối lớn gây khó khăn cho khâu xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Nguồn nước được đồng bào sử dụng trực tiếp khi lấy từ thượng nguồn đưa về bể chứa bằng bê tông xi măng, chưa thông qua hệ thống xử lý sẽ không đảm bảo cung cấp về lâu dài. Hiện trạng thoát nước bẩn, thu gom rác thải còn nhiều vấn đề đáng bàn nếu muốn phát triển bền vững.
Bảo tồn theo nguyên trạng
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Đông Giang luôn khẳng định việc khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử của đồng bào Cơ Tu là vấn đề sống còn. Theo đó, Huyện ủy, HĐND, UBND Đông Giang ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động có liên quan. Đối với làng truyền thống Đhơ Rôồng nói riêng, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, huyện đã có bước đi cụ thể khi tổ chức thực hiện lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với sự tư vấn của liên danh Công ty CP Thiết kế và xây dựng S.E.N và Công ty CP Phát triển đô thị ANGKORA. Mục tiêu phải hình thành làng có đầy đủ các đặc điểm văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc Cơ Tu, gắn với cảnh quan thiên nhiên như đồi núi, suối, ruộng lúa... Chính cuộc sống lao động, sinh hoạt cộng đồng là tiền đề hướng đến phát triển du lịch.
Theo đề xuất của nhà tư vấn và được chỉnh sửa sau khi các bên có trách nhiệm góp ý, đồ án quy hoạch chi tiết này nếu tổ chức thực hiện sẽ giữ lại các nhà ở hiện trạng và khuyến khích người dân từng bước chỉnh trang đúng kiến trúc nhà sàn người Cơ Tu. Tổ chức thành khu làng nghề thống, tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch, nâng cao đời sống đồng bào. Khu đón tiếp sẽ nằm ngay lối vào chính của làng, tiếp giáp quốc lộ 14G. Trại sáng tác và trưng bày các sản phẩm điêu khắc được bố trí ở sườn đồi phía bắc. Tạo điểm nhấn chung, cánh đồng lúa sẽ giữ nguyên hiện trạng. Đặc biệt, chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo nguồn thu ổn định là cơ sở cho việc trùng tu, sửa chữa các công trình kiến trúc, cảnh quan của làng Đhơ Rôồng trong tương lai. Xây dựng chương trình đào tạo, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ phục vụ, ứng xử của người bản địa đối với du khách. Hàng loạt vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, cùng giải pháp tháo gỡ đều được đề cập chi tiết để đạt mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
CÔNG TÚ