Văn Thánh - Khổng Miếu Tam Kỳ: Gọi tên nào cho đặng?
Văn Thánh - Khổng Miếu là quần thể kiến trúc độc đáo, trở thành điểm nhấn văn hóa của TP.Tam Kỳ. Đây là điểm Di tích lịch sử-văn hóa-nghệ thuật cấp Quốc gia, được Bộ VH-TT chính thức công nhận từ năm 2006. Thế nhưng tên gọi di tích này vẫn còn thăng trầm như lịch sử hình thành công trình.
Điểm đến trên bản đồ du lịch
“Khổng Miếu”- miếu thờ đức Khổng Tử, là tên gọi chính thức hiện nay, được gắn theo biển đề di tích. Tháng 8.2011, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ xây dựng, quần thể kiến trúc này được tiến hành trùng tu, tôn tạo lại khá bề thế, quy mô. Trong quá trình trùng tu, đã giữ được tính nguyên trạng của năm công trình cũ: Phía trước là cổng tam quan, hồ bán nguyệt; phía sau là ngôi chánh điện, tháp chuông và tháp trống (tả - hữu). Năm kiến trúc này được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nên ít nhiều đã bị xuống cấp. Ngoài ra có phần tôn tạo thêm ở khu giữa, với hai dãy nhà Cầu (nhà nối dài) và hai gian nhà gạch theo lối kiến trúc cổ, nằm đối diện phía trước sân. Phần chạm trổ cấu kiện gỗ và trang trí hoa văn của hai gian nhà mới, do những bàn tay tài hoa của nhóm mộc Kim Bồng nổi tiếng ở Hội An góp phần phục dựng. Nhờ đó, toàn cảnh khu Khổng Miếu không chỉ tạo được cảnh sắc thâm nghiêm, cổ kính của một di tích lớn mà còn là một quần thể liên hợp, hài hòa với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật.
Văn Thánh - Khổng Miếu, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của TP. Tam Kỳ. Trong ảnh: Học sinh viết thư pháp nhân Ngày thơ Việt Nam năm 2015 tại Văn Thánh - Khổng Miếu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ngay khi công trình trùng tu hoàn chỉnh, di tích Khổng Miếu trở thành một trọng điểm văn hóa - du lịch của Tam Kỳ. Nơi đây không chỉ là điểm tham quan, tìm hiểu lý tưởng của học sinh - sinh viên mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thành phố. Hàng năm, các lễ hội Xuân thường xuyên diễn ra tại Khổng Miếu, như: Đêm thơ Nguyên tiêu, chơi bài chòi, hát dân ca và những trò chơi dân gian... Đặc biệt, cứ vào dịp tháng 7, chính quyền TP.Tam Kỳ tổ chức lễ phát thưởng Giải thưởng Phan Châu Trinh cho những học sinh, sinh viên ưu tú thuộc địa bàn thành phố. Đây là việc làm không đơn thuần mang tính cổ vũ mà nó có ý nghĩa kế thừa, tôn vinh Đạo học của truyền thống Hà Đông xưa...
Tuy nhiên, vấn đề tồn tại với người Tam Kỳ hiện nay là nên gọi di tích này là khu “Văn Thánh - Khổng Miếu” hay “Khổng Miếu Tam Kỳ”? Hoặc định danh lại? Do tính đặc thù lịch sử của địa phương về công trình nói trên, người viết muốn tìm lại những nguyên nhân cơ bản, để làm cơ sở thẩm định.
Theo dòng lịch sử
Theo nhiều bậc cao niên ở phường Tân Thạnh ngày nay, trước thập niên 60 của thế kỷ XX tại địa điểm hiện tại đã có một ngôi miếu nhỏ bị hoang phế. Tương truyền đó là ngôi miếu thờ đức Khổng Phu Tử, do một số Nho sĩ trong vùng dựng lên, để suy tôn vị Thánh nhân của nền Nho học. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, nền Nho học đã trở nên lỗi thời và ngôi miếu cũng dần bị rơi vào quên lãng, sụp đổ.
Năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm chia tách Quảng Nam và xây dựng tỉnh đường Quảng Tín ở Tam Kỳ. Đến đầu năm 1963, khi Tam Kỳ trở thành trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín, các thân hào - nhân sĩ địa phương đứng ra xin lập “Văn hội Nho học huyện Hà Đông”. “Văn hội” này tập hợp được nhiều nhân sĩ Hán học của vùng đất Hà Đông xưa và bầu ông Nguyễn Vĩnh Mậu (người Tam Kỳ) làm Hội trưởng.
Trong thời điểm ấy, khu Văn Thánh Chiên Đàn (tọa lạc ở khu vực Trường THCS Trần Phú, xã Tam Đàn bây giờ) bị ảnh hưởng thiên tai và chiến tranh nên đã hư hại, đổ nát. “Văn hội Nho học” ở Tam Kỳ vận động công sức và tiền của các chức sắc trong hạt, đem những gì còn sử dụng được của Văn Thánh Chiên Đàn vào xây dựng lại trong khuôn viên của ngôi miếu thờ Khổng Tử - Tam Kỳ (thuộc khối phố Mỹ Thạnh Bắc).
Theo nhiều tài liệu, tư liệu ở Tam Kỳ và 2 xã Tam An, Tam Đàn (huyện Phú Ninh) còn giữ được những ghi chép khá đầy đủ về sự chuyển dời, quyên góp này. Mục đích của các vị là nhằm phục dựng cái nôi văn hóa của huyện Hà Đông xưa và để suy tôn Đạo học - đặc biệt là văn chương cổ học. Vì thế, “Văn hội...” này quyết định đổi tên “Văn Thánh” thành “Khổng Miếu”. Các vị xây dựng gian Chánh điện để thờ đức Khổng Tử và gian hậu điện thờ các bậc danh Nho, tiến sĩ của đất Hà Đông xưa. Để thể hiện sự nghiêm cẩn, sùng bái Đạo học và đức Khổng Tử, trước điện thờ các vị cho khắc hai câu đối:
“Truyền văn ước lệ thệ môn tạp ngôn
Nhập ốc thăng đường tuần tự nhi tiến”
Tạm dịch: (Truyền nền văn giữ điều lễ, rời bỏ nơi nói lời hỗn tạp
Vào trong nhà bước lên sảnh, cứ tuần tự mà đi lên).
Ngoài câu đối, trong nội điện còn có nhiều bức hoành đại tự, cùng thể hiện tinh thần “tôn sư, trọng đạo” của hậu thế. Phần lớn các bức hoành này đều được mang từ Văn Thánh Chiên Đàn vào Khổng Miếu mới dựng lại.
Trong khi đó, gốc phát tích của “Khổng Miếu” (1963- 1970) bắt nguồn từ mô hình, kiến trúc của Văn Thánh Chiên Đàn. Đây là một khu Văn Thánh khá quy mô, đã có bề dày lịch sử gắn với tổng Chiên Đàn và cả huyện Hà Đông. Người xưa dùng chữ “Văn Thánh” để chỉ cấp dưới của “Văn Miếu”. Đều là những công trình huấn học, suy tôn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng từ cấp tỉnh trở lên mới được dựng Văn Miếu.
Dưới thời vua Minh Mạng, phần lớn các huyện có nhiều nhà nho đỗ đạt, thành tài đều được quan chức địa phương trích tiền công quỹ để xây dựng Văn Thánh. Bởi thế, ở Quảng Nam thời gian này có nhiều huyện cùng lập Văn Thánh, như: Văn Thánh Duy Xuyên, Văn Thánh Cẩm Phô, Văn Thánh Hà Lam... Và Văn Thánh Chiên Đàn cũng có nguồn gốc tương tự. Tuy gọi tên Văn Thánh gắn với tổng (tổng Chiên Đàn), nhưng lúc bấy giờ thủ phủ của tổng Chiên Đàn cũng tọa lạc trong khuôn viên của huyện lỵ Hà Đông (thuộc khu vực xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh bây giờ).
Văn Thánh Chiên Đàn được tiến hành xây dựng và hoàn thành trong gần 3 năm (từ đầu năm 1840 đến giữa năm 1842). Nơi đây cũng có thờ Khổng Tử, Chu Văn An, nhưng chủ yếu để vinh danh những bậc công thần, khoa bảng trong huyện như Nguyễn Dục, Trần Văn Dư... Đã thành “lệ”, hằng năm khi có nho sĩ trong huyện và tổng Chiên Đàn đỗ đạt từ tú tài trở lên, đều được rước về Văn Thánh bái tổ và hậu thưởng.
Đặc biệt, đến những năm đầu thế kỷ XX, khu Văn Thánh trở thành nơi hội họp, mít tinh của các chí sĩ Duy tân, chống thuế. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và cả Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng đã nhiều lần đăng đàn, diễn thuyết về “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, kêu gọi đồng bào “kháng sưu, cự thuế”... tại sân Văn Thánh Chiên Đàn. Vì thế, khi phong trào chống thuế nổ ra nhiều nơi trên đất Quảng Nam (1908), chính quyền thực dân đã buộc đóng cửa Văn Thánh và truy bắt những người tham gia vận động, diễn thuyết tại đây. Nhưng những sự kiện ấy chưa đủ đánh dấu chấm hết vai trò của Văn Thánh Chiên Đàn... Tuy nhiều năm sau đó, Văn Thánh không được phép “tụ tập đông người”, nhưng các sĩ phu trong hạt vẫn dùng nơi đây để bí mật kết giao, truyền bá tư tưởng chống Pháp. Khi cuộc vận động, hưởng ứng vua Duy Tân khởi nghĩa và các sĩ phu kéo về chiếm phủ đường Tam Kỳ (3.1916), cũng là thời điểm Văn Thánh Chiên Đàn bị “đóng cửa” vĩnh viễn. Từ đó, nơi đây không có người hương khói, bảo quản lại liên tiếp bị bão lụt rồi bom đạn chiến tranh tàn phá nên phần lớn khu Văn Thánh đã bị đổ nát.
Vài ý chủ quan
Như vậy, Văn Thánh hay Khổng Miếu đều có phần lịch sử, tầm vóc riêng của nó. Cho dù hiện tại, có lúc xướng danh là “Văn Thánh - Khổng Miếu”; có khi chỉ gọi theo biển hiệu là “Khổng Miếu”, nhưng cả hai đều không thể thuyết phục được ý nguyện của nhân dân Tam Kỳ. Hơn thế, điểm văn hóa này đã trở thành một di tích lịch sử - văn hóa - nghệ thuật cấp Quốc gia, cần phải được chính danh và đúng nghĩa thực tế của di tích.
Như mọi người đã biết, “Khổng Miếu” ở đây từng là một ngôi miếu nhỏ, chỉ để thờ đức Khổng Tử (thời cổ đại Trung Hoa) của các bậc nho sinh thời xưa. Bản thân các nhà nho thế hệ sau, cũng thấy không còn “mặn mà” với bậc Thánh sư của mình, nên ngôi miếu (ở phường Tân Thạnh) đã bị hoang phế từ lâu. Hơn nữa, đây là nếp văn hóa đã lỗi thời, không cần thiết phải đề cao, khôi phục. Bài học về việc dùng “linh vật” sư tử đá (của Trung Quốc) vẫn đang là thời sự nóng hổi của chúng ta hiện nay!
Còn “Văn Thánh Chiên Đàn” là một khu “Văn Miếu” cấp huyện, có tính kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, nhằm đề cao sự học và vinh danh những bậc hiền tài vì nước, vì dân. Xét ở góc độ lịch sử, khu Văn Thánh này còn gắn liền với nhiều sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn Hà Đông - Tam Kỳ, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu XX. Tuy nhiên, nguyên mẫu của Văn Thánh không còn nữa và địa điểm của di chỉ này cũng đã bị thay đổi. Vì thế, rất khó chấp nhận nếu khôi phục tên gọi cũ.
Nên chăng Di tích Khổng Miếu ngày nay cần có sự xác định lại tên gọi cho phù hợp? Cũng đã có ý kiến đề xuất gọi tên di tích này là: “Văn Thánh Hà Đông” hoặc “Văn Thánh Tam Kỳ”?
NGÔ PHÚ THIỆN