Công bố quần thể cây pơmu là Cây di sản Việt Nam

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 11/05/2016 16:18

(QNO) - Tối 10.5, huyện Tây Giang tổ chức lễ đón nhận quyết định công bố quần thể cây pơmu là Cây di sản Việt Nam; điệu múa tâng tung - da dá; dệt thổ cẩm và điệu nói lý - hát lý của người Cơ Tu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện khởi động năm du lịch Tây Giang 2016.

Ông Bh ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đón nhận bằng chứng nhân Cây di sản Việt Nam đối với 725 cây pơmu. Ảnh: C.N
Ông Bh ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đón nhận Bằng chứng nhận Cây di sản Việt Nam đối với 725 cây pơmu. Ảnh: C.N

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; đại diện các sở, ban ngành tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) và hàng nghìn nhân dân vùng cao Tây Giang đến dự.

Phát biểu khởi động chương trình năm du lịch Tây Giang 2016, ông Bh'riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nhấn mạnh, chủ trương của huyện Tây Giang là lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa phát triển văn hóa, thu hút đầu tư và du lịch là phương châm, định hướng của Tây Giang bây giờ và những năm sắp đến. Bởi Tây Giang có lợi thế về rừng, có cảnh sắc, có văn hóa truyền thống độc đáo và đầy bản sắc, vì vậy không thể để những lợi thế đó nằm ngoài công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, khởi động năm du lịch Tây Giang 2016 là một bước khởi đầu đầy kỳ vọng cho phát triển du lịch tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với điệu múa tâng tung - da dá, nói lý - hát lý và nghề duyệt thổ cẩm Cơ Tu. Ảnh: C.N
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với điệu múa tâng tung - da dá, nói lý - hát lý và nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu. Ảnh: C.N

Ông  Bh'riu Liếc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cấp ngành và nhân dân toàn huyện cùng chung tay gìn giữ giá trị của các di sản, bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch để có thể đưa Tây Giang thành một điểm đến hấp dẫn của Quảng Nam và miền Trung trong những năm sắp đến. Cũng trong lễ khởi động, nhiều chương trình nghệ thuật mang tên "Tiếng gọi đại ngàn" đã mang đến cho đông đảo đại biểu và người dân Tây Giang một đêm hội đầy màu sắc, giới thiệu cảnh sắc và văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Cơ Tu.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Giang là địa phương giàu tiềm năng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng về văn hóa với sự đoàn kết của cộng đồng dân tộc. Sự kiện các giá trị văn hóa, thiên nhiên được công nhận di sản quốc gia không chỉ là vinh dự của chính quyền và nhân dân Tây Giang, mà còn là niềm vinh dự chung của cả tỉnh. Đây cũng là cơ hội để Tây Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch trên nền tảng các giá trị lịch sử văn hóa và thiên nhiên dựa vào cộng đồng.

Đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao chứng nhận bảo trợ di sản đối với Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang. Ảnh: C.N
Đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao Bằng chứng nhận bảo trợ di sản đối với làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang. Ảnh: C.N

Dịp này, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cũng trao Bằng chứng nhận bảo trợ di sản đối với làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang; huyện Tây Giang cũng phát động ủng hộ Quỹ nghĩa tình biên giới nhằm chia sẻ với những khó khăn của các bản làng vùng biên Kà Lừm (Sê Kông, Lào).

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG