Vải xi-ta "Made in Tam Kỳ"

NGÔ PHÚ THIỆN 05/03/2016 12:36

Đã gần trọn 70 năm - kể từ ngày tấm vải xi-ta đầu tiên “ra lò” ở Tam Kỳ. Đây là loại vải hoàn toàn do người dân ta sản xuất. Cho dù ngày nay không còn mấy người biết về xuất xứ tấm vải xi-ta, nhưng nó vẫn cứ là niềm kiêu hãnh của người Tam Kỳ về “một thời vang bóng”.

Hình ảnh nghề dệt lụa của Quảng Nam được phục dưng tại làng lụa Hội An. Ảnh: internet
Hình ảnh nghề dệt lụa của Quảng Nam được phục dưng tại làng lụa Hội An. Ảnh: internet

Đã khá lâu, hồi đại tá Đặng Văn Lý (phường Hòa Hương) còn sống, ông đã kể tôi nghe chuyện về những xưởng dệt vải xi-ta ở Tam Kỳ. “Thời kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), bộ đội chúng mình cũng dùng quân phục toàn bằng vải xi-ta”. Tôi ghi chép cẩn thận. Và gần đây, tình cờ ngồi hóng chuyện với một cụ bà đã ngoài 90 ở phường Tân Thạnh, bà cụ bỗng nhắc đến loại vải chắc bền là “xi-ta bà Tân”! Chuyện xưa chợt hiện trong đầu.

Xuất xứ tên gọi

Tên gọi vải xi-ta, nghe có vẻ “rất Tây” và ít nhiều có căn nguyên Tây thật. Bởi trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, người Pháp đã mở một số cơ sở sản xuất vải ở Việt Nam. Họ đặt tên cho các xí nghiệp này là Société Industrielle de Textile d’ Annam, viết tắt thành S.I.T.A. Từ đó dân Việt đọc chệch âm SITA thành “vải xi ta”. Sau này, loại vải được dệt ở Tam Kỳ cũng có độ bền và bóng mịn không kém chất lượng vải Pháp nhưng thực tế không hề bị “Tây hóa”.

Vậy tại sao người Tam Kỳ đến nay vẫn gọi là “xi-ta bà Tân”? Lục lọi lại một số tư liệu cũ và chuyện kể của bác Lý, được biết: bà Tân có tên thật là Trần Thị Khương (1906 – 1965), sinh ra ở làng La Thọ, huyện Điện Bàn. Là người con của một làng quê nổi tiếng với nghề truyền thống trồng dâu, dệt vải cạnh sông Thu Bồn. Sau đó, bà theo chồng về sống ở Đà Nẵng và sinh hạ con trai đầu, đặt tên là Tân. Từ đây mọi người gọi vợ chồng bà theo tên con là ông, bà Tân. Cuối năm 1946, thực dân Pháp đánh chiếm lại Đà Nẵng, gia đình bà Tân phải bỏ nhà chạy về La Thọ ở một thời gian. Khi chiến tranh lan rộng đến các huyện Điện Bàn, Hội An… gia đình bà theo mọi người tản cư vào Tam Kỳ. Ban đầu, gia đình bà Tân được chính quyền địa phương bố trí xuống ở làng An Phú và làm nghề tráng bánh để kiếm sống. Suốt giai đoạn kháng Pháp (1946- 1954), Tam Kỳ thuộc vùng tự do của ta. Vì thế, khi Đảng kêu gọi nhân dân “tự lực, tự cường”, khắc phục khó khăn để phục vụ cuộc kháng chiến thì phong trào ở Tam Kỳ dấy lên mạnh mẽ… Bà Tân trở thành người đầu tiên của làng An Phú, đứng ra xây dựng xưởng dệt. Được sự động viên của chính quyền và đặc biệt là tinh thần hưởng ứng của đông đảo bà con ở khu vực Tam Kỳ, bà Tân tiếp tục mời ông Tới, ông Lâm cùng tham gia kỹ thuật và mở rộng xưởng dệt vải xi-ta. Khi bắt đầu có sản phẩm ra đời (đầu năm 1947), mọi người đều gọi cái tên thân mật: Vải xi-ta bà Tân.

