Triệu về những dáng lụa
Những vùng lụa nổi tiếng thế giới, từ châu Á với thủ phủ lụa của Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar đến lụa từ kinh đô thời trang thế giới của các nước châu Âu hay cả những làng nghề lụa của Việt Nam… đang tụ hội ở Làng Lụa Hội An, với những câu chuyện về “Lụa - trong đời sống đương đại”…
Một gian hàng của lụa tại không gian Làng Lụa Hội An.Ảnh: L.L |
Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016, diễn ra từ 28 đến 29.3, với mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam (Vạn Phúc, Hội An, Duy Xuyên, Bảo Lộc, An Giang…), động viên tinh thần các nhà sản xuất và nghệ nhân trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống. Đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường của ngành sản xuất tơ lụa với những đối tác quan trọng đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… và các nước châu Âu. Đây là sự kiện do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tổ chức, cũng là hoạt động chính thức đầu tiên của Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á lần đầu tổ chức tại Việt Nam.
Lụa - đại diện văn hóa truyền thống
Khá nhiều các đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam tỏ ra thích thú với lễ phục dựng, tái hiện con đường tơ lụa trên biển do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tổ chức. Những giá trị văn hóa truyền thống của lụa Việt và lụa ở Quảng Nam, với những câu chuyện văn hóa lịch sử riêng biệt, góp phần làm nên bản sắc của một sản phẩm như lụa. Lễ hội tái hiện tinh thần “con đường tơ lụa trên biển”, với khởi thủy từ Bà chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi đã dựng nên một dòng chảy văn hóa của lụa xứ Quảng. Ông Li Jilin - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới cho biết, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 là một sáng kiến thú vị làm nổi bật tính văn hóa trong sản phẩm tơ lụa, làm cho các nhà sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ tinh thần cho những sáng tạo không mệt mỏi của họ.
Không gian thuần Việt của Làng Lụa Hội An đã tô thêm sắc màu cho những gian hàng triển lãm tơ lụa của các quốc gia và làng nghề tham dự. Mỗi một đất nước với những bản sắc văn hóa đặc trưng đã tạo nên sản phẩm tơ lụa với nhiều dáng vẻ khác nhau. Nếu Ấn Độ với lụa vùng Mumbai cùng dòng lụa nức tiếng thế giới Cashmere (xuất phát từ biên giới Ấn Độ - Pakistan), lần đầu tiên đến Việt Nam, cùng những sản phẩm truyền thống khiến người xem thích thú; thì hoa văn đặc biệt và luôn dành riêng cho cô dâu trong ngày cưới của lụa Myanmar lại khiến người xem ngạc nhiên. Trong khi đó, từ thủ phủ lụa Hàng Châu và Tứ Xuyên (Trung Quốc), những sản phẩm mang tính ứng dụng cao vào đời sống từ thiết kế mẫu đến khả năng giặt và dễ sử dụng, cùng với giá thành giảm lại thu hút số đông người dừng chân ở những gian hàng này. Cũng như vậy, với tơ lụa từ các tập đoàn sản xuất nổi tiếng của Thái Lan, khách tham gia dễ dàng tham dự các trải nghiệm văn hóa lụa Thái cùng các nhãn hàng với công nghệ sản xuất sạch…
Tham quan gian hàng tại Festival văn hóa tơ lụa VN - châu á 2016. |
Với các làng nghề truyền thống của Việt Nam, mỗi một gian hàng trưng bày triển lãm lại khiến người xem nhiều xúc động. Những cảm xúc đến từ màu sắc, đôi tay và tinh thần của các nghệ nhân nước Việt. Diện mạo của lụa Hà Đông, Vạn Phúc, đũi Thái Bình hay vùng nguyên liệu tơ tằm Bảo Lộc, tơ lụa Mã Châu và thổ cẩm Cơ Tu đủ kết thành bức tranh văn hóa của lụa Việt. Và dĩ nhiên, tơ lụa Việt Nam đủ chiều sâu, tinh tế và mẫu mã đẹp để sánh cùng tơ lụa các quốc gia khác.
Thương hiệu quốc gia từ lụa
Trong khuôn khổ của Festival Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016, 40 tập đoàn sản xuất tơ lụa đến từ 9 quốc gia đã cùng nhau thảo luận để tìm lại vị trí của lụa trong đời sống đương đại. Từ nước Nhật với dòng lụa “thuần Nhật” cho người Nhật dùng, bằng suy nghĩ đầu tư cho một dòng các loại tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng và sản xuất đại trà. Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thành phố Kyoto, Takao Watanabe nói: “Chúng tôi muốn thoát ra khó khăn bằng cách này!”. Hiệp hội tơ lụa Nhật Bản đã bàn bạc và thống nhất các doanh nghiệp cùng viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không làm ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất. Giải pháp của hiệp hội là làm cho khách hàng biết đây là dòng sản phẩm “Made in Japan” dành cho người tiêu dùng Nhật Bản với những hội chợ, triển lãm ở các trung tâm thương mại lớn nhất. Những nhạc công chơi nhạc dân tộc lừng danh được mời để giới thiệu về dòng sản phẩm lụa cao cấp này. Người tiêu dùng đã nhanh chóng tiếp nhận dòng sản phẩm mới, đến mức sau 8 năm các công ty vẫn chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của thị trường. Và người Nhật coi loại tơ lụa “Made in Japan” là một thương hiệu mang tầm quốc gia, được dùng trong những dịp trọng đại của quốc gia, quốc tế và mỗi gia đình.
Trong khi đó, ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Tơ lụa Quảng Nam cho rằng, làm thương hiệu cho lụa như người Nhật rất khó. “Bởi quan điểm “giá tốt” của người Nhật không giống Việt Nam. Chúng ta chưa có khách hàng với phẩm chất như người Nhật. Chúng ta càng không có nhà sản xuất như người Nhật” - ông Vũ nói. Theo ông Vũ, giá tốt của người Nhật là bao hàm của chất lượng tốt, ứng xử văn minh của con người với mảnh đất họ đang sống dù phải tốn kém, là thái độ yêu quý, bảo vệ môi trường tích cực dù giá thành sản phẩm sẽ cao và người thợ hoặc công ty sản xuất có tương lai tốt với sản phẩm đó. Giá tốt không phải là giá rẻ! Những quan điểm tiêu dùng của thế giới đang thay đổi từng ngày như vậy. Ông Lê Thái Vũ cho rằng, “điều đáng suy nghĩ là chúng ta đang vận động người tiêu dùng quay lại với hàng Việt, nhưng cần có một chiến lược xây dựng quy chuẩn về chất lượng, văn hóa, văn minh trong khái niệm hàng Việt”.
Cùng với các hoạt động triển lãm, hội thảo, Festival Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 còn tổ chức chương trình thời trang Đêm Lụa Phương Đông do 4 nhà thiết kế đến từ Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha giới thiệu những bộ sưu tập thời trang tơ lụa đặc sắc. Và một “bảo tàng sống về nghề tơ lụa” tại Hội An đang thành hình trong tương lai, với mong muốn triệu về những dáng lụa ở khắp nơi…
Sáng 28.3, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 lần đầu tiên tại Việt Nam chính thức khai mạc tại Làng Lụa Hội An, do UBND TP.Hội An, Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á phối hợp tổ chức. Tham dự festival có 35 gian hàng của 9 quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Italia cùng đại diện các làng nghề lụa của Việt Nam như lụa Bảo Lộc, Hà Đông, đũi Thái Bình, lụa xứ Quảng cùng nghệ nhân dệt truyền thống như Cơ Tu, Chăm… Ngoài ra còn có 4 gian hàng của các nhà thiết kế Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha với những thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam. Trong khuôn khổ festival còn có các hoạt động: Lễ phục dựng con đường tơ lụa trên biển từ thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây cách đây 300 năm; Lễ dâng hương Bà chúa Tằm tang Đoàn Quý phi và biểu diễn múa nghệ thuật; Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tơ lụa thế giới trong đời sống hiện đại” với sự tham gia của đại diện 40 tập đoàn sản xuất tơ lụa đến từ 9 quốc gia. Theo ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, festival là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm, đồng thời động viên tinh thần các nhà sản xuất, nghệ nhân gìn giữ những giá trị truyền thống. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường cũng như quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Hội An ra thế giới… Festival diễn ra trong 2 ngày 28 và 29.3. Đây là một điểm nhấn văn hóa quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 41 năm giải phóng TP.Hội An (28.3.1975 - 28.3.2016). |
LÊ QUÂN