Phát hiện một giếng Chăm cổ tại Quế Sơn

PHAN VINH - TRIÊU NHAN 06/05/2016 16:04

(QNO) - Ngày 5.5, Sở VH-TT&DL phối hợp với chính quyền và nhân dân thôn 6, xã Hương An, Quế Sơn tiến hành khoanh vùng, bảo vệ giếng Chăm cổ có niên đại từ rất sớm vừa phát lộ.

Sở VH-TT&DL khảo sát giếng Chăm tại Quế Sơn. Ảnh: P.V
Sở VH-TT&DL khảo sát giếng Chăm tại Quế Sơn. Ảnh: P.VINH

Được biết, giếng được xây dựng theo kết cấu hình vuông, mỗi cạnh khoảng gần 1m, được xây bằng gạch Chăm cổ, đồng chất liệu được sử dụng để xây dựng các đền tháp của người Chăm cổ trên địa bàn Quảng Nam. Giếng Chăm được phát hiện nơi cách phế tích Chăm Hương Quế, xã Hương An, Quế Sơn (di tích lịch sử cấp tỉnh) khoảng 20m, nơi có một quần thể các di tích như bia Chăm, tượng bò thần, các miếu Chăm. 

Bia Chăm nằm cách giếng cổ 20m. Ảnh: P.VINH
Bia Chăm nằm cách giếng cổ 20m. Ảnh: P.VINH

Theo ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Quảng Nam có trên dưới 10 giếng Chăm còn tồn tại rải rác, đáng chú ý là các giếng Chăm ở Cù Lao Chàm (Hội An), Tam Hải (Núi Thành), và Quế Sơn lần này. Các giếng Chăm còn tồn tại vốn có nhiều kết cấu khác nhau. Tuy ranh giới giữa các giếng cổ do người Việt tiếp thu kiến trúc, kết cấu xây dựng của người Chăm và các giếng do chính người Chăm tạo ra là rất khó phân biệt, song căn cứ vào những đặc trưng riêng, giới khoa học có thể xác định được chủ nhân xây dựng, niên đại của giếng.

Một giếng Chăm cổ ở xứ Quảng. Ảnh: T.NHAN
Một giếng Chăm cổ ở xứ Quảng. Ảnh: T.NHAN

“Vẫn chưa thể xác định được niên đại của giếng. Cần có thêm những khảo sát, những chứng cứ khoa học, nghiên cứu, thẩm định để tìm ra giá trị lịch sử của nó. Hiện, cơ quan chức năng và địa phương đã khoanh vùng, đóng cọc, làm hàng rào bảo vệ di tích phục vụ cho công tác khảo sát, nghiên cứu” - ông Hồ Xuân Tịnh nói.

PHAN VINH - TRIÊU NHAN

PHAN VINH - TRIÊU NHAN