Một thời vang bóng

Từ vài xưởng dệt thủ công ở làng An Phú, 5 tháng sau hầu như cả khu vực Tam Kỳ nơi nào cũng có cơ sở dệt vải. Từ xóm Đoan Trai, An Hà đến xóm Hàng, chợ Vạn… nhà nhà đều sắm khung cửi, quay sợi dệt vải. Bà Tân vào Quảng Ngãi thuê nhân công và mua bông hạt về cho trồng ở nhiều nơi - từ Tam Phú cho đến Tam Thái ngày nay. Nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, kéo sợi từ đó cũng “ăn theo” phát triển mạnh trong nhiều vùng quê của Tam Kỳ. Từ những xa quay tay ban đầu, bà Tân còn có sáng kiến làm bàn quay đánh chỉ để đánh được 5, 6 cặp; rồi tiếp tục cải tiến làm bàn đạp, quay được từ 20 đến 30 cặp chỉ. Nhờ đó, không chỉ nhân dân trong vùng có “của ăn, của để” mà các cơ sở dệt bà Tân còn chủ động được nguồn nguyên liệu, vật liệu cho vải xi-ta.

Phụ nữ xa xưa với công việc dệt lụa.
Phụ nữ xa xưa với công việc dệt lụa.

Vải Xi-ta được Công ty Việt Thắng (hoạt động buôn bán nhằm phục vụ kháng chiến) đặt hàng để cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ của Quân khu V. Công ty Việt Thắng chỉ yêu cầu bà Tân nhuộm vải có màu tro xám, để trang bị riêng cho bộ đội… Thế là, từ giữa năm 1948 về sau vải “xi-ta bà Tân” chỉ sản xuất hai loại: loại mỏng, màu đen cho dân thường và loại dày, màu tro cho cán bộ, chiến sĩ trong địa bàn quân khu.

Hỏi chuyện cụ bà Lê Thị Đào ở khu phố Đoan Trai ngày nay (thuộc phường Tân Thạnh), cụ có còn nhớ ít nhiều về vải “xi-ta bà Tân” ngày trước không? Cụ Đào bảo: “Chớ mắc chi không nhớ! Vải ta bà Tân dạo này không có được, nó mịn bóng mà chắc lắm. Quần áo giặt, đem phơi vừa thấy nắng nó đã khô mất rồi…”.

Bà cụ gọi “vải ta” ở đây là để chỉ loại vải xi-ta dành cho dân thường. Thân vải mềm và mỏng hơn loại vải “ưu tiên” cho bộ đội. Vì thế giá cả khá rẻ, mọi tầng lớp lao động đều có thể mua về sử dụng. Trong điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, mà các chàng trai, cô gái nào được diện bộ “xi-ta bà Tân” ra đường thì được xem là... sành điệu.

Trong khi đó, theo lời ông Đặng Văn Lý thì tất cả cán bộ, chiến sĩ của Quân khu V thời ấy đều được trang bị quân phục, võng, xắc-cốp, chăn đắp… bằng vải xi-ta. Đây là loại vải dày mịn, rất bền chắc và tiện lợi cho sinh hoạt của người lính ngoài tiền tuyến. Bởi thế, bộ đội Quân khu V thời chống Pháp được đánh giá là lính ăn mặc “sang” nhất trong đội ngũ “Vệ quốc đoàn”. Cũng theo lời ông Lý, Quân ủy - Quân khu V lúc bấy giờ đã may và gửi tặng Bác Hồ bộ quân phục với tấm chăn bằng vải xi-ta của Tam Kỳ. Nghe đâu hiện nay, ở Bảo tàng Quân đội (Hà Nội) vẫn còn lưu giữ kỷ vật này. Riêng với Đại tá Lý, trước khi rời quân ngũ, đã ra miền Bắc và gửi tặng chiếc võng dù có thương hiệu “xi-ta bà Tân” của mình cho Bảo tàng Phụ nữ, như món quà kỷ niệm…

Lại nhớ, hồi tháng 5.1975 - trong dịp Lễ mừng cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi - một cô văn công nào đó đã hát bài “Tấm chăn xi-ta của mẹ” tại sân vận động Tam Kỳ. Lời ca rất trữ tình, xúc động nhưng lúc ấy không mấy người biết xuất xứ bài hát cũng như lai lịch của tấm vải xi-ta này. Về sau tôi mới được biết, bài hát ấy được phổ từ bài thơ “Tấm chăn xi-ta” của tác giả Quốc Tấn, người lính của Trung đoàn 108 đồng thời cũng là con trai của bà Tân!

Đối với nhiều bà cụ hiện ở Tam Kỳ, trước kia làm “lính thợ” cho xưởng dệt xi-ta thì cứ hỏi đến vải “xi-ta bà Tân” các bà, các cụ lại “tung tẩy” như con thoi khung cửi.

NGÔ PHÚ THIỆN

NGÔ PHÚ THIỆN