Lễ hội tháng Giêng

LÊ QUÂN 28/02/2016 08:07

Tháng Giêng qua những miền lễ hội. Từ những hội làng dân gian truyền thống đến lễ hội mới – người ta hay đùa là “lễ hội du lịch”, đâu cũng đông, đâu cũng như thấy lễ hội đã trọn cả phần linh thiêng lẫn phần hội hè…

Hội làng xứ Quảng. Ảnh: Lê Vấn
Hội làng xứ Quảng. Ảnh: Lê Vấn

Đa số hội ở Quảng Nam là hội làng. Phần nghi thức lễ, dầu có tinh giản bao nhiêu, vẫn khẳng định rằng hồn cốt của lễ còn như buổi ban đầu. Bởi lễ nghi ấy, là tự bản thân người dân giữ gìn từ đời này qua đời khác, mỗi mùa tháng Giêng lại khơi lên kính cẩn với tổ tiên. Ngay cả trong lễ hội, cái bản tính khảng khái của người xứ Quảng cũng bộc lộ cho bằng được, đâu ra đó, lễ thì kính cẩn và hội thì chơi hết mình. Bản tính này biểu hiện ngay cả trong những lễ hội mới xuất hiện gần đây, do nhu cầu của mỗi địa phương.  

Hội lễ thuần hậu

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh chia sẻ, không biết ở các tỉnh thành khác như thế nào, riêng ở Quảng Nam, hội làng truyền thống do đích thân người làng làm chủ. Nhà nước chỉ hỗ trợ về các mặt quản lý hành chính, và tất nhiên chuyện hội làng không đặt nặng vấn đề lợi lộc. Và vẫn thấy mừng khi so với các lễ hội truyền thống tại miền Bắc, hội làng ở Quảng Nam vẫn giữ cho riêng mình một “văn hóa lễ hội”. Điều này được lý giải bởi quy mô cũng như ý nghĩa riêng biệt của hội ở xứ Quảng. Nếu hội ở đất Bắc nặng về tín ngưỡng phồn thực thì hội ở miền Trung nghiêng về thần Mẫu và các tổ nghề, tôn vinh nghề trồng lúa nước và cả sự thờ cúng những vị anh hùng lịch sử, cũng được nâng lên thành lễ hội. Mỗi một lễ hội đều là ký ức, để người ở vùng xuôi đến miền ngược tự hào mỗi bận nhắc chuyện quê mình. Dù là lễ hội nhỏ gắn với một cộng đồng làng, hay lễ hội được nâng tầm cấp quốc gia, hội làng truyền thống luôn là dịp để người dân thể hiện sự tôn kính với những bậc tiền nhân, những anh hùng hay thần thánh.

Là nét đẹp văn hóa mang đậm tính Việt, lễ hội cũng là nơi thể những triết lý thâm hậu đã có tự ngàn đời. Không thể quên nhắc đến tục thờ Bà khi “thờ phụng nữ thần và mẫu thần là cái nền chung của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Đa số các lễ hội dân gian truyền thống của xứ Quảng đều liên quan đến sông nước cùng với tín ngưỡng thờ Bà. Lễ hội mùa xuân, lớn nhất phải kể đến lễ Rước cộ Chợ Được vào mùng 10 tháng Giêng và Lệ Bà Thu Bồn vào những ngày đầu tháng 2 âm lịch. Hai lễ hội có truyền thuyết liên quan đến nhau, một dành cho vùng sông nước Trường Giang và một của mẹ Thu Bồn. Hàng trăm mùa xuân đi qua, lễ vẫn nguyên vẹn một sự thành tâm của người sống dọc những miệt sông. Sau những nghi thức lễ, là hội hè kéo trọn một ngày, để người ở xa về kịp dự những trò vui của làng. Là bài chòi, hát bội. Là những gian hàng ẩm thực và trò chơi dân gian của nhóm này nhóm khác. Không khí đủ kiểu thân tình để kết nối xóm giềng làng mạc.

Văn hóa nông nghiệp được phản ánh sinh động qua lễ hội và cả cái cách người dân ứng xử với lễ hội. Thiệt thà, thuần hậu, chân tình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội ở xứ Quảng bám sâu vào văn hóa làng, ăn sâu vào tâm thức của từng người dân, nên sức sống của lễ hội không phải chỉ bùng lên như một đốm lửa rồi tắt, mà mang tính bền sâu. Thêm nữa, lễ hội xứ Quảng thường chỉ diễn ra trọng phạm vi làng, xã và người dân là chủ thể, vừa tạo nên lễ hội, vừa thụ hưởng lễ hội, nên đó, chắc chắn được duy trì bền bỉ.

Lễ hội du lịch

Kích cầu du lịch thông qua lễ hội là một kênh chiến lược của các nhà làm kinh tế. Ngay cả những hãng lữ hành khi giới thiệu tour cho khách cũng phải lồng ghép cho được những giá trị đặc sắc – lễ hội vùng miền mới khiến điểm đến có sức hấp dẫn. Chung một nhìn nhận như vậy, mùa lễ hội nghiễm nhiên trở thành mùa hút khách của các địa phương. Cũng từ nhu cầu đó, những lễ hội mới được tạo ra. Nếu cách đây khoảng chừng 3 - 5 năm, các lễ cúng tổ nghề vẫn còn khá mờ nhạt, chỉ tồn tại ở một bộ phận cộng đồng làm nghề, thì nay, các nghi thức lễ này đã được nâng lên thành lễ hội làng nghề. Từ mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tế tổ nghề gốm Nam Diêu… dần dà trở nên đông đúc bởi du khách khắp nơi kéo về Hội An du lịch đầu năm và tranh thủ dự hội địa phương.

Nhiều địa phương tìm cách quản lý lễ hội để dễ dàng làm du lịch. Tăng trưởng kinh tế bằng văn hóa là điều địa phương nào cũng mong muốn khi chọn con đường phát triển bằng nền “công nghiệp không khói” này. Nhưng không phải ai cũng có khả năng kết hợp khéo léo giữa gìn giữ bản sắc và phát triển kinh tế. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An – nơi có khá nhiều lễ hội du lịch, chia sẻ, những lễ hội ở Hội An, bằng cách này hay cách khác, luôn tựa vào bản sắc và giá trị của khu đô thị cổ mà thành hình. Hơn 10 năm với hoạt động Đêm phố cổ - được coi như một dạng lễ hội mới, Hội An làm nên điểm nhấn với giá trị riêng biệt này. Lễ hội Hành trình di sản từng được coi như một mùa hút khách của Hội An. Lễ hội bắp nếp Cẩm Nam lần thứ 3 được tổ chức hôm 16 tháng Giêng, dù ở quy mô nhỏ, nhưng đủ để tạo nên một dấu ấn để sản phẩm nông nghiệp này dễ dàng tiêu thụ hơn.  TP. Hội An đang ấp ủ kế hoạch tổ chức một lễ hội về cây ngô đồng, để từng bước đưa sản phẩm này trở nên đặc trưng cho vùng đất xã đảo Cù Lao Chàm…

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đủ điều kiện hội tụ từ không gian đến con người để làm nên những lễ hội du lịch thu hút khách thập phương. Ngay bản thân người làm văn hóa ở Hội An cũng nhìn nhận về sự may mắn khi tổ chức lễ hội ở phố cổ. Sự đồng tình hưởng ứng của cư dân tại đây cũng như các vẻ đẹp riêng biệt dễ dàng mang lại thành công cho một hội mới. Tuy nhiên, lễ hội mới, không giống các hội làng truyền thống, vì thường nghiêng về tính diễn nhiều hơn, nếu lặp lại quá nhiều, không có sự thay đổi sau mỗi lần tổ chức, sẽ dễ trở nên nhàm chán. “Hội An cần một sự khác biệt”, không chỉ trong cách tổ chức các hoạt động lễ hội…

Như một mạch nguồn văn hóa, lưu giữ lễ hội cũng chính là bảo vệ bản sắc văn hóa trước bao nhiêu dòng chảy, trào lưu. Những lễ hội qua đi, nhưng dư âm thì vẫn còn đọng…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN