Văn bia của Phạm Như Xương trên đất Nghệ An
Phạm Như Xương là một trong sáu người được mệnh danh là “Lục phụng bất tề phi” của Quảng Nam với thành tựu học vấn khi còn rất trẻ, 25 tuổi đỗ cử nhân, 32 tuổi đã đỗ tiến sĩ (Hoàng giáp). Ông sinh năm 1844, chưa rõ năm mất (vài tài liệu ghi khác nhau là 1917, 1919), trải qua nhiều chức quan thuộc Bộ, Viện, Nội các tại kinh sư và các chức Bố chính ở Phú Yên, Kinh lược Thanh - Nghệ, Tri phủ Anh Sơn, Đốc học Quảng Trị... Đặc biệt, với khí khái người Quảng, ông hưởng ứng, tham gia ngay và đứng đầu trong hàng ngũ những người yêu nước khởi nghĩa chống Pháp ở Quảng Nam. Dòng máu anh kiệt của ông còn được truyền lại cho hai con trai là Phạm Như Đỉnh và Phạm Như Giáp, đều tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916.
Nhà thờ Phạm Như ở làng Ngân Câu, phường Điện Ngọc, Điện Bàn. Ảnh: H.THU |
Phong trào Nghĩa hội thất bại, ông bị giặc Pháp bắt, bị phán quyết án tử hình, nhưng may được thay đổi bản án nhờ có ý chỉ của nhà vua và lời tâu của đại thần. Tên ông bị đục bỏ khỏi văn miếu. Chính cái án phạm như vậy mà di cảo của ông còn lại không là bao, như nhận định của Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam: “Ông là tác giả nhiều thơ văn, nhưng nay đã thất lạc (vì năm 1916 con trai ông tham gia khởi nghĩa Duy Tân nên sách vở bị tịch thu) chỉ còn truyền tụng bài Hịch Cần Vương viết vào những năm đầu phong trào Nghĩa hội do Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu phát động năm 1885” (tr.1120). Trang web họ Phạm miền Trung - Tây Nguyên giới thiệu thêm 2 bài thơ của ông là Cảm sự, Thân lươn và bài văn bia Nho học (hiện đặt tại Bảo tàng Điện Bàn) được Viện Viễn đông Bác cổ (E.F.E.O) in rập từ gần 80 năm trước với nội dung tóm lược: “Văn từ hàng huyện đặt tại xã Đông Phan trải lâu ngày đã hư hại, Thái thú Nguyễn Đình Tiến người bản phủ xuất liêm bổng, hiện cùng một số người ở các xã trong huyện bỏ tiền của ra tu tạo lại. Ghi họ tên của những người đứng ra lo liệu công việc và số tiền đóng góp của các xã trong huyện”.
May nhờ có Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam (tập 2), nên phát hiện thêm một tác phẩm văn bia của Hoàng giáp Phạm Như Xương dường như bị “thất lạc” lâu nay. Nói thất lạc là vì tác phẩm này không còn trên thực địa, từ khảo sát của Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An. Văn bia không còn là do chùa Phúc Long (xã Vạn Phần, Diễn Châu, Nghệ An) - nơi dựng bia - không còn. Tấm bia này (và cả ngôi chùa đó nữa) không còn, có phải là do liên lụy với tác giả Phạm Như Xương hay không? Cũng may văn bia này được E.F.E.O in rập từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, nay được lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tóm lược nội dung: “Miếu của xã xây dựng đã lâu ngày, đồ thờ, kèo cột đã bị hư hỏng nhiều. Phạm Viên cùng với thân hào bàn bạc và quyết định mỗi thuyền đánh cá phải nộp một suất, binh lính mỗi người một suất, còn thừa lại dân xã ứng ra chi dùng để tu sửa miếu. Ghi chú: Bốn chữ “Lê triều Cảnh Hưng” ở dòng niên đại trên thác bản là ngụy tạo”.
Bài văn bia của Phạm Như Xương. |
Người ta thường bảo “khôn văn tế, dại văn bia” và Nghệ An là vùng đất học nổi tiếng ở nước ta, nhưng Hoàng giáp Phạm Như Xương đã được quan dân sở tại tín nhiệm mời soạn văn bia để đời cho địa phương họ. Dựa vào thời gian kinh lược của ông ở Thanh - Nghệ, có thể thấy niên đại “Lê triều Cảnh Hưng” bị ngụy tạo từ niên đại “Nguyễn triều Thành Thái” (có tình trạng này là vì E.F.E.O thuê người Việt in rập bia, bia có niên đại càng sớm thì tiền thù lao càng cao). Do vậy, thời gian “chính xác” của văn bia này là năm Thành Thái thứ 4 (1892). Sau đây là bài văn bia của Phạm Như Xương, do Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An dịch, người viết hiệu chỉnh vài chỗ:
Thánh nhân đời cổ dựng việc dân mà gắng sức có thần. Dân hòa có thần giáng phúc, như thế không phải là làm dở rồi bày ra thiện.
Xã ta thờ cúng thần có đền thờ lâu rồi, trải qua nhiều lần được phong tặng. Thường được thần giúp đỡ, như có cảm cách không lường được. Cho nên nghề làm muối, đánh cá bày vui vì làm lợi cho thôn ấp nhiều lắm. Tuy bất thường có biến cố, mà nhà cửa yên ổn vẫn vững như thành, phúc lớn như biển đông, hẳn cũng là nhờ thần cho đấy.
Bởi vì, chùa xã ta, cột xà, đồ thờ, đồ tế đã qua nhiều năm tháng cũng hỏng theo. Cả đến cầu cống đê đường vỡ lở, lận lội khổ sở, trong xã lo lắng. Có bá hộ họ Phạm mưu tính cùng quan viên thân hào gọi họp trong vạn (xóm chài) bàn trích mỗi thuyền chài một phần để có tiền chi cấp, mỗi quan lính một phần lương tháng. Còn thiếu bao nhiêu, cả xã phải chi chung. Lại có người xin làm bia chùa và làm 2 bộ mã tượng tướng sĩ, đem cúng ở hội đồng miếu ấy. Bá hộ Phạm Quang Cảnh cúng một bộ, các nhà trong hội cúng một bộ. Đều ánh vàng ngọc sáng chói, chữ đỏ rực rỡ lắm thay. Cảnh vật đều mới. Há có phải chỉ có lễ tam sinh đủ, xôi thịt nhiều mà thôi, mà nơi xóm làng bỉ lậu cũng được nêu khen. Xưa Đại Vũ dựa vào sức quỷ thần, mà gắng sức với vòi lạch. Nay người hiếu thiện thành tâm trọng đức để dâng tiến hương thơm, giữ gìn danh vọng, giúp đỡ lẫn nhau. Khổng Tử có nói: Lí nhân vi mĩ (làng nhân là đẹp), đấy là lời khen rằng thổ mộc nên hình, thổ mộc nên trí. Cho nên phải mài đá khắc bia giữ lấy tiếng tăm, bảo cho con cháu ta, ghi chép sự vật để biết sức dân. Phúc của thần rực rỡ lâu dài, mà không ghét gì ai cả.
(Triều Thành Thái năm thứ bốn (1892) tháng ba ngày hai mươi. Quảng Nam Ngũ Hành Sơn, Đinh Hợi khoa Hoàng giáp Phạm Như Xương soạn).
HƯƠNG THU