Xếp hàng dọc, dàn hàng ngang
Sau sự kiện động đất kép kinh hoàng hồi tháng 3.2011, hình ảnh cậu bé người Nhật Bản khoảng 9 tuổi xếp hàng chờ đến lượt nhận thực phẩm đã khiến dư luận quốc tế thán phục. Chuyện kể, đứng lẫn trong hàng dài người tị nạn chờ phát thực phẩm, chỉ mong manh áo thun quần đùi, người thân không biết còn sống hay đã chết… nhưng cậu bé vẫn yên lặng chờ đến lượt. Thương tình, một phóng viên cởi áo khoác trùm lên người cậu, vô tình bao lương khô (khẩu phần ăn tối) của mình rơi ra ngoài và anh nhặt lên tặng luôn cậu bé vì sợ khi đến lượt chắc sẽ hết thức ăn. Kinh ngạc hơn, cậu bé khom người cảm ơn nhưng ôm phần quà đi thẳng lên chỗ đang phân phát thực phẩm để góp làm của chung rồi quay lại vị trí cũ tiếp tục chờ đến lượt.
Sự điềm tĩnh kỳ lạ của cậu bé Nhật Bản đã khiến nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có tôi, vì biết đằng sau lối ứng xử ấy là bản lĩnh văn hóa thâm hậu ở đất nước thường xuyên hứng chịu thảm họa thiên tai và những quy tắc điều chỉnh hành vi phải “rèn giũa” rất lâu mới có được. Nhắc lại chuyện này, vì tôi vừa phải chứng kiến một cảnh không đẹp: Đám đông ùa lên sát sân khấu trong khán phòng có đánh số ghế hẳn hoi hồi cuối tuần qua.
Khán phòng trở nên “lộn xộn” khi nhiều khán giả, có cả người lớn, ùa lên phía trước trong đêm xiếc thú. Ảnh: C.TH |
Khi chương trình “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp Việt Nam diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam đến hồi gây cấn, bất ngờ nhiều trẻ nhỏ chạy đến sát sân khấu để nhìn cho rõ “diễn viên” cá sấu. Sẽ không ai trách những đứa trẻ năng động, hiếu kỳ trong tình huống này, mà chỉ thấy đáng lo. Thứ nhất, lo có sự cố xảy đến vì ai dám chắc con cá sấu không “giở chứng”. Thứ hai, lo vì… chẳng thấy vị phụ huynh nào lên dẫn các cháu về chỗ ngồi, thậm chí nhiều người còn bồng con đứng chung với đám đông ấy mặc cho ban tổ chức chương trình kêu gọi “xin mọi người thể hiện nếp sống văn minh”!
Chuyện ùa lên phía trước, bất chấp cả lời kêu gọi “thể hiện nếp sống văn minh” phát ra nhiều lần nhưng vẫn không vãn hồi trật tự, là lớn hay nhỏ?
Hình như đấy là “chuyện nhỏ”, vì cảnh chen lấn vẫn đầy ra đó thôi: người lớn thản nhiên chở con vượt đèn đỏ cho kịp giờ đến lớp; thanh niên trèo lên đầu nhau trong lễ cướp phết mang tính biểu trưng về thời kỳ hỗn mang; xô ngã cổng trường để tranh vào mua hồ sơ nhập học; nam thanh nữ tú bẻ cành cướp hoa… Nhưng đấy cũng có thể trở thành “chuyện lớn”, khi văn hóa xếp hàng dường như trở thành một thứ xa xỉ phẩm trong xã hội, đức tính nhường nhịn ngày càng xa lạ, và những bài luân lý giáo khoa thư nằm im lìm trên giá sách. Những “chuyện nhỏ” rồi cũng sớm nâng cấp thành “chuyện lớn”, khi hành vi không đúng chuẩn mực chẳng bị ai nhắc nhở, những thói quen không chịu chỉnh sửa sẽ dần biến thành tính cách, những sai sót nhất thời nếu không kịp nhận ra sẽ dần làm nên thói tật xấu…
Trong nghề báo, đôi khi sức nóng của sự kiện cũng “đẩy” nhà báo lao lên phía trước như một bản năng nghề nghiệp. Nhưng bản năng đó không hoàn toàn đồng nhất với chuyện chen lấn, hoặc có muốn (chen lấn) cũng không được. Nói ra chuyện này vì tôi nhớ mãi lần đón Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải về thăm phố cổ Hội An hơn 10 năm trước. Chương trình diễn ra tiếp sau sự kiện khai mạc cuộc họp nội các Việt Nam – Thái Lan tổ chức tại TP.Đà Nẵng hồi tháng 2.2004. Khi đó, tại góc phố chọn làm nơi lãnh đạo địa phương chính thức đón tiếp 2 vị thủ tướng, có một “sân khấu” nhỏ được dựng lên và các nhà báo đứng thành hình vòng cung tạo không gian tác nghiệp. Một phóng viên truyền hình nước ngoài đến sớm, bèn ngồi bệt xuống đất để giữ chỗ, đặt camera trước mặt. Một nhà báo Việt Nam đến trễ hơn, thấy có khoảng trống liền tính chuyện “xí chỗ”, nhưng bắt gặp cái lắc đầu cương quyết của đồng nghiệp nước ngoài đành tự giác lui xuống. Trong nghề, có những lằn ranh vô hình được mặc định.
Nhắc lại, chuyện cậu bé khoảng 9 tuổi xếp hàng ở Nhật Bản hồi năm 2011 đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi mở rộng bàn luận đa chiều về những cú sốc văn hóa. Nhưng khen người cũng là để cảnh tỉnh mình, chứ không phải nâng kẻ khác mà hạ thấp ta. Vì thế, nhiều trang tin mở cuộc “truy tìm” nét đẹp của người Nhật khi xếp hàng ăn Ramen, ăn Takoyaki, mua iPhone, mua vé xem trận đấu bóng chày, mua vé xem phim,… để đối chiếu với những cú chen lấn bất tử thỉnh thoảng vẫn thấy xảy ra ở đâu đó ở nước ta.
Nhân chuyện bỏ ghế ngồi (có đánh số) để ùa lên sát sân khấu trong đêm xiếc thú, một số khán giả lớn tuổi đã tự mang khán phòng sang trọng ra đặt ngoài bãi đất trống. Rất may, số đông khán giả khác đã không hành xử như vậy. Một vài đứa trẻ do hiếu kỳ cũng xin bố mẹ chạy lên phía trước, nhưng bắt gặp cái lắc đầu cương quyết. Hơn 2.000 năm trước, Lão Tử đã viết trong chương Thao quang (Che giấu bớt ánh sáng, Đạo đức kinh) rằng “hậu kỳ thân, thân vi tiên”, nghĩa là “để thân ra sau mà thân ở trước”. Dĩ nhiên, Lão Tử bàn về vô ngã vô kỷ của thánh nhân/người đạt đạo, nhưng kẻ phàm tục thời nay cũng cần chiêm nghiệm “để thân ra sau”. Thử hiểu một cách thô thiển về lẽ thâm sâu mà Đạo đức kinh đề cập, có thể thấy “vô kỷ” chính là “nhường nhịn”, hoặc thời thượng hơn, là phải biết cách… xếp hàng.
Bởi xếp hàng dọc là bình thản chờ đến lượt, còn dàn hàng ngang là hối hả vượt lên trên.
CHU THỤY