Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải: Giai điệu khơi nguồn ở tình quê
Sinh ra trên mảnh đất Điện Quang, thị xã Điện Bàn với dòng Thu Bồn và những biền dâu xanh ngát, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải đã có một tuổi thơ êm đềm với đồng bãi những chiều chăn trâu, cắt cỏ, hay cùng bà, cùng mẹ bên bếp lửa lò tráng bánh trong ngày nắng lên…
Tất cả dấu ấn tuổi thơ tươi đẹp đã mãi mãi in sâu vào ký ức... để rồi khi bước chân vào con đường nghệ thuật, những dòng nhớ, dòng thương da diết ấy chợt ngân rung thành giai điệu âm nhạc, giúp anh trải lòng với quê hương, xứ sở.
Nơi neo đậu tâm hồn
Quen biết nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải đã lâu, từ thời anh còn làm Chủ nhiệm Nhà văn hóa Điện Bàn những năm 90 thế kỷ trước, nhưng phải qua rất nhiều lần hẹn hò, tôi mới được cùng anh về thăm thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang để tìm lại những dư vị ngọt ngào, những ân tình sâu thẳm đã bồi đắp cho tâm hồn anh chất “men” quý giá, giúp anh thăng hoa trong âm nhạc và vững bước trên đường đời. Thôn Bến Đền Tây từ trên cao nhìn xuống trông giống như một bàn cờ với những đường kẻ, ô vuông ngay hàng thẳng lối được ôm ấp bởi tre xanh và dòng sông quê với bờ bãi ngút ngàn…
Yêu thích văn nghệ từ nhỏ, Huỳnh Ngọc Hải được biết đến là “cây văn nghệ” của thôn, của xã. Anh bén duyên với văn nghệ từ năm 1978 rồi được chọn làm đội trưởng đội thông tin, lưu động của xã Điện Quang; sau một quãng thời gian thì lên Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin kiêm Chủ nhiệm Nhà văn hóa huyện Điện Bàn. Những năm đầu tham gia phong trào văn nghệ, với vai trò là diễn viên đơn ca, viết kịch bản thông tin, Huỳnh Ngọc Hải đã từng bước tập tành sáng tác nhạc, hầu hết bài hát của anh lúc bấy giờ đều khá đơn giản, mộc mạc như làng Bến Đền của mình. Nhưng, theo nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải, chính chất men quê xứ và những thử nghiệm đầu tiên ấy lại cho anh nhiều kinh nghiệm, cảm xúc quý giá để sau này khi tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp đã góp phần không nhỏ hình thành nên nhiều ca khúc được công chúng đón nhận. Anh bảo, mỗi lần đặt bút viết ca khúc về mảng đề tài quê hương, đất nước, dù là bất cứ đâu thì bóng dáng làng quê Bến Đền - Gò Nổi… lại hiện lên với biết bao hình ảnh tươi đẹp, tràn trề cảm xúc.
Đêm giao lưu tác giả, tác phẩm “Dòng nhớ - dòng thương” của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải tại Nhà Văn hóa huyện Điện Bàn. |
Sâu nặng với quê hương, thiết tha với ước mong viết thật nhiều bài hát thể hiện tình quê, tình người cũng như những giá trị văn hóa truyền thống hằng thấm sâu trong đời sống làng quê. Nên nhiều năm sau này, dù có phải xa quê trên cương vị công tác mới ở trung tâm tỉnh lỵ, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải vẫn đều đặn có ca khúc mang bóng dáng quê nhà hoặc ít ra là phảng phất hồn quê như: Tôi là trưởng thôn, Cô gái làng dâu, Làng quê, Nơi hai dòng sông chảy qua hay Đêm trăng sông Thu... Và, rất nhiều ca khúc ở mảng đề tài của anh đã được “người ở quê” đón nhận, vui hát say sưa mỗi khi có dịp ngồi lại bên nhau.
Khởi từ chất liệu dân ca
Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải bảo rằng, quê hương Gò Nổi đã góp phần rất lớn làm nên phong cách sáng tác âm nhạc của anh: đằm thắm chất dân ca xứ Quảng. Điển hình là ca khúc “Âm vang trống trận” - phát triển chất liệu âm nhạc Tuồng, một loại hình nghệ thuật đặc trưng của Quảng Nam. Ca khúc này đoạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2000 và ghi dấu ấn trong rất nhiều liên hoan nghệ thuật quần chúng từ địa phương đến trung ương từ khi ra đời. Hay “Cô gái làng dâu” - ca khúc phát triển từ chất liệu hò khoan miên man sông nước của Quảng Nam và được khởi sinh từ câu ca “Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu / Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình” ngợi ca cô gái họ Đoàn, người được nhân dân phong là Bà chúa Tằm tang…
Suốt nhiều năm qua, bằng những cảm xúc chân thành, sâu đậm về cuộc sống anh cũng đã cho ra đời khá nhiều ca khúc về đề tài tình yêu đôi lứa như “Chiều” - ca khúc thể hiện sự nuối tiếc khi dòng đời cứ trôi, nuối tiếc tuổi xuân mau chóng qua đi và là dòng tâm sự với bạn bè trước những đổi thay còn - mất: Chiều/ muốn ngả về đêm/ muốn thêm tóc trắng/ Sao chiều vội vã. Lá/ xin lá thôi rơi/ đừng hát quanh tôi/ lời chiều buông…”. Ở mảng đề tài này, Huỳnh Ngọc Hải vẫn có những ca khúc với nét nhạc tươi vui đầy hào hứng trong men say đất trời hòa quyện như “Xuân trên đồng” với: Đồng xanh khoác áo mới/ Đón chào mùa xuân tới/ Long lanh trong gió chiều/ Lúa hẹn nhiều bông…”.
Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải còn có một đề tài khá tâm huyết cũng được khơi nguồn từ tình quê da diết. Đó là mảng ca khúc viết cho thiếu nhi. Từng đoạt giải C ở cuộc vận động sáng tác ca khúc do NXB Kim Đồng phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tập ca khúc thiếu nhi Chuyến tàu Bắc - Nam. Anh không chỉ viết nhiều cho thiếu nhi mà còn trực tiếp hướng dẫn từng lời ca, động tác thể hiện của các diễn viên nhí qua các mùa hội diễn Hoa phượng đỏ được tổ chức thường xuyên vào mùa hè những năm trước đây. Cũng như nhiều nhạc sĩ xứ Quảng, sinh ra và lớn lên ở đồng quê, trải thời thơ ấu với biết bao kỷ niệm đẹp cùng cánh diều vi vu, cùng bờ bãi đầy ắp mùi rơm rạ, cùng lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ... nên khi tóc đã hoa râm, anh vẫn mãi nâng niu những dấu ấn thời thơ ấu. Và, viết cho thiếu nhi là cách để tìm lại hình bóng mình. Chính vì thế, trong gia tài âm nhạc của anh, mảng ca khúc thiếu nhi chiếm một số lượng lớn, trong đó có nhiều bài được tuổi thơ đón nhận nồng nhiệt. Tiêu biểu cho mảng ca khúc này là hai bài hát “Hát dưới Tượng đài anh Trỗi” - và “Bánh tráng tròn quay”.
Dòng nhớ - dòng thương…
Huỳnh Ngọc Hải đoạt một số giải thưởng như: - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Âm vang trống trận” năm 2004; “Bánh tráng tròn quay” năm 2007; “Sóng đen” năm 2012. - Giải thưởng Nhà xuất bản Kim Đồng: “Chùm ca khúc (5 bài) về thiếu nhi” (2001-2002). - Giải thưởng Cục Văn hóa cơ sở: “Tôi là trưởng thôn” (2014). - Giải thưởng thành phố Cần Thơ: “Cần Thơ trên bến dưới thuyền”. - Giải thưởng “Văn học Nghệ thuật Đất Quảng” lần I (1998-2008 ) “Văn học Nghệ thuật Đất Quảng” lần II (2009-2013). |
Nhiều năm trở lại đây, trên cương vị Giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải vẫn đều đặn cho ra đời rất nhiều tác phẩm âm nhạc với nhiều loại hình như ca khúc, khí nhạc, hợp xướng… Anh bảo, vì luôn gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, nên giờ nghỉ hưu vẫn tiếp tục góp phần cùng anh em phát triển phong trào, nhất là trên lĩnh vực âm nhạc. Dự định, sau hợp xướng “Tên anh là dũng sĩ” viết theo đơn đặt hàng, anh sẽ viết một Acabella (hợp xướng không nhạc đệm) với chủ đề: “Thu Bồn, dòng nhớ - dòng thương”. Đây là điều Huỳnh Ngọc Hải ấp ủ từ khá lâu. Bởi vậy, anh đã quyết định lấy đó làm tiêu đề cho đêm nhạc chia tay 40 năm công tác của mình: “Huỳnh Ngọc Hải: dòng nhớ - dòng thương” vừa được tổ chức ở Điện Bàn. Đêm giao lưu tác giả, tác phẩm “Dòng nhớ - dòng thương” của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải tại Nhà Văn hóa huyện Điện Bàn là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu. Người đến là bạn bè văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, là anh em đồng nghiệp, là bà con Bến Đền - Gò Nổi, Vĩnh Điện - Điện Bàn… Những ca sĩ, giọng hát xuất hiện trong đêm giao lưu tác giả, tác phẩm này phần lớn là những người từng cộng tác với anh trong công việc. Đó là Thảo Vân, Vy Linh (Đà Nẵng), Khắc Vận, Thanh Côi, Thanh Hằng, Mỹ Ly (Trung tâm văn hóa tỉnh), các em thiếu nhi Tam Kỳ, Điện Bàn - những mầm xanh nghệ thuật từng đi qua bao mùa hội diễn Hoa phượng đỏ… Tất cả đều có chung mong muốn được hát hết mình, biểu diễn hết mình như một món quà chia tay người anh, người nhạc sĩ họ trân quý.
“Dòng nhớ - dòng thương” như là cách để nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải tri ân cùng đất mẹ Điện Bàn và cũng là sự ghi nhận mà người Điện Bàn dành cho anh vì những đóng góp phong trào văn nghệ quê hương. Đây cũng là dịp để người yêu âm nhạc cảm nhận một cách đầy đủ những sáng tác của Huỳnh Ngọc Hải trong suốt gần 40 năm trên con đường làm văn hóa - văn nghệ. Có thể nói, “Dòng nhớ - dòng thương” đã đem đến cho người dự khán dư vị ngọt ngào về sự rung động chân thành của trái tim một người nhạc sĩ với dòng sông tình yêu nỗi nhớ, với dòng đời bề bộn lo toan không ít niềm vui nỗi buồn đã đi qua…
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC