Một chút với lụa

ĐỖ HUẤN 20/03/2016 10:24

Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á được tổ chức tại Làng lụa Hội An vào ngày 28 đến 29.3 tới đây sẽ là một trong 2 lễ hội chính của TP.Hội An năm 2016.

Du khách tham quan, tìm hiểu nghề dệt của người Việt tại Làng lụa Hội An. Ảnh: Đ.HUẤN
Du khách tham quan, tìm hiểu nghề dệt của người Việt tại Làng lụa Hội An. Ảnh: Đ.HUẤN

Nội dung của festival tập trung vào 2 chủ đề chính: khôi phục nét văn hóa truyền thống của lụa Việt và đưa tơ lụa đi vào đời sống đương đại, chương trình sẽ có nhiều hoạt động hội thảo, giao lưu, trưng bày giới thiệu văn hóa lụa, nghề dệt may và thời trang các dân tộc... Hiện nay, Làng lụa Hội An khẩn trương hoàn thiện phục dựng trưng bày nhà truyền thống thành không gian văn hóa tưởng nhớ Bà Chúa tơ tằm xứ Quảng (nguyên là Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Quý Phi - người góp công đưa tơ lụa Việt ra thế giới thời chúa Nguyễn, từ thế kỷ XVII) và các không gian văn hóa nghề dệt Cơ Tu, Chăm để kịp đưa vào khai hội festival nhằm tiếp tục tăng cường sự hợp tác, dần hoàn thiện mô hình “bảo tàng sống” về văn hóa làng lụa giữa lòng di sản Hội An.

Không gian văn hóa Việt

Theo ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Làng lụa Hội An, không gian văn hóa làng lụa có được như hôm nay là nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ đầy tâm huyết và nhiệt thành của các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, các kiến trúc sư cùng lãnh đạo của Quảng Nam và Hội An. Đó là không gian được tái hiện từ kiến trúc làng Việt, đặc biệt là làng Quảng Nam với những ngôi nhà rường, nhà mái lá đặc trưng, trồng cây cối bản địa của xứ Quảng.

Bên trong các ngôi nhà truyền thống, quy trình ươm tơ dệt lụa Việt và Chăm được tái hiện bằng nhiều hiện vật và sự hợp tác của các nghệ nhân Việt, Chăm. Làng lụa Hội An cũng đang lưu giữ hàng trăm hiện vật cổ được sưu tầm bền bỉ và công phu như: 40 cây dâu cổ thụ Chăm, máy dệt Cửu Diễn và nhiều loại dụng cụ quay tơ, dệt vải từ thế kỷ XIX - XX  để du khách tham quan có thể hình dung được sự phát triển của nghề ươm tơ dệt lụa Việt Nam. Đồng thời, Làng lụa Hội An cũng sưu tầm trưng bày thêm những sản phẩm lụa tiêu biểu ở các nước châu Á như: Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan làm cơ sở đối chiếu, so sánh về văn hóa và công nghệ dệt giữa các nước trong khu vực.

Theo thông tin bước đầu, có 6 đại diện của các nước Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Myanmar và 7 làng nghề tiêu biểu trong nước như: Vạn Phúc – Hà Đông, Phùng Xá – Mỹ Đức (Hà Nội), Nha Xá – Duy Tiên (Hà Nam), Tân Châu – Châu Đốc (An Giang), Mã Châu – Duy Xuyên (Quảng Nam), làng Chăm Mỹ Nghiệp – Ninh Phước (Ninh Thuận), dệt thổ cẩm Cơ Tu (Quảng Nam) cũng như Công ty Lụa Toàn Thịnh, Công ty Lụa Bảo Lộc và nhiều khách mời của các Hiệp hội Tơ lụa thế giới, châu Á, Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), Học viện Mê Kông (Thái Lan) cùng 200 đơn vị may đo trong nước, các nhà thiết kế nổi tiếng trong và ngoài nước... sẽ tham gia festival này.

Trong 2 năm 2014-2015 làng lụa được bổ sung nhiều nét mới, nhiều sản phẩm mới trong không gian hoạt động như: phiên chợ ẩm thực “Hồn quê Việt” với các món ăn đặc sản của người Hội An, phục vụ biểu diễn dân ca bài chòi xứ Quảng, múa Chăm, tour tham quan một ngày làm người thợ dệt, may đo, làm hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách, xây dựng khu lưu trú và trải nghiệm đời sống làng dệt gồm 35 phòng với các hiện vật và hình ảnh trưng bày đặc trưng gắn với văn hóa, sản phẩm lụa, tơ tằm để du khách trải nghiệm, thưởng lãm.

Tuy mới hoạt động được 3 năm nhưng mỗi năm lượng khách đến tham quan Làng lụa Hội An tăng 20%. Trong năm 2015 (từ tháng 4 đến tháng 8), làng lụa đón mỗi tháng 10.000 khách Việt Nam đến tham quan và tận hưởng văn hóa dệt lụa, ẩm thực Hội An – Quảng Nam. Vào mùa khách quốc tế, mỗi tháng đón 4.000 khách nước ngoài tham quan và trải nghiệm văn hóa tằm tơ và nghề dệt lụa. Lượng khách đến làng lụa tăng và ngày lưu trú cũng tăng trong thời gian gần đây không chỉ là thành công về hướng khai thác của đơn vị mà còn góp phần giới thiệu văn hóa làng nghề tại Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Đưa tơ lụa vào đời sống đương đại

Cũng với tâm niệm làm văn hóa là trọng tâm, thời gian qua làng lụa đã phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng của Hội An, của Quảng Nam cùng tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, văn hóa, triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và vẻ đẹp của đất và người quê hương với bạn bè và du khách gần xa. Còn nhớ hồi cuối năm 2014, tại đây đã diễn ra Lễ hội văn hóa tơ lụa Việt Nam với sự tham gia của 7 làng lụa trong nước và Nhật Bản. Đó là lễ hội lụa lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, có nhiều nét độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc. Cuối năm 2015, làng lụa tiếp tục tổ chức Lễ hội giao lưu văn hóa Quảng Nam, giới thiệu thêm văn hóa thổ cẩm người Cơ Tu được du khách rất yêu thích, tạo điều kiện hợp tác phục dựng nghề dệt với các dụng cụ và nét hoa văn đặc sắc của đồng bào Cơ Tu trong nay mai.

Qua 3 năm xây dựng và phát triển đúng hướng, đến nay Làng lụa Hội An là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên sáng lập của Hiệp hội Tơ lụa thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á, từng được mời tham dự giới thiệu mô hình phát triển của đơn vị tại nhiều diễn đàn của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Cũng chính nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các tổ chức quốc tế uy tín mà Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam – Châu Á sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Hội An lần thứ 41 (28.3.1975 – 28.3.2016). “Lễ hội này sẽ là một điểm nhấn quan trọng, ý nghĩa trong chuỗi sự kiện mừng 41 năm ngày giải phóng TP.Hội An. Để thực hiện mang tầm quốc gia và quốc tế với vị thế của Làng lụa Hội An, UBND thành phố đã tham gia chỉ đạo Ban tổ chức và bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước. Hiện nay TP.Hội An được đánh giá là top 10 điểm đến xinh đẹp nhất châu Á và cũng là một trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam. Với tiềm năng phát triển du lịch cũng như sự phát triển nghề tơ lụa trong lịch sử 300 năm qua, Hội An là 1 địa điểm đặc biệt để chúng tôi lựa chọn tổ chức Festival Tơ lụa Việt Nam này”, chị Đỗ Khải Ly – phụ trách truyền thông của Làng lụa Hội An nói.

ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN