Thúc đẩy dự án trùng tu Mỹ Sơn
Đoàn chuyên gia Ấn Độ do ông Romel Singh Jamwal làm trưởng đoàn đang có chuyến khảo sát, nghiên cứu khoa học dài ngày tại Khu di tích Mỹ Sơn nhằm chuẩn bị cho việc triển khai dự án bảo tồn các nhóm tháp K, H, A trong thời gian tới.
Theo đó, trong khoảng 25 ngày (từ 26.3 - 19.4), đoàn chuyên gia gồm 7 người của Viện Khảo sát khảo cổ học Ấn Độ (ASI) với các thành phần chuyên môn gồm kiến trúc sư, kỹ sư, đo vẽ, bảo tồn, chụp ảnh… sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu về vật liệu, mặt bằng, kết cấu, hệ thống thoát nước, thành phần chất kết dính… của 3 nhóm tháp dự kiến trùng tu là K, H, A nhằm lập dự án chi tiết trước khi triển khai các giải pháp can thiệp.
Nghiên cứu tiền dự án
Mới đây, trong buổi làm việc với đại diện Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam và Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn nhằm thỏa thuận các nội dung công việc sẽ triển khai, ông Romel Singh Jamwal - Trưởng đoàn khảo sát cho biết, điều quan tâm nhất của đoàn trong thời gian này, ngoài đảm bảo điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt thì việc hỗ trợ về chuyên môn và nhân sự từ phía Quảng Nam là rất cần thiết, nhất là về đội ngũ chuyên môn và nhân công trên công trường. Trước mắt, đoàn cần khoảng 15 công nhân để phụ giúp các chuyên gia phát quang, dọn dẹp vệ sinh, đào hố thám sát… tại 3 nhóm tháp để nghiên cứu, dự kiến số lượng công nhân này sẽ tăng lên khoảng 100 người khi dự án chính thức triển khai. “Bây giờ chỉ cần vậy, nhưng tới lúc dự án hoạt động chúng tôi phải cần ít nhất thêm 3 kỹ thuật chuyên môn gồm kiến trúc sư, kỹ sư, và khảo cổ học biết tiếng Anh. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần phía Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cung cấp những tư liêu, tài liệu liên quan về 3 nhóm tháp H, K, A để đoàn nghiên cứu” - ông Romel Singh Jamwal đề xuất.
Nhóm tháp H được các chuyên gia Ấn Độ xem xét khảo sát trong chuyến làm việc tại Mỹ Sơn tháng 5.2015. ẢnhL VĨNH LỘC |
Việc đoàn khảo sát Ấn Độ sang Mỹ Sơn nghiên cứu lần này dù hơi muộn so với dự kiến nhưng cũng là tín hiệu tích cực ban đầu nhằm hiện thực hóa biên bản ghi nhớ giữa lãnh đạo chính phủ 2 nước đã ký vào tháng 10.2014 về việc Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam bảo tồn các đền tháp tại Mỹ Sơn. Đặc biệt, việc lựa chọn 3 nhóm tháp H, K, A - nơi được xem là chịu tác động nhiều nhất trong chiến tranh cũng như chưa từng bị can thiệp kỹ thuật kể từ sau ngày sụp đổ sẽ giúp các chuyên gia Ấn Độ có thể áp dụng những phương pháp trùng tu riêng tại đây. Qua khảo sát sơ bộ tại 3 nhóm tháp dễ dàng nhận thấy hầu hết đều bị sụp đổ nghiêm trọng. Tại nhóm tháp K (thế kỷ XII), hiện trạng chỉ còn 2 mảng tường phía bắc và phía nam cao khoảng 4m, chân đế bị phủ một lớp gạch đổ, ngoài phần tường đã rạn nứt thì phần lõi của tường tháp cũng bị bong tróc rất nhiều. Tương tự, nhóm tháp H (thế kỷ XIII), trước đây gồm 4 tháp nhưng đã bị bom đánh sập hoàn toàn, vết tích sót lại ngày nay là một mảng tường của tháp H1 cao khoảng 6m, những tháp khác hầu hết đã bị đổ ngã thành những gò ụ cao từ 1 - 2m. Tuy nhiên, khu phế tích có quy mô rộng lớn nhất phải kể đến nhóm tháp A với 13 đền tháp, nhưng nay chỉ còn 6 phế tích gồm A1, A8, A10, A11, A12 và A13. Trong đó, ngôi đền tháp trung tâm A1 được xem là một kiệt tác về hoa văn, kiến trúc của nghệ thuật Champa, hiện chỉ còn phần dưới thân tháp cao khoảng 2 - 5m nhưng cũng bị rạn nứt nghiêm trọng, riêng chân đế bị vùi lấp bởi gạch đá lẫn lộn do tháp đổ xuống gây nên. Năm tháp xung quanh là A8, A10, A11, A12, A13 phần lớn đã bị hư hại, sụp đổ không còn nguyên vẹn. “Trước mắt, chúng tôi sẽ khảo sát hết 3 nhóm tháp này còn cụ thể sẽ bắt đầu từ nhóm nào cần phải nghiên cứu, tính toán khi dự án chính thức triển khai” - ông Romel Singh Jamwal cho biết thêm.
