Nhớ kiến trúc sư Kazik

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 20/03/2016 10:22

Đã có nhiều lần tôi hụt hẫng, xót xa khi cầm thước đo vẽ Khu đền tháp Mỹ Sơn. Tưởng như ông vẫn còn ngồi bơ phờ trên bờ gạch đổ với cuốn sổ tay ghi chép. Tôi nhớ kiến trúc sư Kazik!

Kiến trúc sư Kazik với nhân viên bảo vệ tháp. Ảnh: TRẦN KỲ PHƯƠNG
Kiến trúc sư Kazik với nhân viên bảo vệ tháp. Ảnh: TRẦN KỲ PHƯƠNG

Buổi sáng tháng 3 năm 1997, khi tôi vừa vào cơ quan Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã thấy mọi người  nháo nhác thông báo chuyên gia Ba Lan, tu bổ di tích Chăm, ông Kazik vừa qua đời hôm qua ở Huế. Tôi ra Huế ngay để dự đám tang ông.

Tên ông viết khá dài và nhiều lần tôi đã viết sai:  Kazimierz Kwiatkowski, sinh năm 1944 tại Lublin, Ba Lan. Ông là kiến trúc sư về bảo tồn và từng tham gia nhiều công trình  ở các di tích ở Ai Cập, Wasrzawa. Năm 1981, ông đứng đầu nhóm chuyên gia tu bổ Ba Lan đến Việt Nam trong chương trình hợp tác tu bổ các tháp Chăm ở miền Trung. Mọi thứ còn dang dở thì ông đột ngột qua đời sau cơn đột quỵ ở khách sạn thành nội Huế, trong giấc ngủ trưa. Bạn bè, đồng nghiệp người Việt ở các nơi xa đều kịp về Huế thắp nén hương tiễn ông.

Hôm trước, tôi dẫn các anh trong Đài Truyền hình Quảng Nam vào di sản Mỹ Sơn xem lại những viên gạch, những bức tường mà Kazik đã gia cố, tu bổ. Những gì thuộc về công việc tu bổ mà Kazik đã làm trong điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn khi ấy (xung quanh toàn núi rừng) vẫn cho người hôm nay cảm nhận rõ ràng về khái niệm tu bổ di tích, nhất là di tích kiến trúc làm bằng gạch. Ông luôn cố gắng gìn giữ yếu tố gốc, rõ hơn là giữ được tính chân xác trong việc tu bổ di tích. Hơn thế nữa ông đã nhìn ra những kiến trúc gỗ ở Đô thị cổ Hội An cũng cần phải được gìn giữ. Đôi mắt tinh tường của nhà trùng tu đã nhìn xa hơn, không chỉ là phố buồn với ngọn đèn dầu leo lắt khi ấy. Và giấc ngủ dài của nàng công chúa một thời vàng son đã được ông góp công đánh thức nay đã trở thành Di sản văn hóa thế giới, cùng với Mỹ Sơn.

Hôm rồi, Khu đền tháp Mỹ Sơn  đông vui hơn hẳn ngày thường. Cả khách mời lẫn khách tham quan đợi xem buổi công chiếu phim tư liệu về khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Cái tên in đậm trên pa nô to gắn ở sân khấu  nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm: Mỹ Sơn: thung lũng thần linh và nghệ thuật  đã càng hấp dẫn mọi người, nhất là du khách  phải dừng chân cố vào bên trong xem. Tôi háo hức vào sớm để xem phim mà nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương – người thân thiết với Kazit, người đã nhiều lần khăn gói cùng ông vào đây nghiên cứu. Trần Kỳ Phương viết kịch bản cho phim này. Tôi gặp lại nhiều người thân quen hồi cùng làm việc với Kazik. Họ chỉ nơi lòng tháp B5 -  nơi mà tôi và Kazik đặt giường nằm ngủ. Ngày 19.3 của gần 20 năm trước, ông ra đi. Mới đó mà nhanh quá! Trong bóng nắng và bóng tháp, tôi thấy Kazik với chòm râu tóc bơ phờ  nhưng vẫn rạng nét cười nhìn tôi.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