Tìm trong Quốc văn giáo khoa thư
Quốc văn giáo khoa thư là bộ sách gồm ba tập dùng để dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học thời Pháp thuộc, khoảng giữa thập niên 20 đến giữa thập niên 40 của thế kỷ XX. Sách do Nha học chính Đông Pháp chủ trương giao cho các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Đây là những nhà sư phạm mẫu mực, uyên bác nổi tiếng một thời. Bộ sách có thể được xuất bản năm 1928, có thể trễ hơn, vì bản in năm 1941 cho biết đây là lần tái bản thứ 14. Ba tập của bộ sách dùng cho ba năm. Tập 1 dùng cho lớp đồng ấu (tương đương lớp 1 ngày nay), tập 2 dùng cho lớp dự bị và tập 3 dùng cho lớp sơ đẳng, tương đương lớp 3 ngày nay.
Sau năm 1975, cho rằng cần một nền giáo dục tiến bộ phù hợp với việc đào tạo con người Việt Nam mới, các nhà giáo dục đã loay hoay tìm một chương trình và bộ sách giáo khoa phù hợp để giảng dạy - nhất là cho chương trình tiểu học, được xem là nền móng cho sự nghiệp giáo dục. Họ đã thực hiện nhiều lần cải cách. Nhưng theo tôi, về nội dung sách giáo khoa môn văn ở cấp tiểu học, các quyển sách biên soạn đều không có quyển nào “qua mặt” quyển “Quốc văn giáo khoa thư” được soạn cách đây hơn nửa thế kỷ.
Tính vượt trội của Quốc văn giáo khoa thư là ở chỗ không đưa vào rao giảng các loại đạo đức cao siêu hoặc mang màu sắc chính trị mà chỉ quan tâm tạo cho trẻ sự hình thành nhân cách thông qua ngôn ngữ văn chương, qua các câu chuyện kể, những bài thơ cổ, những câu ca dao, tục ngữ, những điển tích, những bậc tiền nhân để noi gương.
Sách lồng ghép với các nội dung miêu tả sự vật, tả cảnh, tả tình là những mẩu chuyện về lòng yêu quê hương đất nước, bổn phận đối với gia đình, gia tộc, tổ tiên, nhà trường; là lòng yêu thương loài vật, con người, môi trường xung quanh.
Ta vẫn thường nhấn mạnh dạy văn là dạy người, văn dĩ tải đạo. Quốc văn giáo khoa thư đã đáp ứng được điều đó. Đối với học sinh tiểu học, đầu óc các em là một tờ giấy trắng trong suốt. Những bài học trong Quốc văn giáo khoa thư đã in vào đầu óc các em cái “đạo làm người” mà mãi về sau khi khôn lớn, dù bị vùi dập của cuộc đời, cái “đạo” học được của “thuở đầu đời” luôn là cái thắng (phanh) kịp thời giữ cho các em sống đạo đức, sống cho ra người.
Ngoài nội dung rất phù hợp lứa tuổi và rất “nhân bản” sách Quốc văn giáo khoa thư còn hai điểm nổi bật khác, đó là:
- Câu văn trong Quốc văn giáo khoa thư rất trong sáng, ngắn gọn, chấm phẩy đúng chỗ; ngôn ngữ mang tính thuần Việt, ít dùng từ Hán - Việt chêm vào làm cho câu văn trở nên nặng nề, khó hiểu. Ngoài ra sách còn đưa vào nhiều bài ca dao, giúp trẻ em hiểu được tiếng nói mộc mạc, chân chất nhưng không kém phần thi vị của dòng văn học dân gian nước ta.
- Gợi ra trong sách là hình ảnh một nước Việt Nam nông nghiệp, một nông thôn hiền hòa với những giá trị đạo đức cổ truyền rất gần gũi. Cái nông thôn hiền hòa đó là những giá trị ẩn tàng có sức “miễn nhiễm” rất cao trước sự tác động tiêu cực mặt trái của quá trình đô thị hóa. Tìm lại một nông thôn hiền hòa của nước ta ngày trước không gì bằng đọc lại Quốc văn giáo khoa thư.
Có lẽ vì vậy, gần đây sách đã được in lại để tham khảo và có người còn đề nghị đưa một số bài thuộc lòng và bài tập đọc của Quốc văn giáo khoa thư vào sách giáo khoa tiểu học hiện nay.
LÊ THÍ