Phụ thuộc phía Ấn Độ
Theo ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, hiện đơn vị cũng chưa biết khi nào dự án sẽ chính thức triển khai, tất cả phụ thuộc vào phía Ấn Độ. Thậm chí, thời gian, tiến độ triển khai, lập dự án… cũng không thể nắm được, kể cả chuyến khảo sát lần này cũng không nằm trong chương trình làm việc giữa 2 bên. “Các chuyên gia yêu cầu rất nhiều nhưng đến nay chúng tôi vẫn không biết các chi phí này sẽ được tính như thế nào, có được cộng vào dự án khi triển khai hay không. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cao nhất, chúng tôi sẽ tự ứng kinh phí đáp ứng tất cả yêu cầu của đoàn để dự án bảo tồn Mỹ Sơn sớm được khởi động” - ông Hộ nói.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho rằng, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về con người, kỹ thuật; đảm bảo điều kiện ăn ở, làm việc tại chỗ cho các chuyên gia tốt nhất thì những vấn đề khác phải được tuân thủ theo các thỏa thuận đã ký trước đây giữa lãnh đạo 2 nước. “Mình không thể thảo luận hoặc đàm phán bất kỳ vấn đề nào nằm ngoài biên bản ghi nhớ của lãnh đạo 2 nước, nên việc xử lý những yêu cầu từ các chuyên gia rất tế nhị. Vì vậy, tôi đã đề nghị các chuyên gia nên có đề xuất với Đại sứ quán Ấn Độ gửi văn bản yêu cầu đến UBND tỉnh để chúng tôi chủ động. Đồng thời những chi phí cho đoàn làm việc nghiên cứu tại Mỹ Sơn trong thời gian này cũng nên được tính vào tổng chi phí dự án và sẽ được hoàn trả lại khi dự án triển khai. Vì Quảng Nam chỉ chuẩn bị cho giai đoạn chính thức của dự án chứ không chuẩn bị cho chuyến khảo sát này” - ông Cẩm bày tỏ.
Cũng theo ông Phan Hộ, Mỹ Sơn hoàn toàn bị động trong việc này, mọi kế hoạch đều do phía Ấn Độ chủ động nên đến nay vẫn chưa thể biết khi nào dự án thực hiện. Thực tế, kể từ sau khi biên bản ghi nhớ giữa 2 chính phủ được ký kết, ngoài chuyến thăm của Tổng Giám đốc Cơ quan khảo cổ Ấn Độ Rakesh Tewari đến Mỹ Sơn tháng 5.2015 với kế hoạch dự kiến triển khai dự án vào tháng 2.2015 nhưng đến nay thì thời hạn đã trôi qua. “Chắc cũng còn lâu vì theo quy trình sau khi các chuyên gia khảo sát, đánh giá thực trạng xong mới lập dự án chi tiết, đề ra giải pháp, thời gian, xác định kinh phí đầu tư, thỏa thuận, phê duyệt... mới có thể triển khai, mà tất cả vấn đề này thì mình không thể chủ động được nên tinh thần vẫn là chờ” - ông Phan Hộ phân tích.
VĨNH LỘC