Tìm giải pháp tu bổ Chùa Cầu

VĨNH LỘC 05/04/2016 08:27

TP.Hội An đang phối hợp với Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh trình các cơ quan trung ương tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp tu bổ Chùa Cầu trước nguy cơ di tích này ngày càng xuống cấp.

  • Viện trợ gần 200 tỷ đồng cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu
  • "Giải thoát" nguồn nước dưới Chùa Cầu
  • Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu
Vấn đề của Chùa Cầu hiện nay chính là tìm giải pháp phù hợp để tu bổ di tích. Ảnh: VĨNH LỘC
Vấn đề của Chùa Cầu hiện nay chính là tìm giải pháp phù hợp để tu bổ di tích.

Dột nát

Theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện kết cấu phần trên của Chùa Cầu (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có độ tách rời khoảng 10cm, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa thấm xuống làm ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp thống nhất để tu bổ do tính nhạy cảm của công trình là một biểu tượng và là di tích quốc gia đặc biệt. Thực tế, cách đây khoảng 9 năm, một dự án về tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam (nay là Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam) tiến hành nhưng cũng chỉ mới tập trung vào gia cố phần hạ bộ là trụ móng và nạo vét, xây kè chỉnh trang lại dòng chảy, phần kết cấu bên trên vẫn chưa thể can thiệp do có nhiều ý kiến trái chiều về giải pháp. “Độ hở bên trên xem như đã ổn định vì phần móng được gia cố nhưng do gỗ xuống cấp dẫn đến phần thượng bộ bị nghiêng. Vì vậy, câu chuyện của Chùa Cầu hiện nay ngoài nghiêng lún thì việc thay thế gỗ, ngói hư mục bên trên là rất cấp thiết. Tuy nhiên, hạ giải hay không hạ giải phải chờ tổ chức hội thảo để tranh thủ ý kiến các nhà chuyên môn, quản lý, nhà khoa học…. Thật ra, trước đây trung tâm cũng đã bàn vấn đề tu bổ với các nhà khoa học Nhật Bản, trong đó quan điểm chúng ta chỉ muốn xử lý cục bộ, hư chỗ nào tu bổ chỗ đó nhưng về phía chuyên gia Nhật thì người ta muốn làm triệt để, tức là tháo dỡ luôn từ phần móng lên rồi tu bổ kết hợp với nghiên cứu khảo sát, nhưng mình không thống nhất phương án đó nên trôi luôn. Cuối cùng chỉ tiến hành tu bổ phần hạ bộ, tức là chống đỡ dần chân và tu bổ phía dưới móng sau đó cố định lại” - ông Trung cho biết.

Cũng theo ông Trung, dù phần lún hiện nay gần như đã xử lý cố định, chỉ còn dột nát, hư hại gỗ phía trên và tình trạng này cũng đã diễn ra lâu rồi. Đặc biệt, trước đây cũng đã có nhiều nghiên cứu về Chùa Cầu của các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước, nhưng vì đây là công trình đặc biệt phải đảm bảo luật và nghị định của Chính phủ nên phải thận trọng trong việc tu bổ. “Những công trình có giá trị đặc biệt thì chỉ tiến hành tu bổ khi thật sự cần thiết. Thứ hai là tính đặc thù, đặc biệt của nó nên phải có bước đi thận trọng, phải tham khảo các nhà khoa học. Sau khi tu bổ thì nó vẫn phục vụ cho tham quan, nên tính cả phương án là khi mình tu bổ khách có thể tham quan công trình đang tu bổ và bên cạnh công trình đó thì có những hình ảnh gì cho họ thấy nguyên gốc, nguyên mẫu nó ra sao, có thể kết hợp trùng tu với việc trưng bày hình ảnh ở đó” - ông Trung cho biết thêm.

Tìm giải pháp phù hợp

Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, di tích Chùa Cầu là công trình kiến trúc độc đáo bằng chất liệu gỗ do người Nhật xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17. Sau đó, được kết nối với phần kiến trúc miếu thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ do người Hoa lập nên được gọi chung là Chùa Cầu. Di tích đã trở thành biểu tượng độc đáo về sự giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản - Trung Hoa ở phố cổ Hội An. Trải qua hơn 4 thế kỷ chịu sự tác động của thời gian cùng thiên tai bão lũ, nhiều hạng mục tại di tích Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ nếu không có giải pháp bảo vệ, trùng tu kịp thời. Đặc biệt, Chùa Cầu xuống cấp ngoài tác động của thời gian thì ảnh hưởng của du lịch là điều không tránh khỏi vì Chùa Cầu có khẩu độ ngắn nên việc khách đứng tại chỗ với số lượng lớn chắc chắn sẽ tác động đến di tích nên cần phải hạn chế khách qua lại. Do vậy, việc mở cầu phụ cũng nên được tính đến. Riêng việc trùng tu Chùa Cầu cần phải được tiếp cận nghiên cứu thận trọng. Trong đó, phải được tiến hành theo quan điểm bảo tồn phù hợp và phải đúng hướng, cùng với các giải pháp can thiệp chính xác và chuẩn mực, tránh trường hợp làm biến dạng di tích.  

Du khách tập trung nhiều trên Chùa Cầu vào một thời điểm cũng sẽ tác động đến di tích. ảnh: vĩnh LỘC
Du khách tập trung nhiều trên Chùa Cầu vào một thời điểm cũng sẽ tác động đến di tích.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, theo ông Nguyễn Chí Trung, đã đến lúc cần nghĩ đến phương án hạn chế lượng khách lên Chùa Cầu như bao nhiêu khách là vừa; hoặc đi theo từng đoàn, hết đoàn này đến đoàn khác… chứ không thể để khách đi tự do như hiện nay. Riêng việc làm cầu phụ đi qua Chùa Cầu cần đưa ra tính toán trong hội thảo khoa học sắp tới, bởi vấn đề này hiện cũng có 2 ý kiến khác nhau, vì Chùa Cầu vừa là một di tích tiêu biểu nhưng đồng thời cũng là đơn vị cấu thành phố cổ Hội An nên làm thêm công trình nào vào vị trí này cũng phải tính toán. Chưa nói, khoảng cách cầu phụ và Chùa Cầu bao nhiêu thì vừa, nếu làm xa quá thì khách không nhìn thấy cầu, không vào được bên trong, còn gần quá thì chụp hình bên Chùa Cầu có thêm cái cầu phụ sẽ làm mất mỹ quan …. “Hiện thành phố đã trình UBND tỉnh văn bản xin chủ trương tổ chức một hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp giải quyết vấn đề trước mắt của Chùa Cầu và tính toán công tác tu bổ, cũng như vấn đề sau khi tu bổ là cái gì. Đặc biệt, qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các cơ quan truyền thông tại hội thảo sẽ giúp tạo được đồng thuận của dư luận. Nói chung, làm thì phức tạp nhưng không làm thì dư luận cũng nói là sao để xuống cấp. Nên cứ phải tuân thủ theo lộ trình của di tích quốc gia đặc biệt là trước khi trùng tu phải tiến hành các bước gọi là tham vấn cộng đồng. Còn nói sụp thì khó xảy ra, có điều nếu không tu bổ thì lâu ngày sẽ làm hư hại các cấu kiện gỗ do nước mưa thấm gây ra. Nên bây giờ chỉ cần cố định mức độ nghiêng hoặc mức độ hở đó. Vấn đề lớn nhất bây giờ của Chùa Cầu chính là giải pháp, chứ không phải nguồn vốn vì theo tôi kinh phí sẽ không lớn” - ông Trung nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC