Hoài niệm phố xưa - Bài 1: Vàng son thương cảng

LÊ QUÂN 09/03/2016 09:24

Các tuyến đường trong lòng đô thị cổ Hội An với vết tích văn hóa phố của người Hoa vẫn còn đậm nét, những căn nhà, cửa hiệu vẫn còn nguyên đó. Ngược lại, những sầm uất của một thời thương cảng quốc tế cùng dãy phố Nhật của ngót 4 thế kỷ trước đã mất dấu cùng thời cuộc.

Phố cổ Hội An bên sông Hoài nay vốn là thương cảng sầm uất xưa. Ảnh: BTDT
Phố cổ Hội An bên sông Hoài nay vốn là thương cảng sầm uất xưa. Ảnh: BTDT

BÀI 1: VÀNG SON THƯƠNG CẢNG

Những bồi lấp của thời gian, lịch sử ít nhiều làm phôi phai ấn tượng về một thời vàng son của Faifo, “một hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng”…

Cảng thị thuyền buồm quốc tế

Dân gian xứ Quảng còn lưu truyền câu ca: “Tơ cau, thuốc chở đầy ghe/ Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần”. Không chỉ vậy, trong các thư tịch cổ, các châu ấn thuyền (loại thuyền buồm thương mại Nhật Bản có trang bị vũ trang thường đi tới các cảng Đông Nam Á trong thời Mạc phủ Tokugawa, nửa đầu thế kỷ XVII) cập cảng giao thương ở cửa biển Hội An được ghi nhận khá đặc sắc. Năm 1695, thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán ghi lại trong Hải ngoại ký sự: “… xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đoàn thuyền chở lương đậu chờ gió tại cửa Hội An… Hai bên bờ, nhà cửa đông đúc, người đi xôn xao, kẻ gánh gồng, người ta đi chợ từ sáng… ở đây rau quả, cá, tôm họp mua bán suốt ngày”. Các thuyền buồm quốc tế vượt biển Đông tìm đến Chiêm cảng nhiều nhất phải kể từ cuối thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ: “Trên nền tảng của một cảng thị quốc tế từ thời vương quốc Chămpa, với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi và các yếu tố thời đại của lịch sử thế giới Đông - Tây, nền kinh tế nội thương của cả xứ Quảng đã phát triển mạnh mẽ, tạo nên hấp lực, đáp ứng sự khát khao thị trường của thương nhân các nước trên thế giới từ giữa thế kỷ XVI - với thương nhân Bồ Đào Nha, và đỉnh cao của sự thịnh vượng là vào thế kỷ XVII, XVIII - có sự định cư lập phố buôn bán của thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, lập thương điếm và tham gia thị trường của thương nhân các nước phương Tây là Bồ, Hà Lan, Anh, Pháp… cùng một số nước Đông Nam Á”.

Người phương Tây xưa kia gọi Hội An là Faifo. Xuất xứ cái tên này ngày nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết. Trong cuốn Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes in tại Roma năm 1651, chữ Hoài phố được định nghĩa: một làng trong xứ Cochinchine mà người Nhật ở và gọi là Faifo. Một giả thuyết phổ biến cho rằng Faifo xuất phát từ tên Hội An phố, cái tên sử sách và địa chí Trung, Việt đều nhắc tới. Theo một thuyết khác, Hội An nằm bên sông Hoài, nên còn được gọi là Hoài Phố, sau Hoài Phố biến thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo. Trong thư từ, ghi chép của giáo sĩ, học giả phương Tây, những cái tên Faifo, Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo... từng xuất hiện nhiều lần. Alexandre de Rhodes trong bản đồ An Nam gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài ấn hành năm 1651 có ghi rõ tên Haifo. Về sau, trên bản đồ chính thức của chính quyền Đông Dương, người Pháp đều sử dụng tên Faifo để chỉ Hội An. (Khảo từ nhiều nguồn tư liệu)

Ghi chép của Giáo sĩ Cristophoro Borri, cho biết, xứ Đàng Trong khi ấy (1621), chỉ trong khoảng hơn 100 dặm một chút, người ta đếm được hơn 60 cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền. “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và là nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán. Thành phố này gọi là Faifo” (theo “Xứ Đàng Trong năm 1621” của Giáo sĩ Cristophoro Borri). Sự cởi mở của người Đàng Trong, cộng với vị trí địa lý khá đặc biệt, ngay từ những thế kỷ XVI - XVIII Faifo đã được ghi nhận như một “khu kinh tế đặc biệt”, với sự phát triển mạnh mẽ của nghề buôn… Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, nhờ vị trí đắc địa mà cảng thị Hội An (Chiêm cảng) trở thành một giang - hải cảng (cảng cửa sông - ven biển) bởi nơi đây là ngã tư đường thủy, hợp lưu của ba con sông Thu Bồn, Cổ Cò và Trường Giang trước khi đổ ra cửa Đại Chiêm. Cũng từ những nghiên cứu lịch sử, nhiều người cho rằng Hội An là một ngã tư quốc tế khi nằm trên giao lộ của hải trình từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và ngược lại; hơn nữa Hội An còn là cửa mở lối vào nội địa cũng như từ nội địa ra đại dương. Không chỉ có vậy, sản vật, tài nguyên phong phú khiến thương khách các nước phải dừng tàu thuyền lại đây để trao đổi. Từ trầm hương, kỳ nam, vàng bạc, tổ yến, sừng tê giác, ngà voi, các nhà buôn người Hoa, Nhật Bản và phương Tây còn bị cuốn hút bởi các mặt hàng như tơ lụa, mía đường, khoáng sản…

Tự do và mở cửa

Giáo sĩ Cristophoro Borri, trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” viết rằng, “người dân xứ này không ưa và không có khuynh hướng đi đến các nơi khác để buôn bán, cũng như không bao giờ ra khơi quá xa đến độ không trông thấy bờ biển và lãnh thổ, mặc dầu họ dễ dàng cho người ngoại quốc vào hải cảng của họ và họ thích thú thấy người ta tới buôn bán trong lãnh thổ của họ, không những từ những nước và tỉnh lân cận mà từ cả những xứ rất xa…”. Sở dĩ xứ Đàng Trong khi ấy, cũng như cảng thị Hội An có nhiều sức cuốn hút với thuyền buôn các nước, một phần vì giàu sản vật, phần nữa vì chính sách tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc của chúa Nguyễn. Giáo sĩ Cristophoro Borri kể một câu chuyện khá sinh động trong ghi chép của ông về xứ Đàng Trong, rằng chính vì sự thông thoáng của chúa Nguyễn, người Hà Lan cũng tới đây buôn bán như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. “Vì thế người Bồ ở Macao mới có ý định sai một sứ giả tới chúa để nhân danh mọi người khẩn khoản chúa trục xuất người Hà Lan là địch thủ của họ. Để làm việc này, họ dùng một thuyền trưởng tên là Ferdinand de Costa (…) Tuy nhiên, phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán với nước ông. Các sứ giả phải nại nhiều lý do mới được như ý sở cầu” - Cristophoro Borri viết.

 Phác họa cảnh châu ấn thuyền Nhật Bản cập cảng Hội An.
Phác họa cảnh châu ấn thuyền Nhật Bản cập cảng Hội An.

Theo nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân, sau năm 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An, tàu bè ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều. Ban đầu các thuyền bè đậu ở Trà Nhiêu, nhưng nơi đây nhỏ hẹp nên phải lấy Hội An để tiện cho việc xuất nhập khẩu. “Từ Trà Nhiêu đến Hội An có một vũng nước cực lớn, rộng để thuyền bè có thể đậu vào thành phố. Trên bản đồ thời Lê còn lưu lại tên của bến cảng quốc tế này. Tàu lớn thời ấy muốn vào Hội An, dù tàu đậu ở Cù Lao Chàm hay Đà Nẵng đều được các thuyền đánh cá kéo đi” - cố học giả Nguyễn Văn Xuân viết. Không chỉ vậy, trong các quốc thư trao đổi thể hiện khá rõ nỗ lực giao thương ở các thế kỷ XVI, XVII. Chúa Nguyễn đã ban lệnh cho phép người Trung Hoa và người Nhật lập thương điếm, tụ họp chợ để buôn bán. Phố Nhật và phố Khách (hay còn gọi phố Đường) hình thành từ đây…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN